Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Rừng “Giọt nước” và Luật tục của dân tộc Rơ Ngao, Ja Rai xã Hơ Moong

  • Rừng “Giọt Nước” là rừng truyền thống, rừng Thiêng của các dân tộc Rơ Ngao và Ja Rai ở Tây Nguyên. “Giọt Nước” vừa là niềm tin, vừa là nguồn nước sống hàng ngày của Làng. Rừng Giọt Nước đã có nguy cơ mất dần do rừng chưa được giao cho cộng đồng quản lý. Rừng đã bị chặt phá và ô nhiễm thuốc trừ sâu. Gần đây rừng “Giọt nước” đã được chính thức giao về cho cộng đồng bảo vệ và “Giọt nước” đang dần trở lại như xưa.

    Luật tục cúng “Giọt Nước”
     
    Cộng đồng dân tộc Rơ Ngao và Ja Rai thường tổ chức lễ cúng Giọt Nước thường vào tháng 12 sau khi thu hoạch xong lúa. Đây là nghi lễ tổ chức để ăn mừng mùa màng bội thu, nước về đầy đủ. Mỗi nhà đóng góp một chai rượu mang theo. Lễ cúng thường là dê hoặc gà, heo. Già Làng sẽ lấy mấy giọt máu của dê/gà/heo nhỏ vào Giọt nước đưa ra cúng cầu cho dân làng ăn ra làm nên. Già Làng lấy nước Giọt đổ vào Ghè để cúng. Sau khi cúng xong, Già Làng được uống trước, bà con uống sau để lấy phước may mắn. Đây là luật tục mang tính giáo dục giá trị truyền thống trong quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước cho dân làng. Tuy nhiên, những năm gần đây, luật tục cúng Giọt nước không còn được duy trì.Sau chương trình tái định cư theo dự án Thủy điện Plei Krong, rừng Giọt nước bị chặt phá, ô nhiễm và có nguy cơ mất dần.
     
    Thiếu nước sinh hoạt và công tác giao đất giao rừng cộng đồng 
    Cộng đồng dân tộc Rơ Ngao và Ja Rai sau tái định cư của dự án Thuỷ điện Plei Krong thiếu trầm trọng nguồn nước sạch để sinh hoạt hàng ngày. Năm 2012 Nhà nước có xây dựng hệ thống nước tự chảy phục vụ bà con tái định cư. Tuy nhiên, nguồn nước này bị ô nhiễm và không đủ sinh hoạt. Anh A’Đíu [1], Trưởng thôn Ka Bay  kể lại:  “Bà con phải đi tắm cùng giờ và phải xếp hàng. Đàn ông cho phụ nữ tắm trước, chờ cho phụ nữ tắm xong (thường là đến tối) thì nam giới mới tắm. Hệ thống nước cách nhà khoảng 2 km. Trước tình hình như vậy, bà con Ka Bay xin chính quyền giao cho cộng đồng 02 mảnh rừng đầu nguồn khoảng 32 ha  để bảo vệ nguồn nước”.
     

    Khu rừng thiêng của người Rơ Ngao và Ja Rai
     
    Năm 2013-2014, với sự nỗ lực Chủ tịch xã Hơ Moong (điều phối viên MLĐR), sự ủng hộ của UBND huyện Sa Thầy, sự kết nối và hỗ trợ của  Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum (KUSTA), sự tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ phương pháp tiếp cận giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng của Trung tâm CIRUM, cuối cùng bà con các cộng đồng dân tộc Rơ Ngao và Ja Rai đã được giao đất giao rừng “Giọt Nước” cho 04 thôn (Ka Bầy, Đăk Wot, Đăc Yo và Ka Tu) với tổng diện tích gần 100 ha. Anh Nguyễn Văn Niệm [2], Chủ tịch xã Hơ Moong khẳng định: “ Kể từ khi rừng được giao cho cộng đồng, không có ai vào chặt cây và cây rừng đang dần tái sinh rất tốt, bà con rất phần khởi vì có quyền quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng “Giọt Nước” này. Bà con tự giác bảo vệ rừng rất tốt.”
     
