Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Rừng cộng đồng Làng Đắc Sao: xưa và nay

  • Truyền thống của người Ca Doong (thuộc nhóm dân tộc Xê Đăng) làng Đắc Sao, xã Đắk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn của công trình Thủy lợi Thạch Nham thật đáng khâm phục và ghi nhận. Bà con làng Đắc Sao coi rừng là một phần máu thịt của chính họ, là tài sản bất khả xâm phạm. Dù hiện tại những cánh rừng này được quản lý theo hình thức nào "Truyền thống" hay "nhận khoán bảo vệ”cho Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thạch Nham thì tinh thần trên vẫn luôn hiện hữu. Những cánh rừng vẫn luôn xanh tốt và phát triển, là cái nong cái nia của cha ông họ che chở và bảo vệ họ và nhiều người khác nữa.

    Bao quanh bốn bề là các cánh rừng nguyên sinh thuộc các dãy núi Vắc Piêu (Phía Bắc), Vắc Sang (Phía Tây), Vắc Già (Phía Đông) và Vắc Ngọc Lúi (Phía Nam), Làng Đắc Sao như một mảnh trăng khuyết giữa đại ngàn xanh thẳm bên dòng suối Đắc Sao nơi đầu nguồn Công trình thủy lợi Thạch Nham. Với 34 hộ và 121 nhân khẩu, làng Đắc Sao của đồng bào Ca Doong đã định cư tại đây từ rất lâu trước khi có BQLRPH Thạch Nham.
     
    Làng Đắc Sao giữa rừng đại ngàn

    Làng Đắc Sao, cái tên khi đọc lên, mặc dù chưa được giải nghĩa ai cũng sẽ có thể có một cảm giác là đang được nghe nói tới một vùng đất đầy thơ mộng và yên bình. Tiếng Ca Doong, Đắc là nước, còn Sao là sao trên trời (Theo A Thút- Nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên), tên làng gắn với tên nguồn suối nước nơi làng chọn để xây dựng làng - cái tên rất thơ mộng song cũng rất hiện hữu. Người Ca Dong giữa mênh mông rừng sâu núi thẳm, mỗi đêm nhìn lên trời là đã thấy đầy sao và rồi nhìn xuống dòng suối Đắc Sao cũng thấy vô vàn sao. Cha ông họ đã đặt tên làng là Đắc Sao và tên suối cũng Đắc Sao. Những dãy núi bao quanh làng như Vắc Piêu, Vắc Sang, Vắc Già và Vắc Ngọc Lúi đóng vai trò như những thiên thần hộ mệnh của làng. Mỗi dãy núi đều có một vị trí riêng trong đời sống tâm linh cũng như vật chất của người dân nơi đây.
     
    Đường vào Đắc Sao tháng 4/2015

    Xưa   
    Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, từ năm 1960 đến năm 1980 làng Đắc Sao có thay đổi nơi định cư (cạnh suối nước Roàn, cách nơi ở hiện nay khoảng hơn 1km về phía Đông Bắc) nhưng vẫn nằm trong không gian sinh sống truyền thống của làng. Dù sống ở suối nước Roàn (1960 – 1980) hay ở nơi định cư truyền thống (nơi ở hiện nay) thì những dãy núi Vắc Piêu, Vắc Sang, Vắc Già và Vắc Ngọc Lúi vẫn đã và đang gắn bó máu thịt với sinh kế, văn hóa tín ngưỡng của người Ca Doong làng Đắc Sao. Luật tục trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng được người dân ở đây duy trì bằng niềm tin tín ngưỡng và những kinh nghiệm sống của chính họ.

    Rừng cấm Vắc Piêu, Vắc Sang nằm phía Bắc và phía Tây của làng. Những thế hệ cha ông trước đã cho rằng những cánh rừng đó là nơi Thần linh ngự trị. Nơi đó, người dân tin rằng nếu ai vô tình hay hữu ý có hành vi xâm hại thì những rủi ro sẽ dội xuống dân làng với trận lũ lụt hay sự tàn phá mùa màng và gia súc bởi muông thú. Nơi đó, cho đến nay những con linh trưởng vẫn thường hú báo những điềm lành, điềm gở cho dân làng. Chính niềm tin và sự lựa chọn của các thế hệ đi trước của người Ca Doong đã giữ cho những cánh rừng cấm chưa bị xâm hại. Rừng cấm nằm ngay sát làng, chỉ đi chưa đầy 200m từ trung tâm làng là chúng ta có thể chạm vào không gian Rừng cấm nơi có nhiều cây gỗ quí như Thông nàng, Pơ Mu, Giổi. Với Rừng cấm, quy định của làng không chỉ cấm chặt cây mà còn cấm nghiêm ngặt hoạt động săn bắt các loài linh trưởng như vượn, khỉ. Tuy nhiên người dân của làng có thể lấy thuốc nam để chữa bệnh và bẩy những thú nhỏ trong  rừng để làm thức ăn.
     
