Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Theo chân những người tìm hạt giống để phục hồi rừng tự nhiên trên đất Si Ma Cai.

  • Theo chia sẻ của các thành viên Mạng lưới Đất rừng Si Ma Cai và Nhóm nông dân sinh thái trẻ, việc thu gom hạt giống cây lâm nghiệp bản địa và tổ chức vườn ươm mà họ đang phối hợp triển khai sẽ tạo ra một cơ số hàng vạn, hàng triệu cây giống có chất lượng tốt và đảm bảo tỷ lệ sống cao trong những năm tới để cung cấp chương trình phát triển rừng trên địa bàn Si Ma Cai, nơi mà gia đình và cộng đồng của họ đang sinh sống. Đây cũng là định hướng nhằm hỗ trợ thực hiện chiến lược phục hồi phục hồi và phát triển rừng tự nhiên có hiệu quả và bền vững trên nhiều vùng miền khác nhau của Mạng lưới Đất rừng và trên các mô hình của các nông dân sinh thái trẻ.

    Sáng đó, sau một quảng đường hơn 10 km quanh co uốn lượn trên những sườn núi từ Thị trấn Si Ma Cai vào xã Lùng Sui, chúng tôi đã có mặt tại một địa điểm ven cánh rừng Nào Lồng của thôn Lùng Sáng. Ở đó, dưới tán cây Xoan thối già trĩu quả, Nhóm thành viên Mạng lưới Đất rừng (MLĐR) Si Ma Cai do anh Ly Seo Vư làm trưởng nhóm và anh Vàng Sín Mìn Tổng thư ký Mạng lưới nông dân sinh thái trẻ đã tề tựu đông đủ. Có vẻ như ai nấy đều đang khẩn trương chuẩn bị cho việc thu gom quả Xoan làm giống. Chúng tôi chào nhau vui vẻ và cũng nhanh chóng hoà mình vào không khí làm việc của các anh.


    Cây Xoan to và cao vút. Già làng Ly Seo Chùa và trưởng thôn Vàng A Páo đã kịp chuẩn bị một chiếc thang và một chiếc sào một đầu có gắn cái liềm nhỏ thuận lợi cho thu hái những chùm quả. Anh thanh niên tên Ký nhận nhiệm vụ trèo lên cây để hái quả đang vòng tay đo độ lớn của thân cây để xác định khả năng bám, trèo. Nhìn cái dáng nhỏ thó trước một thân cây to với nhiều đoạn trơn tuột chúng tôi thấy ái ngại cho anh. Anh Ký bắt đầu leo lên cái thang chưa đầy 4 mét, mà từ cuối thang cho tới cái chạc ba nơi anh bắt đầu có thể ngồi thu hái vẫn còn tới 3-4 mét với thân cây trơn tuột. Thiếu cái nài vòng qua hai bàn chân như ngày xưa chúng tôi vẫn trèo cau, nhưng anh Ký vẫn khéo léo dùng hai bàn chân bám chặt, leo lên và ngồi vào nơi an toàn giữa chạc ba. Ngước nhìn lên, phía đó, trên những cành cao là những chùm quả sum suê đã chuyển sang màu xanh đậm - cái đích mà anh Ký cần đưa sào tới. Khi anh Ký đã ngồi chắc trên chạc cây, già Ly Seo Chùa cẩn thận đưa cây sào cho anh và quay lại phía tôi để trả lời câu hỏi mà trước đó tôi băn khoăn về việc thu hồi quả xanh để làm giống.

    Bằng cái cách mà phần lớn các cư dân miền núi sử dụng khi giao tiếp, Già Ly Seo Chùa thủng thỉnh "để quả chín hạt nó sẽ đi hết, mình hái xuống phơi thì mới có thể giữ lại được cái hạt. Quả trông thì còn xanh nhưng đã già và hạt cũng đã chắc rồi. Nếu hái muộn, quả chín sẽ nở ra và hạt sẽ bay đi mất". Già với tay đón lấy một chùm quả Xoan đã khô trên tay anh Páo trưởng bản Lùng Sáng và chỉ cho tôi xem những múi quả khô đã bung ra như ngôi sao mà phía trong chỉ còn sót lại vài ba hạt. Cẩn thận bỏ mấy hạt vào lòng bàn tay, Già chia sẻ "Đây. Hạt nó nhỏ lắm. Mỗi hạt có một cái cánh mỏng như cánh dán. Khi có gió, những cái cánh này sẽ đưa hạt đến những nơi nó cần đến". Đúng vậy, nhìn ra chung quanh đã có rất nhiều cây xoan lớn bé mọc rải rách trên một diện rộng. Cái cánh dán bé nhỏ đã đưa các hạt tí xíu đến những nơi đó. Thiên nhiên thật tuyệt vời đã ban tặng không chỉ cho những loài động vật khả năng di chuyển mà còn rất công bằng cho những hạt cây những chiếc cánh mỏng để bay xa. Cây mẹ đứng lại vươn cao và dang rộng cánh tay để đàn con có thể đủ tầm cất cánh bay đi theo gió đến nhữngvùng khác để tiếp tục tái tạo và sinh sôi nảy nở. Ai có tinh ý, mới có thể biết được cái cách phát tán loài xoan thối. Chính vì hiểu rất rõ đặc điểm phát tán của loài cây gỗ này - một loài rất có giá trị trong cuộc sống cư dân vùng Si Ma cai, nên các thành viên của MLĐR Si Ma Cai đã có sáng kiến thu gom trước khi quả chưa kịp bung ra để có thể đón nhận được hàng vạn, hàng triệu hạt giống cho tương lai những cánh rừng.

