Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Tăng cường QL bền vững đất rừng sau GĐGR tại Đồng thắng

  • Ngày 27 và 28 tháng 8 vừa qua, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (Trung tâm CIRUM), Hạt kiểm lâm huyện Đình Lập, Ban quản lý dự án xã Đồng Thắng (Đình Lập, Lạng Sơn) đã phối hợp tổ chức khóa tập về công tác quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, đất rừng sau khi được giao cho đại diện các hộ gia đình, cộng đồng và lãnh đạo các ban ngành của xã.
     
    Đồng Thắng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đình Lập, giao thông đi lại khó khăn. Các hộ gia đình ở đây thuộc nhóm dân tộc Tày, Dzao, Sán Chỉ và hầu hết đều làm nông nghiệp, đời sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên rừng. Từ 2010 - 2012, Trung tâm CIRUM đã hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình điều chỉnh, giao đất gắn với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT về việc Hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp cho 112 hộ gia đình với tổng diện tích là 5.303,98ha, trong đó, diện tích rừng phòng hộ: 2.413,99 ha và diện tích rừng sản xuất: 2.889,99 ha. Đến nay, 112 hộ gia đình, 87 cá nhân và 6 cộng đồng thôn của xã Đồng Thắng đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 39 khu rừng.
     
    Khóa tập huấn này là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên đất rừng dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2013 – 2015 do Trung CIRUM tư vấn và hỗ trợ thực hiện tại xã Đồng Thắng, Đình Lập, Lạng Sơn. Hoạt động này được triển khai kế thừa các kết quả của giai đoạn 2010 – 2012 liên quan tới "Nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng". Thông qua dự án này, 100% các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư 6 thôn đã được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng. Đồng thời hướng tới thành lập các tổ quản lý rừng và Xây dựng mô hình chia sẻ lợi ích dựa vào cộng đồng.
     
    Tham gia khóa tập huấn có 25 học viên là các cán bộ lãnh đạo xã, trưởng các ban, ngành, các trưởng thôn và Nông dân nòng cốt của xã. Giảng viên của khóa tập huấn là cán bộ có nhiều kinh nghiệm của Hạt Kiểm lâm Đình Lập. Tại lớp tập huấn, các học viên được giảng viên truyền đạt các quy định pháp luật về các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên đất, rừng nói chung và rừng cộng đồng nói riêng. Kết hợp với các nội dung tập huấn, Quy chế quản lý rừng cộng đồng và Qui chế  quản lý nguồn dược liệu tại xã Đồng Thắng cũng được chia sẻ lại để tăng thêm tính khả thi khi áp dụng vào điều kiện thực tiễn của xã.

    Phương pháp tập huấn chủ đạo là thực hiện trao đổi, thảo luận 2 chiều giữa giảng viên và học viên bằng các cuộc thảo luận nhóm, sử dụng các thẻ màu để khảo sát mức độ nhận thức và sự hiểu biết của học viên. Từ các ý kiến khác nhau mà học viên đưa ra, giảng viên và học viên cùng nhau phân tích và thống nhất vấn đề.

    Khóa tập huấn thật sự là một hoạt động hữu ích đối với học viên và cả giảng viên. Các học viên được trang bị thêm thông tin, kiến thức cũng như những kinh nghiệm trong hoạt động làm giàu rừng, trồng rừng, quản lý và bảo vệ  rừng có lồng ghép, kế thừa các kinh nghiệm và kiến thức truyền thống của chính họ.

    Ông Vi Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng, Trưởng Ban quản lý dự án cho rằng: "Lớp tập huấn này thật sự có ý nghĩa thiết thực cho người dân địa phương. Sau khi xã Đồng Thắng được Trung tâm CIRUM tư vấn, hỗ trợ thực hiện giao đất giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo chính sách của Nhà nước, thì công tác quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững là vấn đề hết sức cần thiết. Chúng tôi mong muốn, phía dự án sẽ quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa để xây dựng các mô hình quản lý và sử dụng rừng và đất rừng mang tính bền vững có khả năng mở rộng trên địa bàn xã. Từ kết quả các mô hình, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân trồng rừng, làm giàu rừng, bảo vệ rừng, phát triển nghề rừng như một giải pháp chiến lược góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương”.

    Để giúp các học viên nắm vững và ứng dụng được trên thực tế các nội dung lý thuyết, giảng viên đã cùng các học viên ra thực địa để ôn lại phần lý thuyết đã học và hướng dẫn thực hành. Tại thực địa, giảng viên đã chỉ rõ cho các học viên những trạng thái rừng được tác động, những trạng thái rừng không được tác động và hướng dẫn một số kĩ thuật cơ bản chăm sóc và phát triển rừng.

    Sau khóa tập huấn, BQL dự án xã, Hạt Kiểm lâm Đình Lập và Trung tâm CIRUM sẽ tiếp tục xây dựng nội dung cho các đợt tập huấn tiếp theo tập trung vào quản lý bền vững rừng, đất rừng và lập phương án xây dựng mô hình chia sẻ lợi ích từ rừng dựa vào cộng đồng. Đồng thời, xem đây là giải pháp để góp phần quản lý bền vững nguồn tài nguyên được giao, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng.

    Nguồn: CIRUM

    Một số hoạt động trong khóa tập huấn


    Ông Vi Văn Thọ - P.CTUBND xã, Trưởng BQL dự án khai mạc khóa tập huấn (Ảnh: CIRUM)


    Ông Vi Quang Án – Cán bộ hạt KL Đình Lập đang hướng dẫn các học viên thảo luận nhóm (Ảnh: CIRUM)


    Các học viên đang thảo luận nhóm (Ảnh: CIRUM)

    Cán bộ Trung tâm CIRUM cùng tham gia thảo luận nhóm
    Cán bộ Trung tâm CIRUM cùng tham gia thảo luận nhóm (Ảnh: CIRUM)

    Bà Nguyễn Thị Bình (Dân tộc Sán Chỉ) – trưởng thôn Nà Quan đang trình bày kết quả thảo luận nhóm
    Bà Nguyễn Thị Bình (Dân tộc Sán Chỉ) – trưởng thôn Nà Quan đang trình bày kết quả thảo luận nhóm (Ảnh: CIRUM)

    Ông Dương Trung Phương (Dân tộc Dzao), trưởng thôn Nà Ngòa đang trình bày kết quả thảo luận nhóm
    Ông Dương Trung Phương (Dân tộc Dzao), trưởng thôn Nà Ngòa đang trình bày kết quả thảo luận nhóm (Ảnh: CIRUM)

Bài viết khác