    Cây nêu cúng Rừng của người Ca Doong, làng Đắc Sao

    Rừng sử dụng truyền thống (rừng xen nương rẫy luân khoảnh trước đây) chiếm gần như hầu hết diện tích sườn phía Tây của dãy Vắc Già và phía Bắc của dãy Vắc Ngọc Lúi. Trên những vùng rừng này, làng cho phép khai thác gỗ để dựng nhà, làm các công trình phụ và lấy củi đun. Tuy nhiên, hoạt động thác phải hợp lý và chỉ đáp ứng cho nhu cầu tại chỗ của các hộ. Các hoạt động săn bắn, hái lượm trên những cánh rừng này được người dân xem như một sinh kế chủ đạo và thực hiện bằng các loại bẫy, công cụ truyền thống mà không dùng đến bất kể một loại súng săn, dụng cụ cơ giới nào. Các loài thú rừng người dân thường săn bắt có mang, hoãng, lợn rừng, các loài chim, bò sát. Các loại lâm sản ngoài gỗ mà người dân thu hái có nấm, măng, củ rừng, chuối rừng, quả rừng, thuốc nam, tre nứa, mây, song,... Cách săn bắt và thu hái được quy định theo mùa và thường không bán ra bên ngoài nên số lượng loài cũng được phần nào duy trì và phát triển. Hiện nay các hoạt động sản xuất chăn nuôi như nuôi lợn, gà, dê, ngan, ngỗng, trâu, bò và cá đã được nhà nước khuyến khích và hỗ trợ phần nào đã giảm bớt nhịp độ săn bắt và hái lượm trong các khu rừng sử dụng. Do đó, nếu nhìn bao quát nhanh ta có thể thấy trạng thái rừng của rừng sử dụng gần như rất gần với Rừng cấm của làng.

    Nằm ở một góc khuất và xa làng giữa hai dãy núi Vắc Già, Vắc Ngọc Lúi là Khu Rừng ma, nơi yên nghỉ của những người con của làng đã quá cố. Khu vực này được bao bọc bởi những cánh Rừng sử dụng. Anh A Nghị chia sẻ với chúng tôi là chung quanh Rừng ma người dân của làng vẫn tổ chức các hoạt động sản xuất bình thường. Điều đó như thể họ đang duy trì một không gian gần gũi giữa người đang sống và những người đã ra đi. Rừng chôn nhau trẻ sơ sinh được bố trí rất gần kề với làng bên bờ suối Đắc Sao. Theo A Đí- Già làng Đắc Sao, thì sự sắp đặt đó của làng có ý bảo vệ con trẻ khỏi sự quấy rối của những linh hồn người đã khuất. Rừng thiêng có hai khu vực gồm rừng khu vực thác thiêng ở phía Đông Bắc ở gần suối nước Roàn và khu vực rừng cúng nằm phía Tây Nam làng, giáp ranh giữa dãy núi Ngọc Lúi với dãy núi Vắc Sang. Hàng năm cả cộng đồng vẫn duy trì lễ cúng rừng và lễ cúng thác thiêng vào khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch (lễ cúng rừng tổ chức trước vào dịp tết nguyên đán, sau đó làm lễ cúng thác nước thiêng).
     

    Anh A Nghị-người được già làng đã khuất truyền lại cho các nghi lễ cũng rừng chia sẻ về tập tục thu gom các loài cây rừng từ 4 khu rừng chung quanh về tại điểm cúng rừng mỗi năm.

