Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Thực hiện Quyết định còn khó hơn cả việc làm dâu trăm họ!

  • Người Thái có câu "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là: Sống rừng nuôi, chết rừng chôn. Thế mới biết đồng bào gắn với rừng máu thịt biết nhường nào.
    Canh tác truyền thống của người Thái tại xã Hạnh Dịch (ảnh: CIRUM)

    Là một huyện miền núi nghèo với thành phần dân số chủ yếu là người Thái, người dân huyện Quế Phong đang đứng trước một thách thức lớn khi tiếp nhận Quyết định 340/2013/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, phê duyệt Đề án chuyển đổi Ban quản lý Rừng phòng hộ thành Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiêm Pù Hoạt. Tại sao vậy?! Lý do rất đơn giản, quyết định này có liên quan rất lớn đến cuộc sống của những người đang sống trong các vùng rừng tại đây, bởi phần lớn các diện tích đất rừng (phòng hộ và một phần đất rất nhỏ trong vùng lõi rừng đặc dụng) đã được chính quyền địa phương giao cho người dân quản lý sử dụng ổn định từ năm 2003 đến nay. Lệnh từ trên xuống dưới; thắc mắc, kiến nghị thì lại từ dưới cộng đồng dội lên. Trước tình hình đó, Lãnh đạo huyện Quế Phong không thể không khỏi lúng túng. Mọi việc đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nam, nhưng rồi cũng tìm ra giải pháp, mà giải pháp đó lại có được từ mối lương duyên giữa địa phương và Viện SPERI - Một mối quan hệ rất tốt đẹp đã được hình thành và thử thách qua nhiều năm. Việc ra đời Quyết định rà soát lại các diện tích rừng nằm trong Đề án của tỉnh mà lãnh đạo huyện Quế Phong đưa ra dưới sự tư vấn của Viện SPERI là một quyết định vừa mang tính khoa học vừa có tính thực tiễn để từ đó có được những cứ liệu và ý kiến tham vấn cho UBND tỉnh, giúp cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An ra quyết định đáp ứng được cả 2 mục tiêu là vừa bảo tồn được tài nguyên đa dạng sinh học vùng Tây Nghệ An, lại vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân, những người mà bao đời nay vẫn "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn" trong vùng.

    Từ kết quả hợp tác với Trung tâm TEW trước đây, và nay là Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội (SPERI) trong việc tổ chức thực hiện các dự án quản lý bền vững tài nguyên rừng, đất rừng và hỗ trợ phát triển Cộng đồng trên địa bàn huyện Quế Phong, ngày 12 tháng 8 năm 2013, UBND huyện Quế Phong và Viện SPERI đã ký Văn bản thỏa thuận hợp tác mở rộng mô hình giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng dân cư tại các thôn của xã Hạnh Dịch và một vài các xã khác trong huyện. Văn bản hợp tác được ký kết trong bối cảnh chính quyền địa phương đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện các chính sách liên quan đến hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt và hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số như Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Từ kết quả ký kết hợp tác, đại diện chính quyền huyện đã đề nghị Viện SPERI hỗ trợ triển khai hoạt động rà soát, điều tra và xác định những diện tích rừng mà người dân đã được tạm giao, được quy hoạch cho các vùng tái định cư ổn định từ năm 2003 đến nay để làm cơ sở kiến nghị UBND tỉnh có những quyết định phù hợp với thực tế cũng như nguyện vọng của người dân. Các diện tích rừng được đặt vấn đề rà soát có liên quan chặt chẽ với việc thực hiện Quyết định 340 ngày 21/ 01/ 2013 của UBND tỉnh Nghệ An.

     Phúc đáp yêu cầu của UBND huyện Quế Phong, đoàn công tác hỗn hợp của Viện SPERI đã được thiết lập với sự tham gia của các chuyên gia từ Mạng lưới Đất rừng, Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM). Trong 2 tháng 8 và 9 năm 2013, đoàn đã có 2 đợt làm việc với các xã và khảo sát trên hiện trường. Từ kết quả rà soát giai đoạn 1 đối với một số xã trọng điểm, UBND huyện Quế Phong đã có Công văn số 738/UBND-TN ngày 10/9/2013 về việc chỉ đạo UBND các xã, các phòng ban chuyên môn của huyện tiếp tục phối hợp với Đoàn công tác thực hiện một bước rà soát chi tiết trên tất cả các xã liên quan để có báo cáo với UBND huyện.

