Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Quản lý và sử dụng đất đai tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

  • Đó là chủ đề của Hội thảo do Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội (SPERI), Viện Tư vấn Phát triển (CODE), Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) tổ chức ngày 1/11, tại Hà Nội.  

    Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các tổ chức kinh tế - xã hội, một số cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng địa phương tại Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. 

    Hội thảo nhằm trao đổi, cung cấp các thông tin về thực trạng quản lý, sử dụng đất đai và tình trạng thiếu đất sản xuất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vướng mắc liên quan tới đất sản xuất nông lâm nghiệp; đề xuất khuyến nghị các chính sách và giải pháp liên quan tới quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và rừng để đảm bảo cuộc sống cho cộng đồng các dân tộc miền núi. Một số tham luận tại hội thảo đã phản ánh những bất cập, tồn tại trong quản lý sử dụng đất nông lâm nghiệp và vai trò của cộng đồng dân tộc miền núi tại địa phương.  

    Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã nêu lên sự bất cập trong quá trình triển khai rà soát, quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38 của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương như: Không có sự tham gia của chính quyền địa phương cũng như tổ rà soát không đi thực tế trong quá trình rà soát, quy hoạch 3 loại rừng. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng không đúng với hiện trạng sử dụng đất, nhiều vùng đất lau sậy phù hợp với đất sản xuất lại quy hoạch vào đất rừng phòng hộ.  

    Đại diện UBND xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cũng nêu lên những bất cập trong quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp giữa các chủ thể sử dụng trên địa bàn và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của xã. Đại diện xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An có tham luận về thực tiễn và chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Thái. Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ông Trần Văn Đằng, Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai nêu ý kiến về công tác giao đất, giao rừng trước năm 2012 và thí điểm một số mô hình giao đất gắn với giao rừng tại Lào Cai.  

    Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và đề xuất kiến nghị điều chỉnh chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện, giải quyết các vướng mắc về đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đối với đất ở cho các hộ tái định cư vùng đồng bào dân tộc thiếu số nên chia gắn liền với đất sản xuất; sớm cấp quyền sử dụng đất đối với đất nương rẫy tự khai hoang; hạn điền tối thiểu cho mỗi hộ với 4 khẩu sống dựa vào đất, rừng là 2 ha đất rừng sản xuất; tập trung giải quyết việc chồng lấn, tranh chấp giữa các chủ rừng để làm cơ sở cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu chưa cấp). Đồng thời đảm bảo cho các đối tượng, đặc biệt là hộ gia đình và cộng đồng có đủ điều kiện tiếp cận chính sách hưởng lợi về rừng và đất rừng.  

    Bên cạnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh mở rộng định nghĩa về “cộng đồng” trong Luật Đất đai 2003 và Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004 để đáp ứng với xu thế phát triển xã hội lâm nghiệp ở vùng núi, gồm các nhóm như cộng đồng dân cư/thôn, bản; nhóm hộ gia đình liên kết và dòng họ. Ngoài ra, cần có các chính sách hoặc hướng dẫn cụ thể về việc công nhận rừng thiêng của cộng đồng để có vị trí ngang hàng với rừng đặc dụng quy mô nhỏ. Các loại rừng được xác định, phân loại rõ ràng theo hệ thống tri thức, luật tục truyền thống và tồn tại phổ biến ở các cộng đồng dân tộc miền núi.
    (Nguồn: http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=4&ID=122353&Code=OMVX122353)

Bài viết khác