Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Sinh kế dưới tán rừng của người Dao Đỏ thôn Sải Duần đã gây được ảnh hưởng tới cộng đồng khác

  • Ngày 2 tháng 3 năm 2017 thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đón tiếp đoàn thăm quan của Hội nông dân của 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La và Điện Biên...Đoàn thăm quan có 36 người, gồm lãnh đạo Hội nông dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và người dân ở ba địa phương nói trên. Các thành viên đều là người dân tộc Thái, dân tộc Lự, họ có những đặc điểm sinh thái tương đồng. Chuyến tham quan do tổ chức Panatural tổ chức. Đoàn đến thăm mô hình quản lý và bảo vệ rừng của thôn Sải Duần thông qua phát triển sinh kế dưới tán rừng, trồng cây sa nhân tím, tạo thu nhập bền vững. Mô hình do liên minh LISO/CIRUM  hỗ trợ và tư vấn.
     
    Đoàn thăm quan đã được Ban quan lý thôn Sải Duần gồm 07 thành viên tổ chức đón tiếp ở nhà văn hóa thôn. Đầu tiên, ông Chảo A Phin – Bí thư chgiới thiệu tổng quan thôn Sải Duần và mô hình qui hoạch rừng cộng đồng do chính người dân thực hiện. Sau đó, Ban Quản lý đưa đoàn đi thăm từng khu rừng của thôn và mô hình trồng Sa nhân tím dưới tán rừng cộng đồng thôn. Vừa đi rừng, đoàn vừa được các thành viên của ban quản lý thôn chia sẻ về lịch sử khu rừng, quy trình và quy hoạch trồng cây Sa nhân dưới tán rừng mang lại hiệu quả cho người dân nơi đây.
     
    Đoàn thăm quan rất ấn tượng với mô hình rừng cộng đồng của Sải Duần. Mô hình có Ban quản lý, có quy chế quản lý chặt chẽ, dựa vào luật tục và tính đoàn kết trong cộng đồng cao. Trong tổng số gần 130ha rừng cộng đồng, người dân đã quy hoạch rõ ràng dựa vào tri thức của họ. Khu rừng dự trữ gỗ bản địa, khu rừng nguồn nước, rừng thiêng, qui hoạch những khu vực có thể trồng được cây Sa nhân tím - nơi được giao công bằng cho các hộ trồng để cùng bảo vệ rừng và cùng hưởng lợi. Khu rừng thiêng cũng là nơi để cộng đồng giữ nguồn nước và lấy nước, thờ thần rừng (Chía). Rừng thiêng được mọi người tuân thủ nghiêm ngặt bảo vệ rừng và không một ai vi phạm.
     

    Ông Chảo A Phin đang chia sẻ với đoàn về Cây sa nhân tím - Ảnh CIRUM
     
    Việc trồng Sa nhân dưới tán rừng ở Sải Duần vừa góp phần bảo vệ rừng khỏi bị xói mòn, rửa trôi, làm giàu rừng, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, trung bình 30 - 40 triệu đồng/năm, chủ yếu bán cho người Trung Quốc, bao nhiêu họ cũng mua. Ngoài ra còn dùng lá, quả để làm thuốc (thuốc tắm, rượu ngâm quả sa nhân).
     
    Đoàn thăm quan đã hỏi rất nhiều câu hỏi như điều kiện tự nhiên để trồng sa nhân tím, cách chọn giống, cách trồng, chăm sóc cây Sa nhân và thị trường tiêu thụ. Sau khi ra về, mỗi thành viên đều xin một số cây giống về địa phương của mình để trồng thử.
     
    Sau chuyến thăm quan, các thành viên đã tổ chức thảo luận tại khách sạn. Tại cuộc thảo luận, các thành viên trong đoàn đều tâm đắc với mô hình Sải Duần. Họ đều nói rằng: chúng ta cũng là người dân tộc và có rừng cộng đồng, nhưng rừng của chúng ta chưa mang lại hiệu quả do việc khai thác không hợp lý, tính cộng đồng đang dần bị mất đi. Sau chuyến đi này, chúng ta cần chia sẻ và vận động cộng đồng của mình học tập mô hình của Sải Duần, vừa góp phần bảo vệ văn hóa truyền thống, đoàn kết cộng đồng, giữ được rừng và có được hiệu quả từ rừng mang lại đảm bảo cuộc sống ổn định.
     
    Một thành viên của Hội nông dân tỉnh Lai Châu vui vẻ khẳng định "Tôi rất ấn tượng với mô hình ở đây, cũng là người dân tộc như chúng tôi, nhưng họ lại quản lý rừng hiệu quả và có thu nhập từ rừng. Tôi sẽ là người đầu tiên trồng sa nhân ở quê tôi và chia sẻ lại với bà con mình cần học tập mô hình của Sải Duần để quản lý được rừng và rừng không bị nghèo kiệt như hiện nay".

Bài viết khác