Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Thực trạng không gian sinh kế và văn hóa của cộng đồng Cơ Tu tại Quảng Nam

  • Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng khá lớn so với các vùng khác của cả nước. Tại thời thời điểm 1/1/2012, tổng diện tích có rừng hiện có của tỉnh khoảng 517 nghìn ha với độ che phủ là 48,6%, trong đó diện tích rừng tự nhiên khoảng 394 nghìn ha chiếm 76,2% diện tích có rừng và chiếm 37,8% diện tích tự nhiên (1.043 nghìn ha). Từ sau Luật Đất đai 2003 và Luật BV&PT rừng năm 2004, cộng đồng dân cư được thừa nhận là đối tượng được giao đất giao rừng (GĐGR). Sau hơn 10 năm thực hiện, Quảng Nam là một trong những tỉnh trong cả nước tích cực triển khai thực hiện sớm chủ trương này và đã giao cho 249 cộng đồng khoảng gần 160 nghìn ha rừng và đất rừng. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích trên mới chỉ được thực hiện trên giấy tờ, trong khi đó hồ sơ giao đất vẫn chưa hoàn thiện. Trên thực tế, hầu hết tại các địa bàn trong tỉnh mới chỉ tạm giao khoảng 45 ngàn ha (chiếm 28% tổng diện tích dự kiến giao) cho các cộng đồng. Trong thời gian tạm giao này, việc bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả như mong đợi, rừng không bảo vệ được và vẫn bị xâm hại. Thực trạng này đang gây ra những thách thức lớn đối với đời sống vật chất và tinh thần của các nhóm dân tộc thiểu số tại địa phương.

    GĐGR cho cộng đồng theo 'phong trào'

    Đông Giang là huyện Miền núi của tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích tự nhiên là 81.263 ha, trong đó đất lâm nghiệp khoảng 65.650 ha, chiếm 13% diện tích lâm nghiệp toàn tỉnh. Với điều kiện ở vùng miền núi, sinh kế của đa số đồng bào dân tộc gắn với rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc GĐGR cho hộ gia đình và cộng đồng ở Đông Giang còn đang rất thấp. Giai đoạn 2006 - 2008, toàn huyện đã tổ chức tạm giao cho 35 cộng đồng với khoảng 16.307 ha đất rừng để quản lý bảo vệ và giao cho 1.727 hộ gia đình với diện tích khoảng 2.880 ha. Đến nay, phần lớn diện tích lâm nghiệp, khoảng 46.463 ha (chiếm 71%) đang quản lý bởi BQL rừng phòng hộ A Vương, BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, Khu bảo tồn Sao La và Công ty cao su Đông Giang với 3 đơn vị thành viên. Hiện nay, người dân và các cộng đồng được các tổ chức nêu trên khoán đất rừng để bảo vệ rừng và được hưởng tiền công bảo vệ rừng. Chỉ có một số hộ dân tham gia dự án Carbi được cấp giấy chứng nhận diện tích đất trống để trồng rừng Sao đen.

    Những diện tích rừng sau khi giao cho cộng đồng

    Mặc dù các cộng đồng dân cư đã được tạm giao rừng nhưng phần lớn rừng chưa được quản lý bảo vệ hiệu quả. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do (i) Tổ chức thực hiện GĐGR cho cộng đồng dân cư theo phong trào, chưa có phương pháp giao phù hợp; (ii) Khu vực rừng, đất rừng giao cho cộng đồng không phù hợp với tập quán sinh kế, văn hóa của cộng đồng (quá xa khu dân cư, không gắn với khu rừng truyền thống dân tộc; (iii) Cộng đồng tham gia bảo vệ rừng nhưng không đủ kinh phí bảo vệ; (iv) Chính sách hưởng lợi từ rừng rất khó thực hiện.

    Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: "Thất bại từ quá trình thực hiện thí điểm GĐGR cho thấy, quan trọng là cách thực hiện giao đất, giao rừng. Giao mà người dân không biết của mình ở đâu thì bảo vệ cái gì? Về chia sẻ/hưởng lợi về rừng như đã từng triển khai thì yêu cầu phải có tư vấn, phải có đánh giá sinh khối. Người dân ta sao biết nổi sinh khối gì mà đưa vào. Còn thuê tư vấn điều tra, thiết kế, tiền vận xuất còn tốn nhiều hơn cả mấy khối gỗ họ được khai thác…".

    Không gian sinh kế của cộng đồng Cơ Tu xã Tà Lu bị thay đổi

    Quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là từ sau khi chuyển sang đổi mới nền kinh tế đã có nhiều tác động bất lợi đến quyền quản lý tài nguyên của cộng đồng dân tộc Cơ Tu tại xã Tà Lu, huyện Đông Giang. Những cải cách trong chính sách đất và rừng về phân chia lại đất lâm nghiệp cho các chủ thể quản lý đã làm thu hẹp không gian sinh tồn của cộng đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn và nhu cầu sử dụng đất ngày càng lớn dưới áp lực gia tăng dân số và tác động của kinh tế thị trường, các khu rừng khu vực gần khu dân cư của các cộng đồng đã bị khai thác để phục vụ sản xuất. Diện tích có rừng tự nhiên gần khu dân cư trước đây do cộng đồng sử dụng đã trở thành nương rẫy hoặc chuyển sang trồng cây lâm nghiệp như keo, quế…

