Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Sau 30 năm rừng và đất lâm nghiệp xã Đồng Thắng đã có chủ!

  • Chỉ thị 29-CT/TW ngày 12/11/1983 về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng và "làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh  rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ" sau 30 năm nay đã thực sự được thực hiện trên mảnh đất xã Đồng Thắng. Ngày 24/12/2013, 112 hộ và 6 cộng đồng dân cư các thôn Pắc Coóc, Pắc Dầu, Nà Xoong, Nà Ngòa, Khe Lạn và Nà Xoong đã chính thức nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với 3.500 ha diện tích đất và rừng. Không có niềm vui nào lớn hơn đối với người dân Đồng Thắng trước thềm năm mới 2014. Rồi đây, cuộc sống người dân nơi đây hứa hẹn nhiều khởi sắc!

    Lễ trao giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất rừng tại Đồng Thắng

    Đồng Thắng là một xã vùng sâu xa của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Xã có 468 khẩu với 112 hộ gia đình thuộc các dân tộc anh em như Tày, Dao, Sán chỉ và Kinh. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã  là 5.450,10 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 98.4% (5.362,9 ha). Nhiều năm qua, mặc dù sống trên một vùng tài nguyên lâm nghiệp rộng lớn như vậy, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn còn hết sức khó khăn. Cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng qua bao đời người. Sống trên đất đầy tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp, song nghề rừng vẫn chưa thực sự trở thành cứu cánh cho cuộc sống của họ. Nguyên nhân sâu xa có thể nói là cho đến 2011 người dân nơi đây vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện làm chủ thực sự trên mảnh đất của mình; từ đó tự suy nghĩ, tìm kiếm và quyết định các giải pháp bền vững cho cuộc sống của gia đình và cộng đồng.

    Chủ trương của TW Đảng với Chỉ thị 29-CT/TW ngày 12/11/1983 về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng đã từng nhấn mạnh "làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh  rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ" là một định hướng hết sức sáng suốt. Song, đến tận năm 2010 các chính sách liên quan đến giao đất giao rừng lần lượt ra đời vẫn chưa có được một sự biến chuyển thực sự nếu Thông tư liên tịch số 07/2011//TTLT-BNNPTNT-BTNMT ra đời ngày 29/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về Hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất thuê đất lâm nghiệp không kịp thời ra đời.

    Như một cơn mưa thổi qua những cánh đồng khô hạn gặp được cánh rừng níu kéo để rồi dừng lại mưa đầy đồng, đầy ruộng làm thấm đẫm mỗi gốc cây cho nhựa sống bật chồi. Có thể ví Thông tư 07/2011 như một cơn mưa bay qua mảnh đất Đồng Thắng và Dự án “Nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên” tại xã Đồng Thắng do Trung tâm CIRUM hỗ trợ như một mảng rừng vô hình cột cơn mưa lại.
     
    Dự án đã tạo ra sự phối hợp chặt chẽ, đầy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng của huyện Đình Lập gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, Văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất, chính quyền các cấp và các tổ chức tư vấn cùng cộng đồng người dân để hoàn thành sự mệnh trao quyền quản lý đất lâm nghiệp và rừng đến từng hộ gia đình, từng cộng đồng thôn bản.

    Kết thúc công tác nghiên cứu đánh giá thực trạng quản lý tài nguyên và sinh kế của cộng đồng người dân xã Đồng Thắng vào năm 2010, để rồi tiếp cận được Thông tư 07/2011, các hoạt động liên quan đến giao đất giao rừng đã được triển khai với sự hỗ trợ của Trung tâm CIRUM và tư vấn kĩ thuật của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ (FIPI). Dự án giao đất giao rừng tại Đồng Thắng đã được hoàn thành hiệu quả đúng với tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương. UBND huyện Đình Lập đã ban hành các Quyết định liên quan đến GĐGR như Quyết định 1867/QĐ-UBND ngày 07/11/2012; Quyết định 2077/QĐ-UBND ngày 14/12/2012; Quyết định 469/QĐ-UBND ngày 09/5/2013 và Quyết định 1127/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 để giao 3.500 ha cho 112 hộ dân (396 giấy chứng nhận) và 6 cộng đồng thôn bản (162 giấy chứng nhận). Diện tích đã giao chiếm 65,04% tổng số diện tích đất lâm nghiệp của cả xã.

    Quyền quản lý và sử dụng đất rừng của người dân và các nhóm dân tộc xã Đồng Thắng hôm nay đã thực sự được khẳng định. Giấc mơ bao đời của người dân Đồng Thắng đã  trở thành hiện thực. Rồi đây, người dân sẽ tự tin hơn khi áp dụng các mô hình phát triển lâm nghiệp trên những diện tích đất được giao để sống và tự chủ được với nghề rừng.

    Đại diện chủ hộ gia đình xã Đồng Thắng nhận quyền sử dụng rừng và đất rừng

    Không gian nơi đây như ấm lại giữa ngày Đông vùng Đông Bắc lạnh buốt khi Ông Vi Văn Thọ, Phó chủ tịch long trọng đọc các quyết định giao đất giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 50 năm cho rừng sản xuất và lâu dài cho rừng phòng hộ. Các bác, các anh các chị là các hộ và đại diện cho cộng đồng sáu thôn trân trọng đón nhận những tấm bìa đỏ từ Ông Hoàng Văn Vương, Chủ tịch UBND xã và để rồi ôm vào lòng như máu thịt của mình.

    Ngắm những gương mặt người dân và đại diện các cộng đồng trong niềm vui trọn vẹn có lẽ ai cũng muốn kết quả này sẽ được nhân ra ở các cộng đồng khác, những nơi mà người dân vẫn chưa có điều kiện để cầm trong tay mình một gia sản để rồi từ đó thay đổi cuộc đời và góp phần tạo dựng một sự phát triển bền vững cho cộng đồng mình.

    Lễ trao Giấy quyền sử dụng đất và rừng đã kết thúc, song người dân vẫn còn nán lại để rồi nắm tay nhau nói về niềm vui khi nhận được sổ đỏ. Niềm vui của họ thật đơn giản song rất sâu sắc như chị Dương Thị Xuân đến từ thôn Nà Ngòa đã bày tỏ: "Nhận Giấy chứng nhận rồi. Cảm ơn chính quyền huyện, chính quyền xã, cảm ơn CIRUM. Vui lắm. Từ nay mình không sợ ai lấy đất, rừng của mình nữa. Tết nay yên tâm ăn tết rồi". Không có niềm vui nào hơn thế nữa!".
     
    CIRUM

Bài viết khác