    Sau gần hết một buổi sáng thu hái, ba bốn bì tải to đã được chất đầy quả xoan. Một kết quả thật tuyệt vời. Song để nhìn thấy được kết quả đó, chúng tôi cũng đã không ít lần phải thót tim khi quan sát anh Ký từng nấc trèo lên cây và dịch chuyển giữa những chạc ba, chạc tư trên cao chót vót. Chiếc sào nhỏ với lưỡi liềm mà già Chùa chuẩn bị được anh Ký sử dụng khéo léo cùng với lòng dũng cảm để từng chùm, từng chùm quả được cắt gọn và gửi xuống. Những người dưới gốc cây thu gom và đóng bì để tối ngày hôm đó đưa về khu Mô hình đào tạo Nàn Sán cho hoạt động gieo ươm. Cùng với việc thu gom quả Xoan, nhóm đã tiếp tục mở rộng hoạt động thu gom đối với đối tượng là các loại hạt và cây giống khác từ sâu trong cánh rừng Lùng Sáng. Cả nhóm lại cùng nhau vào rừng, tìm kiếm và thu hái.


    Tiếng gà gáy trưa đã cất lên, Nhóm thu gom hạt, cây giống rừng cũng đã kịp quay về. Trên tay anh Mìn, anh Páo, anh Vư là những bó cây rừng non, những gói hạt và quả rừng căng đầy. Chỉ vào một bó cây, anh Mìn hào hứng chia sẻ với chúng tôi về giá trị của các loài cây mà các anh thu được cũng như kế hoạch sẽ đưa về trồng trên các mô hình của gia đình hay trong khuôn viên trường thực địa Nàn Sán.

    Hết leo trèo rồi lại luồn rừng suốt cả một buổi sáng, song những thành các Mạng lưới người dân tại Si Ma Cai có vẻ như không giảm đi cái vẻ linh lợi và nhiệt huyết với công việc. Rôm rả và đầy hưng phấn, cầm trên tay mấy quả cây rừng rất giống với quả vải, anh Vư chia sẻ "những hạt này thú rừng rất thích đây". Anh bóc vỏ của mấy quả cây rừng để lộ một phần cùi trắng mịn và nói "đây là loại cây, tên thì chưa rõ, song bà con cho biết là thú rừng rất thích ăn. Nếu có được nhiều hạt như thế này để ươm và trồng vào các khu rừng, chắc chắn con chuột, con sóc, con chim sẽ theo về ăn và tha hạt đi nơi khác để rồi nhiều cánh rừng khác lại tái tạo. Cách này sẽ giúp phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên một cách có hiểu quả. Rừng sẽ có cả cây và cả thú rừng". Một nhận định rất thực tiễn khó có thể bàn gì thêm.

    Trưa đó, bữa cơm đạm bạc mà ai nấy trong chúng tôi đều tham gia chuẩn bị với một con gà nhỏ luộc lên, một nồi cơm lớn, ít rau rừng và mấy xị rượu ngô của đồng bào sao mà đầm ấm đến lạ. Bên cánh rừng Lùng Sáng hôm đó chúng tôi lâng lâng một niềm vui khó tả khi nghĩ về những cánh rừng sẽ mọc lên đâu đó từ những hạt giống hôm nay. Cảm ơn các anh đã cho chúng tôi một cơ hội đến với rừng và chứng kiến niềm vui, niềm hy vọng cũng như nỗ lực của các anh cho một sự tái tạo của những cánh rừng xanh mát với rộn rã tiếng chim muông. Chúng tôi tin tưởng ở những gì các anh trăn trở và nỗ lực để giành lại màu xanh cho mảnh đất Si Ma Cai trong một tương lai không xa.

    Nguyễn Văn Sự (CIRUM)

Bài viết khác