Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Quyền sở hữu Rừng Thiêng và Rừng đầu nguồn nước Buôn Ka Bầy

  • Khẳng định chủ quyền quản lý tài nguyên rừng và đất rừng gắn với các công trình và tài sản trên đất cho cộng đồng là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ đã tạo nên động lực và cơ hội để người Gia Rai Buôn Ka Bầy, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum phát huy tình cảm và trách nhiệm của mình đối với tài nguyên được giao.

    Già A Xinh cứ cười cười không nói khi mấy anh nhà báo muốn phỏng vấn Già về cảm xúc của Già khi tiếp nhận Giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng đất rừng Buôn Ka Bầy. Có lẽ vì quá cảm động, quá vui, nên Già cứ lúng túng mà không nói thành lời. Hôm nay, ngày 4 tháng 12 năm 2013, Già và con cháu của Già cùng cộng đồng Buôn Ka Bầy đã nhận được Giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng đất do Chính quyền huyện Sa Thầy cấp trên 2 khu vực để quản lý và sử dụng đó là các khu Rừng Thiêng - Rừng Giọt nước 10 ha và 20 ha Rừng đầu nguồn nước. Thiêng liêng lắm, trân trọng lắm và cũng tự hào lắm chứ, bởi vì Ka Bầy là buôn đầu tiên được cấp Sổ đỏ với đối tượng là Rừng thiêng, Rừng đầu nguồn nước trên đất Kon Tum mà. Các con cháu Già nay ai cũng đều biết điều đó. Ngày xưa nó khác, bây giờ khác. Ngày xưa rừng giàu lắm, nhiều lắm, rộng lớn lắm, giờ để tìm ra một khoảng rừng đủ lớn bao quanh các buôn rất khó. Cộng đồng các dân tộc trên Tây Nguyên nói chung và các buôn xã Hơ Moong nói riêng đang cùng nhau sẻ chia ân huệ mà thiên nhiên ban tặng đồng thời cũng xác định trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên, cái trách nhiệm mà lâu nay ở đâu đó đã có sự sao nhãng, thờ ơ hay bị lạm dụng để rồi ân hận và nuối tiếc.

     
    Các già làng thôn Ka Bầy với sổ đỏ đất rừng của cộng đồng trên tay

    Gặp lại Già A Xinh và những người dân của Già trong lễ trao sổ đỏ về quyền quản lý và sử dụng đất rừng lần này tôi nhận thức sâu sắc hơn về việc tạo điều kiện khẳng định quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của Cộng đồng các dân tộc thiểu số đã được đề cập trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Không gian Buôn Ka Bầy hôm nay tràn ngập bởi nắng gió của Đất trời Tây Nguyên đầu mùa khô. Trời trong veo và không gian yên tĩnh bị đánh thức bởi những bước chân rộn rịp và tiếng cười nói của người dân Buôn Ka Bầy hướng về phía trung tâm Buôn. Nhà Rông như cao hơn, không gian chung quanh như đỏ thắm hơn với băng rôn và biểu ngữ. Chưa đầy 3 tháng trước đây thôi, cũng tại nơi đây, tại cuộc họp Buôn Ka Bầy giữa anh chị em làm công tác khảo sát, điều tra và tư vấn giao đất giao rừng và Cộng đồng người dân Buôn Ka Bầy, Già A Xinh đã chia sẻ với con cháu mình bằng những lời của Cha ông, của Núi Rừng Tây Nguyên về trách nhiệm của con người trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng.
     
    Hôm đó tôi có cảm tưởng Già như một vị chỉ huy đầy uy quyền và căng tràn sức sống, cái uy quyền và sức sống của Tây Nguyên. Già A Xinh, một con người đã gần 80 tuổi song vẫn dạt dào tình cảm và đầy sức thuyết phục. Giọng trầm hùng của Già tràn ngập cả không gian phía trong nhà Rông và có khi như vút lên tận tít tắp đỉnh mái Nhà Rông, khi lại nhẹ nhàng thân thương hoà vào ánh mắt, cái nhìn chăm chú của mỗi người dân Ka Bầy. Những ánh mắt, khuôn mặt của người dân Ka Bầy hướng về phía Già, họ rung rinh theo nhịp nói và bàn tay của Già khi đưa lên khi đưa xuống. Già nói: Khi được giao cái Rừng đầu nguồn rồi, phải bảo vệ. Được giao cái Rừng mó nước rồi, phải bảo vệ. Ai vi phạm làng phạt, già phạt. Ai có công bảo vệ, được khen, được thưởng. Giữ cái rừng sẽ có nước. Giữ cái rừng sẽ có cây. Bất kể ai nhỏ, lớn đều phải biết điều đó để làm. Già nói nhiều lắm và giọng đầy thuyết phục. Tuy nhiên, vào thời điểm đó cuộc họp chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị tinh thần cho người dân đón nhận một quyết định cuối cùng về cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng.
     