    Với mục tiêu nghiên cứu, rà soát nhằm cung cấp thông tin và ý kiến tư vấn cho UBND huyện Quế Phong trong việc thực hiện Quyết định số 340/QĐ – UBND ngày 24/1/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (KBT PH). Đồng thời đây sẽ là cơ sở để UBND huyện cùng các bên liên quan vận động các nguồn lực để thực hiện các thủ tục giao quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng và đất rừng cho người dân và cộng đồng đúng luật và phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và duy trì các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc sống dựa vào rừng và bị thiệt thòi do mất đất trong các dự án phát triển. Từ đó giúp cho địa phương có được bộ chỉ số thể hiện diện tích đất và rừng cần chuyển đổi để cân đối giữa đất sản xuất và các loại đất khác. Trong quá trình khảo sát, Đoàn công tác đã tìm hiểu các các văn bản chỉ đạo có liên quan đến vấn đề ra soát lại 3 loại rừng trên địa bàn huyện Quế Phong. Đồng thời Đoàn cũng đã đi đến các xã để chụp ảnh và quay phim làm tư liệu về thực trạng sử dụng đất của người dân trong vùng.

    Từ kết quả rà soát, nghiên cứu, đoàn đã phát hiện ra những sự khác biệt trong số liệu giữa Đề án xây dựng Khu Bảo tồn thiên nhiên và Số liệu thống kê có tính pháp lý năm 2013 của UBND huyện Quế Phong. Sự chênh lệch đó lên đến cả trên cả 8 nghìn ha?! Bên cạnh sự khác nhau về số liệu, vấn đề liên quan đến quy định loại hình đất để hình thành Khu bảo tồn thiên nhiên theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng được đoàn đề cập như một vấn đề cần lưu ý để các quyết định có được sự hợp lý với các quy định của luật định. Tuy nhiên, kết quả quan trọng mà Đoàn tổng kết từ hoạt động nghiên cứu, khảo sát và trao đổi với cơ sở là đưa ra được tổng diện tích mà người dân và chính quyền cơ sở đề nghị chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất là 23.202,62 ha, trong đó số diện tích mà các hộ đang quản lý sử dụng là 16.053,96 ha. Tình trạng này không phải chỉ xảy ra ở huyện Quế Phong. Trong quá trình làm công tác điều tra rà soát về rừng và đất rừng tại những địa bàn khác trên các tỉnh Quảng Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Nam, Đắk Lắc,... các cán bộ trong đoàn công tác của Viện SPERI và Trung tâm CIRUM cũng đã từng chứng kiến những sự chồng chéo, tranh chấp, bất hợp lý trong công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên rừng và đất rừng tương tự hoặc hơn thế. Như một số người dân xã Hạnh Dịch, Quế Phong và xã Bắc Lãng, Lạng Sơn đã nhiều lần chia sẻ trên các hội nghị lớn " ở trong nhà, trong trụ sở là của mình còn bước xuống khỏi cầu thang là đất của Lâm trường, của Ban quản lý". Đây có thể là hậu quả của tình trạng quan liêu, thiếu trách nhiệm và hạn chế năng lực của các địa phương trong công tác nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực trạng và thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật mà không phải địa phương nào cũng có điều kiện phát hiện và khắc phục được ngay. Nó đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm từ nhiều phía để có các giải pháp hợp lý mà việc làm của đoàn công tác ở Quế Phong lần này có thể coi là một phương pháp tích cực góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh những xung đột không đáng có trong quản lý tài nguyên đất và rừng.

    Vào thời điểm này, Báo cáo nghiên cứu và rà soát của đoàn đã được gửi đến UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Phong. Lãnh đạo huyện và các cán bộ tham mưu cho huyện sẽ nghiên cứu và rút ra những kiến nghị hợp lý, hợp tình để trình UBND tỉnh đáp ứng nguyện vọng của người.

    Ngẫm lại câu nói của người Thái, "Hiêm pá vạy lun lăng chắng mả/Vạy haử nặm chu bỏ lay lơng/Phaư chứ đảy khót nặn măn chẳng pên côn". Có nghĩa là: Giữ rừng cho muôn đời phát triển; Để cho muôn mỏ nước tuôn trào; Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người, tôi cứ hy vọng sẽ có một phép màu kỳ diệu nào đó để người dân vùng rừng nơi đây được sống hạnh phúc và hãnh diện bởi được là những người chủ thực sự của những cánh rừng vừa giàu cả chất nhân văn và đa dạng sinh học trên Miền Tây Nghệ An. 

    CIRUM

Bài viết khác