    Một thời gian dài, cho đến khi có sự hiện diện của BQLRPH Thạch Nham thì làng là chủ của những cánh Rừng cấm, Rừng thiêng (rừng ma, rừng chôn nhau, rừng thác nước) và Rừng sử dụng. Thủa đó, dân làng cũng đã sống trong sự cưu mang của rừng với sự no đủ và yên lành. Càng tiếp xúc, chia sẻ với bà con trong làng, chúng tôi có cảm nhận là người Ca Doong nơi đây sống hiền hoà như dòng Đắc Sao, song trong mỗi con người của họ cũng hàm chứa cả sự uy nghi, trầm hùng của những dãy núi Vắc Piêu, Vắc Sang, Vắc Già và Vắc Ngọc Lúi và những cánh rừng chung quanh. Thiên nhiên và con người Đắc Sao quyện chặt vào nhau để tạo nên một sự hòa hợp đến tuyệt vời như bản hợp xướng với tiếng cồng, tiếng chiêng trong mỗi mùa lễ hội.

    Nay
    Sau khi có mặt của BQLRPH Thạch Nham, làng Đắc Sao vẫn vậy! Họ vẫn trọn vẹn tinh thần yêu rừng và bảo vệ rừng. Tấm lòng người Ca Doong làng Đắc Sao đối với rừng không hề suy suyển. Những nghi lễ cúng rừng và tín ngưỡng thờ thần đã được người trước truyền lại cho người sau, người uy tín trong làng. Song, hiện tại làng không còn là chủ rừng như xưa nữa. Rừng bao quanh làng Đắc Sao và ngay cả làng Đắc Sao cũng được quy hoạch trọn trong tiểu khu 380a thuộc địa bàn quản lý của BQLRPH Thạch Nham.

    Làng cũng đã có thêm các chức sắc như Trưởng làng, Bí thư, Chi hội trưởng các hội (Thanh niên, Phụ nữ,..) nhưng cái quý nhất là mỗi người dân dù ở vị trí nào thì trong họ vẫn giữ trọn tình yêu và trách nhiệm với những cánh rừng. Anh A Nghị chia sẻ, dù hiện nay rừng do BQLRPH Thạch Nham quản lý thì người Ca Doong làng Đắc Sao vẫn coi là rừng của họ và duy trì Luật tục bảo vệ rừng. Trong mấy năm gần đây, mỗi năm BQLRPH Thạch Nham có chi trả khoán bảo vệ cho làng với định mức 50.000đồng/ha/năm. Con số này không lớn và không thể so sánh với những gì mà những cánh rừng vẫn nuôi dưỡng dân làng. Nhưng người dân làng Đắc Sao xem đó là một nghĩa cử, một giải pháp tạo nên sự đồng thuận trong quản trị tài nguyên giữa các bên liên quan cho một mục tiêu vượt ra ngoài cả không gian địa lý của làng, đó là giành cho những vùng hạ du ở tỉnh Quảng Ngải có thêm nguồn nước chủ động cho sản xuất.
     
    Rừng phòng hộ chung quanh làng Đắc Sao hôm nay được bảo vệ và phục hồi rất tốt

    Các vùng rừng truyền thống của làng ngày nay đã giao cho BQLRPH Thạch Nham quản lý, nhưng những khu vực rừng thiêng (Rừng ma, Rừng chôn nhau trẻ, Rừng thác nước, rừng cúng), những cánh Rừng cấm và Rừng sử dụng vẫn được làng điều hành với sự kết hợp hài hòa giữa những quy định của làng với Quy chế quản lý bảo vệ rừng phòng hộ của BQLRPH Thạch Nham. Điều này đã giúp cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ thuận lợi và tiết kiệm nhân lực, đồng thời những sinh kế và các giá trị văn hóa gắn với rừng của người dân nơi đây vẫn được duy trì.

    Suốt trong nhiều năm, những hành vi xâm hại rừng đều bị làng ngăn chặn và trừng phạt đúng luật làng, luật nước. Bóng dáng của lâm tặc có thể nói là rất ít khi xuất hiện trên các cánh rừng. BQLRPH Thạch Nham do đó mà cũng rất nhẹ việc trong các hoạt động kiểm tra giám sát về an toàn rừng.