    Người dân xã Tà Lu trong chuyến khảo sát tìm hiểu về thực trạng quản lý rừng và đất rừng của cán bộ LISO

    Tổng diện tích tự nhiên của xã khoảng 7.925 ha, trong đó chủ yếu là đất lâm nghiệp 6.645 ha, chiếm 83,8% diện tích tự nhiên. Theo thống kê đất đai xã Tà Lu đến 1/1/2014, đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 236 ha (bình quân 0,88 ha / hộ) chiếm 2,97% diện tích tự nhiên, trong đó đất lúa ruộng chỉ có khoảng 40 ha nhưng phân bố rải rác quy mô nhỏ và sản xuất một vụ  mùa mưa - bình quân 0,15 ha / hộ. Tuy nhiên, hiện nay BQL rừng Phòng hộ A Vương, BQL Khu bảo tồn Sao La và BQL rừng phòng hộ Sông Kôn đang Quản lý phần lớn diện tích có rừng tự nhiên; UBND xã quản lý khu vực đất trống, cây bụi và một diện tích nhỏ có rừng tự nhiên là rừng sản xuất phân bố phân tán. Trong khi đó các hộ gia đình quản lý và sử dụng diện tích đất cây bụi xen nương rẫy, đất rừng trồng chung quanh các khu dân cư. Loại đất này hiện nay đang được các cơ quan có thẩm quyền hoàn chỉnh hồ sơ để giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hộ gia đình. Bên cạnh đó, một số nhóm hộ gia đình cũng đang hợp đồng với các BQL rừng để nhận khoán bảo vệ.

    Trong điều kiện không gian sinh kế bị thu hẹp, dấn số ngày càng tăng các hộ gia đình trong xã ngày càng rơi vào tình trạng bị thiếu đất sản xuất để đảm bảo cuộc sống. Việc hạn chế về quyền tiếp cận tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là rừng và đất rừng (hiện chủ yếu nằm trong các BQL rừng phòng hộ và Khu bảo tồn) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tại các thôn trong xã việc sử dụng các sản phẩm từ rừng rất hạn chế vì rừng tự nhiên khá xa khu dân cư và đang thuộc quyền quản lý của các tổ chức nhà nước. Thiếu đất sản xuất và chủ yếu canh tác nương rẫy dựa vào tự nhiên nên tình trạng nghèo đói ở xã Tà Lu hiện nay rất cao khoảng 65% (173 hộ / tổng số 266 hộ của xã). 

    Không gian văn hóa của cộng đồng Cơ Tu thôn DhơRôồng bị thu hẹp

    Hiện nay khu vực gần khu định cư của cộng đồng Cơ Tu thôn DhơRôồng hầu như không còn rừng tự nhiên. Những khu rừng thiêng để thực hành các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng cũng bị thu hẹp đáng kể.  
    Chỏm rừng cộng đồng còn sót lại của thôn DhơRôồng

    Rừng thiêng của dân tộc Cơ Tu thôn DhơRôồng, theo quan niệm truyền thống là nơi trú ngụ của thần linh, không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn, được gìn giữ thông qua các lễ hội tín ngưỡng truyền thống hầu như không còn. Những diện tích này đã và đang quản lý bởi các Ban quản lý rừng, một phần trở thành đất nương rẫy, đất rừng trồng của các hộ dân trong thôn. Hiện nay, toàn thôn chỉ có duy nhất một khu rừng tự nhiên phục hồi với diện tích khoảng 50 ha đang được quản lý chung và thường xuyên được tuần tra bảo vệ bởi tổ bảo vệ rừng của thôn. Vì vậy, thay vì tổ chức tại các khu rừng thiêng, các lễ cúng thần linh như thần rừng và thần nước ngày nay được làm ngay tại nhà 'Gươl' - nhà cộng đồng. Các giá trị trong thiết chế cộng đồng truyền thống và vai trò của Hội đồng già làng của người Cơ Tu tại thôn DhơRôồng đang có nguy cơ bị mai một.

    Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Tập quán văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Cơ Tu đã và đang bị phá vỡ và rất khó kháng cự được trước tác động mạnh mẽ của các chương trình phát triển kinh tế xã hội, cơ chế thị trường và xâm nhập văn hóa bên ngoài. Thực tế văn hóa dân tộc Cờ  Tu đã có nhiều đứt gãy, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa bên ngoài, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và đánh rơi dần đi bản sắc dân tộc".

    Tập quán sống và văn hóa truyền thống lâu đời của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi có mối quan hệ chặt chẽ với những không gian sinh kế, không gian văn hóa rừng và đất rừng. Do đó, việc phát huy những giá trị này trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý đất rừng tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi là hết sức cần thiết. Kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai một số dự án hỗ trợ GĐGR cho thấy, những nơi cộng đồng được giao những diện tích gắn với quản lý truyền thống (rừng tín ngưỡng, rừng sử dụng chung, rừng bảo vệ nguồn nước) thì ở đó đất và rừng được quản lý và sử dụng có hiệu quả. Khi các quyền về đất và rừng của các cộng đồng được khẳng định, người dân sẽ tự nguyện tự tổ chức phân công một cách trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng vì lợi ích chung của cả cộng đồng trên cơ sở các qui định luật tục và hệ thống tri thức địa phương của dân tộc mình.

    LISO

Bài viết khác