Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Quản lý sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc ít người-Tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong cộng đồng

  • SGTT.VN - Trên 80% số hộ dân đồng bào dân tộc ít người cho rằng cuộc sống của họ kém hơn trước khi tái định cư, cả nước có gần 30 vạn hộ thiếu đất sản xuất. Tình trạng tranh chấp, xâm lấn, xung đột về đất đai giữa tổ chức nhà nước với đất rừng của cộng đồng dân cư địa phương ngày càng gay gắt. Đó là những thông tin nổi bật tại hội thảo Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi do viện Tư vấn và phát triển (CODE) tổ chức ngày 1.11 tại Hà Nội.

    “Định mức đất sản xuất nông nghiệp cho một hộ tái định cư (1 – 1,2ha, 600 – 1.000m2 ruộng nước) là quá ít để các hộ phát triển kinh tế. Trong khi một hộ đồng bào dân tộc ít người thường có trung bình từ 8 – 12 khẩu. 1ha đất ở Tây Nguyên không thể so sánh với đất ở các khu vực khác vì hiệu quả rất thấp. Nếu tính ra tổng thu nhập chỉ có thể 30 triệu đồng/12 khẩu/năm, thực sự quá khó khăn”, ông Nguyễn Văn Niệm, chủ tịch xã Hơ Moong, Sa Thầy, Kon Tum cho biết.

    Tương tự, ông Nguyễn Xuân Nhẫn, phó chủ tịch huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho hay, tỷ lệ nghèo đói của dân cư trong vùng rất cao: 75%, nếu tính cả hộ cận nghèo là 90%, thuộc khu vực cao nhất cả nước. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu quỹ đất cho phát triển kinh tế xã hội. Kết quả điều tra tháng 7.2012 tại sáu buôn làng Tây Nguyên cho thấy có tới 77% số hộ tự đánh giá thiếu đất sản xuất. Báo cáo của ông Phan Đình Nhã (CODE) còn chỉ ra, trên địa bàn một số buôn làng ở Tây Nguyên không còn quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân phải đi xâm canh ở nơi khác.

    Đến tháng 9.2012, cả nước còn gần 327.000 hộ đồng bào dân tộc ít người thiếu đất, trong đó có 33.000 hộ thiếu đất ở và 294.000 hộ thiếu đất sản xuất.

    Đất nông nghiệp thì phải xâm canh, trong khi đất lâm nghiệp thì người dân bị tách khỏi rừng hoàn toàn, thậm chí sống ngay cạnh rừng nhưng việc tiếp cận đất và tài nguyên rừng rất hạn chế. Tại các buôn làng Buzap, Del... toàn bộ diện tích gần buôn làng đã bị chuyển đổi sang thành đất trồng cây công nghiệp. Các nguồn thu nhập từ nương rẫy, hoa màu ngắn ngày, chăn nuôi gia súc hiện nay không còn.

    Bán đất là điều bất khả kháng, tuy nhiên, để có tiền trả nợ, ốm đau hoặc cải thiện sinh kế, một số hộ nghèo đang phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất đai mà không có khả năng chuộc lại. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng đáng báo động, dễ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư.

    Chuyên gia về đất đai, ông Tôn Gia Huyên, nêu một bất cập khác, đó là công tác tái định cư hiện nay chỉ mới tính đơn giá, hạng mục đền bù những mất mát hữu hình như đất cát, nhà cửa, vườn rẫy chứ chưa hề quan tâm hoặc tính toán những giá trị vô hình bị mất mát như không gian văn hoá của bà con. Do vậy, ông đề nghị việc tái định cư nên tham khảo ý kiến của người dân về tập quán sinh hoạt; đất đai có phù hợp tập quán canh tác…

    (Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/171867/Tiem-an-nguy-co-bat-on-trong-cong-dong.html)

Bài viết khác