    Chia sẻ với đoàn nghiên cứu, anh A Nghị vừa là Bí thư của làng vừa là người được người cha quá cố của anh truyền lại nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ cúng rừng của làng, chia sẻ "với người Ca Doong ở đây cái cây quý lắm. Không có cây, không có cuộc sống, không có gì hết. Mỗi năm khi cúng rừng bà con đi tìm các cây con từ 4 khu rừng về trồng chung quanh cây nêu cúng rừng". Chỉ vào cây nêu, anh chia sẻ "Tấm phên đan hình vuông với 4 góc tượng trưng cho 4 ngọn núi với những tua rua là tượng trưng cho cây rừng. Mảnh phên hình vuông cũng tượng trưng cho cái bàn để các Thần của 4 dãy núi về ngồi dự lễ cúng rừng của bà con". Thật đơn giản, dù hiện nay rừng thuộc quyền quản lý của BQLRPH Thạch Nham, song chúng tôi hiểu cái quyền đó chỉ là quyền quản lý mang tính pháp lý về mặt bằng, còn quyền về tâm linh trong quản lý bảo vệ rừng lại hoàn toàn thuộc về cộng đồng Ca Doong nơi đây. Họ vẫn vậy, cái cây, cái que trong rừng vẫn là tài sản của họ, là máu thịt, là hơi thở và cuộc sống tâm linh của họ và Rừng được bảo vệ bằng các niềm tin và quy định của làng. Người dân vẫn tin tưởng sâu sắc, trên các cánh rừng, các đỉnh núi các vị thần vẫn luôn ở đó để bảo vệ cuộc sống của họ.

    Bước ra khỏi khu cúng rừng, anh A Nghị chia sẻ với chúng tôi "Rừng cấm hiện vẫn được cấm nghiêm ngặt theo cách của bà con. Những loài linh trưởng ở đây hiện có khoảng 10 con. Nếu giữa trưa khoảng từ 10 giờ đến 11 giờ mà nghe tiếng hú của chúng, thì ắt trong làng có thể sẽ có thể có điềm dữ, chẳng hạn sẽ có người ra đi. Còn nếu nghe những tiếng hú đó trong đêm thì có vẻ buồn đó, nhưng lãng vẫn bình yên". Rừng vẫn vậy và người dân ở đây vẫn vậy, vẫn thân thương và huyền bí.

    Xưa và Nay kết nối: đồng quản trị
    Dù ai là chủ thể quản lý rừng đi chăng nữa thì rừng vẫn là trung tâm cuộc sống của cộng đồng Ca Doong làng Đắc Sao. Rừng vẫn gần gũi, thiêng liêng, cưu mang và huyền bí. Vượt ra ngoài không gian sinh tồn gắn với rừng, người Ca Doong Đắc Sao nói riêng và người dân các làng trên địa bàn xã Đắc Ring nói chung hiểu rằng, họ giữ rừng không chỉ cho chính họ mà còn cho những cộng đồng phía dưới hạ du con suối Đắc Rinh nơi nước suối Đắc Sao chảy vào. Người dân Ca Doong cũng hiểu Nhà nước đang có những nỗ lực để hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ và tạo dựng cho họ một cuộc ổn định với sinh kế bền vững trên các vùng rừng đầu nguồn.

    Sự hỗ trợ là cần thiết, là quan trọng, song trước hết các bên liên quan, các chủ thể quản lý rừng, chính quyền các cấp cần phải nhận thức đầy đủ và trân trọng các giá trị văn hóa, niềm tin cũng như kinh nghiệm của cộng đồng trong quản trị rừng trên các vùng đầu nguồn. Để nâng cao hiệu quả công tác quản bảo vệ rừng, cần thiết hợp thức hóa cơ chế đồng quản trị giữa cộng đồng làng Đắc Sao với BQLRPH Thạch Nham, hoặc giao quyền cho cộng đồng làng quản lý sử dụng diện tích rừng thuộc không gian sinh tồn truyền thống của họ. Giao đất giao rừng truyền thống cho cộng đồng, hoặc thực thi cơ chế đồng quản trị đúng nghĩa (hai bên đồng chủ rừng) giữa cộng đồng người dân Ca Doong làng Đắc Sao và BQLRPH Thạch Nham sẽ là một giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả để cung cấp nguồn nước cho công trình thủy lợi Thạch Nham hoạt động ổn định và kéo dài tuổi thọ và làng Đắc Sao mãi mãi yên ấm và sinh tồn.

    Nguồn: CIRUM

Bài viết khác