Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Quyền quản lý rừng phòng hộ Khuôn Binh, Hữu Lũng được chuyển giao cho người dân và cộng đồng

  • Cộng đồng dân cư và 246 hộ gia đình thôn Trại Dạ đã chính thức khẳng định quyền quản lý, sử dụng đối với 543 ha rừng và đất rừng phòng hộ của mình. Đây là kết quả của sự phối kết hợp chặt chẽ giữa người dân, chính quyền và ban ngành địa phương và Trung tâm CIRUM sau hơn 3 năm kể từ 2009 cùng triển khai Dự án hỗ trợ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho người dân và cộng đồng khu vực phòng hộ đầu nguồn Khuân Binh xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

    8 giờ sáng ngày 25 tháng 12 năm 2013, không khí tại UBND xã Hòa Sơn nhộn nhịp và khẩn trương hơn bao giờ hết. Tất cả dường như cùng hòa chung hướng tới Hội nghị tổng kết và trao giấy sử dụng rừng gắn với đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn Vùng phòng hộ Khuôn Binh xã Hòa Sơn. Đây là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lớn trong đời sống của người dân nơi đây. Hội nghị được đồng tổ chức bởi UBND huyện Hữu Lũng, UBND xã Hòa Sơn và Trung tâm CIRUM.

    Ông Hoàng Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng đang trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng cho đại diện hộ gia đình và cộng đồng thôn Dạ Trại

    Tại Hội nghị, thay mặt UBND huyện, bà Lý Thị Thúy Hải - Giám đốc Văn phòng Đăng kí Quyền Sử dụng Đất thông qua các Quyết định và danh sách các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng được cấp GCNQSD đất (Bìa đỏ). Qua đó, UBND huyện Hữu Lũng quyết định giao 473 giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng với 453,6 ha rừng phòng hộ cho 248 hộ gia đình và 05 giấy chứng nhận quyền quản lý sử dụng rừng phòng hộ với 89,4 ha cho cộng đồng dân cư thôn Trại Dạ.

    Anh Lâm Văn Mỵ - Trưởng thôn, thay mặt cho Ban quản lý thôn Trại Dạ và Chị Hoàng Thị Thu đại diện cho những hộ gia đình đã vinh dự tiếp nhận các tấm Bìa đỏ do Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng trao với niềm vui khó tả.

    Cầm trên tay tấm bìa đỏ anh Mỵ chia sẻ: "Qua thời gian lâu dài, Trung tâm CIRUM đã đi cùng chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi khảo sát, đo đếm, xác định ranh giới để rồi có sổ đỏ như hôm nay. Trung tâm cũng đã giúp chúng tôi lấy lại được một phần diện tích đất rừng từ Công ty Tuân Nguyệt. Chúng tôi rất rất phấn khởi và hứa sẽ cùng nhau làm việc để phát triển rừng thật xanh, thật đẹp, để đập có đủ nước tưới cho cây lúa".

    Lòng hồ lưu vực Khuôn Binh điểm dự trữ nước chính cho tưới tiêu và sinh hoạt của người dân xã Hòa Sơn

    Niềm vui của anh Mỵ như được nhân lên khi anh cùng Ông Dương Minh Phong - Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn ký phê duyệt Quy ước Quản lý, Bảo vệ và Phát triển rừng cộng đồng thôn Trại Dạ. Nét bút đơn giản, rắn rỏi của người nông dân hiền lành và đầy uy tín với cộng đồng đã xác lập vào văn bản một sự cam kết vô cùng quan trọng của cộng đồng thôn Trại Dạ và đó cũng là lời tuyên bố về một chủ quyền thực sự trên mảnh đất cộng đồng được Nhà nước giao.

    Theo ông Hoàng Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng thì sự kiện giao quyền quản lý đất rừng cho người dân và cộng đồng ngày hôm nay đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phân quyền quản lý tài nguyên của địa phương. Ông Hùng đánh giá lại quá trình quản lý tài nguyên trên địa bàn với những thăng trầm của các Lâm trường, rồi những chính sách liên quan đến giao đất khoán rừng của nhiều năm về trước. Ông nhận định, tác động của những xung đột và bất cập trong quá trình dài quản lý sử dụng tài nguyên rừng trước đây đã làm cho một vùng rừng nguyên sinh giàu có về đa dạng sinh học như Khuôn Binh, nuôi dưỡng cho những vùng sản xuất nông nghiệp bị biến mất.
     
    Rừng phòng hộ Khuôn Binh và cánh đồng canh tác của người dân thôn Trại Dạ
     
    Ông Hùng cho biết thêm, công tác xây dựng chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách liên quan đến giao / khoán rừng và đất lâm nghiệp luôn được nhà nước quan tâm, song nguồn lực để thực hiện thì lại hạn chế. Công tác đo đạc, giao đất của các giai đoạn trước đây chưa thực sự đạt được độ chính xác. Điều này đã gây nên nhiều vướng mắc trong công tác điều hành, quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương. Nhiều xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ thể đối với đất rừng, đặc biệt giữa người dân và các tổ chức kinh tế đã trở thành vấn đề phức tạp, cản trở tiến trình phát triển chung của địa phương.

    Những đột phá trong công tác giao đất giao rừng tại Hòa Sơn đã hội tụ cả về trách nhiệm và sự đồng thuận của người dân, chính quyền ban ngành địa phương và các cơ tổ chức nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp làm việc trong đó vai trò của người dân và cộng đồng được đặt lên hàng đầu, công cụ chuyên môn và công nghệ mới phù hợp cũng cần chú trọng để giúp tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong quản lý, sử dụng và phát triển rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt tại các vùng phòng hộ như Khuôn Binh.
     
    Mạng lưới Đất Rừng (LandNet)

Bài viết khác