Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi

  • (LV) - Miền núi có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp nhưng lại thiếu quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đến cuối tháng 9/2012, vẫn còn hơn 300 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở và đất sản xuất.

    Sáng 01/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi”. Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ, các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kết quả nghiên cứu và thông tin thực tiễn, từ đó đề xuất chính sách và giải pháp thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững và giữ vững an ninh quốc phòng vùng miền núi.

    Phải để bà con thực sự làm chủ đất đai của mình (Hình chỉ mang tính chất minh hoạ)
    Phải để bà con thực sự làm chủ đất đai của mình (Hình chỉ mang tính chất minh hoạ).

    Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, miền núi có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp nhưng lại thiếu quỹ đất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Số liệu tại Hội thảo cho thấy, đến cuối tháng 9/2012, vẫn còn hơn 300 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở và đất sản xuất.

    Những năm qua, nhờ chủ trương giao đất, giao rừng, nhiều nơi công tác quản lý và bảo vệ rừng đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này cũng còn có những hạn chế như: Tỷ lệ diện tích rừng do các doanh nghiệp nhà nước, ủy ban nhân dân các cấp quản lý chiếm khoảng 50%, trong khi đó tỷ lệ diện tích rừng giao cho các hộ gia đình, cá nhân thấp, chiếm khoảng 27%. Nhiều nơi, diện tích rừng giao cho chủ rừng và người dân chưa xác định cụ thể trên bản đồ và thực địa. Hồ sơ giao đất, giao rừng thiếu nhất quán, quản lý không chặt chẽ và không đồng bộ. Diện tích rừng có chủ sử dụng thực sự rất thấp, dẫn đến tình trạng rừng chưa được bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả. Qua đánh giá của một số địa phương, hiệu quả sau giao đất rừng chỉ đạt 20% đến 30%...

    Tại Hội thảo, nhiều đại biểu kiến nghị điều chỉnh giải pháp tổ chức thực hiện, giải quyết các vướng mắc đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo phát triển bền vững, trong đó đặc biệt lưu ý phải điều tra lại tình hình đất đai các địa phương để xem chỗ nào sử dụng đất chưa hợp lý. Trên cơ sở đó tổ chức lại quỹ đất đến từng bản chứ không phải giao ở tỉnh hay huyện để cho bà con thực sự làm chủ đất đai của mình.
     

    (Nguồn: Song Nguyên - http://langvietonline.vn/54-Dan-Toc/126912/Quan-ly-va-su-dung-dat-dai-tai-cac-cong-dong-dan-toc-thieu-so-mien-nui.html)

Bài viết khác