    Còn hôm nay, quyết định đó đã hiện hiện với 02 Giấy chứng nhận đỏ tươi với những dòng chữ tuyệt đẹp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, số BN 361061" và " Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, số BN 361062" cho Chủ sở hữu là Cộng đồng thôn Ka Bầy.
     
    Đại diện Ban quản lý Buôn Ka Bầy trong lễ bàn giao giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất rừng

    Không còn nghi ngờ gì nữa. Buôn Ka Bầy đã được cấp quyền quản lý và sử dụng rừng và đất rừng thực rồi. Rừng đã thực sự của họ. Đảng và Chính phủ đã hiểu cái bụng của người dân Buôn Ka Bầy. Người dân Buôn Ka Bầy cũng hiểu được điều đó! 
     
    Sau khi kết thúc Lễ Giao sổ đỏ, người dân lại tiếp tục ngồi lại với nhau trong Nhà Rông. Họ sẽ ăn mừng chăng? Tôi chia sẻ điều này với anh Nguyễn Văn Niệm hiện là Chủ tịch UBND xã Hơ Moong. Anh chia sẻ là người dân họp với nhau để xác định thêm về trách nhiệm đối với tài nguyên được giao đấy. Trước đây xã có một khoản tài chính để hỗ trợ Nhóm quản lý bảo vệ rừng của buôn, nay rừng được giao lâu dài rồi, người dân cần thống nhất trách nhiệm để chăm sóc và bảo vệ. UBND xã cũng biết Cộng đồng Buôn Ka Bầy đang có ý định bàn với nhau để đóng góp mỗi hộ một ít tiền làm quỹ cho công tác quản lý rừng. Có ý kiến cho là chắc cộng đồng sẽ bàn để đóng 5.000 đồng/hộ/tháng. Không biết sẽ quyết định cuối cùng của Cộng đồng thế nào. Về phía chính quyền xã không có chủ trương thu thêm bất cứ khoản thu nào từ người dân, song đây là vấn đề dân tự quyết định để phục vụ cho chính lợi ích của mình. Mà cũng đúng theo tinh thần của chủ trương của Chính phủ trong việc xã hội hóa công tác quản lý và phát triển rừng.
     
    Điều anh Niệm chia sẻ đã trở thành hiện thực, khi chúng tôi gặp lại Già A Liễu, anh Đứi Trưởng buôn Ka Bầy, anh A Diếc Thôn đội trưởng Buôn Ka Bầy trong cuộc Hội thảo "Giao đất giao rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngay sau đó vào ngày 5 tháng 12 năm 2013. Già A Liễu và mấy anh em Buôn Ka Bầy chia sẻ là sau Lễ giao sổ đỏ người dân Buôn Ka Bầy đã thống nhất bước đầu mỗi năm mỗi hộ sẽ đóng 20.000 đồng/hộ/năm cho quỹ bảo vệ và quản lý rừng. Với quyết định này, Cộng đồng người dân Ka Bầy không những chỉ thể hiện rằng họ đã nhận ra trách nhiệm của mình đối với rừng mà trong sâu kín tâm hồn họ biết rất rõ là rừng sẽ cho họ nguồn nước ổn định mãi mãi, là nơi họ có thể thực hành phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mình.
     
    Thật tuyệt vời khi 135 hộ đồng bào Gia Rai của Buôn Ka Bầy đã có được một quyết định đầy ý nghĩa. Có lẽ khi người dân đã thực sự có quyền quản lý, sở hữu tài nguyên, thì chính họ sẽ thấy cần phải có ngay một sự quan tâm và đóng góp của mỗi nhà, mỗi người để tài nguyên được giao không bị quên lãng. Rất trân trọng với những gì người dân Ka Bầy và Chính quyền xã Hơ Moong đã được.
     
    Trở về Hà Nội, tôi mong viết sớm những thông tin này để chia sẻ với mọi người và để mừng cho Cộng đồng Buôn Ka Bầy cũng như những đóng góp của các bên tham gia từ buôn đến tỉnh trong việc thực hiện giao đất giao rừng cho Cộng đồng nơi đây. Cứ đà này, khi mô hình giao đất giao rừng cho cộng đồng được mở rộng ra, nhân rộng ra chắc Tây Nguyên sẽ có thêm những vùng rừng tự nhiên được gìn giữ, phục hồi và phát triển đóng góp cho một Tây Nguyên xanh trong tương lai.

    Xin chúc người dân Ka Bầy nói riêng và đồng bào sống trên mảnh đất Tây Nguyên nói chung mỗi sẽ ngày có thêm cơ hội để muôn đời Rừng là cái nong, cái nia, là cái lưng của ông bà chúng ta như các dân tộc trên Tây Nguyên vẫn thường nói. 

    Nguyễn Văn Sự

Bài viết khác