    Thành lập Tổ Bảo vệ rừng liên Làng
    Anh A Cương [3], trưởng thôn Đăk Wot miêu tả cách thức hoạt động của Tổ bảo rừng liên làng: “Chúng cháu thành lập tổ bảo vệ rừng liên kết 4 làng, mỗi làng 3 người chính. Mỗi tổ tự bảo vệ rừng của làng mình. Tổ Bảo vệ rừng sẽ lồng ghép với Luật làng để bảo vệ rừng tốt. Các thành viên thường xuyên đi tuần tra rừng, thường thì 2-3 lần/tháng, nếu trời mưa thì 3-4 lần/tháng để xem có ai vào rừng vi phạm hoặc đường nước bị sạt lở. Khi đi tuần tra thì gọi anh em trong thôn đi theo (bà con muốn đi tuần tra cùng thành viên Tổ Bảo vệ rừng)”.
     A Đíu bổ sung: “Lý do bà con muốn đi cùng là trong rừng Giọt Nước có măng, nấm nên bà con có thể hái măng và nấm được và không sợ bị vi phạm (vì đi cùng với Tổ Bảo vệ). Nếu bà con đi một mình là họ sợ bị vi phạm. Do đó việc tuần tra bảo vệ Rừng Giọt nước có sự tham gia của bà con”.
     
    A Đíu kể cũng cho biết: “Mỗi tuần các thành viên tổ bảo vệ rừng của 4 làng giao ban một lần. Tổ Bảo vệ rừng thường giao ban sau khi họp giao ban tại xã xong, vìcác thành viên Tổ Bảo vệ rừng là trưởng thôn nên tuần nào cũng lên xã giao ban và gặp nhau. Sau buổi giao ban của xã, anh em ra ngoài uống nước trao đổi xem có gì xảy ra, xử lý như thế nào, chia sẻ cho nhau được biết và nếu cần hỗ trợ nhau. Ví dụ: Tháng vừa rồi, làng Ka Bay trồng rừng cũng chia sẻ với các thành viên của 3 làng khác và mời họ tham gia để cùng biết , cùng hiểu nhằm có sự đoàn kết và liên hiệp với nhau. Làng Ka Bay góp 20.000 đồng/hộ/năm cho tổ bảo vệ rừng để tổ bảo vệ chi vào việc gặp nhau khi có việc. Ví dụ:  Sau khi đi tuần tra về có sự cố hoặc phát hiện vấn đề gì thì Tổ Bảo vệ rừng mời Già làng, một số hộ dân và các thành viên tổ bảo vệ đến để kể cho nhau nghe về sự việc xảy  ra và có ý kiến đóng góp của Già làng đảm bảo Rừng Giọt nước được bảo vệ tốt. Chúng cháu tổ chức ăn để cùng ăn, cùng thảo luận.”.
     
    Cách giao ban của Tổ Bảo vệ rừng là rất tự nhiên và linh hoạt, không mang tính hình thức, biết kết hợp với việc giao ban của chính quyền. Bằng cách làm này, các hoạt động của Tổ Bảo vệ rừng sẽ được duy trì và có tính bền vững.
     
    28/6 là ngày trồng rừng của Làng
     
    Sau khi rừng “Giọt Nước” giao về cho Làng quản lý và bảo vệ thì một trong sáng kiến của Tổ Bảo vệ rừng và chính quyền địa phương (MLĐR) là khôi phục rừng tự nhiên để bảo vệ “Giọt Nước” và làm giàu rừng bằng việc trồng các cây lâm nghiệp bản địa để trở thành rừng già sau này. Biết được tin này, Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh Kon Tum(KUSTA) và Trung tâm CIRUM đón nhận niềm khao khát chính đáng của bà con và đã kịp thời hỗ trợ chương trình trồng cây lâm nghiệp bản địa. Ngày 28/6 là ngày phát động trồng cây của cộng đồng với sự tham gia của tất cả các bà con trong Làng, các thành viên của Tổ Bảo vệ rừng của 3 làng liền kề, chính quyền địa phương, kể cả những người Kinh cũng được mời vào tham gia trồng cây. Tổng cộng bà con trồng được 1000 cây, gồm Trắc, Đinh hương, Sao đen, Cấm lai. Hiện nay tỷ lệ sống của cây lên tới 99%. Sau khi trồng các thành viên Tổ Bảo vệ rừng và bà con thống nhất lấy ngày 28/6 là ngày trồng rừng của Làng.
      Tháng 8/2015, CIRUM

    [1] A’Đíu, dân tộc Rơ Ngao, là thành viên của Tổ Bảo vệ Rừng (MLĐR)
    [2] Anh Niệm là Điều phối viên của MLĐR
    [3] A’Cương, dân tộc Ja Rai, là thành viên Tổ Bảo vệ Rừng (MLĐR

Bài viết khác