Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Những chuyện nghe ở Khu tái định cư của dự án thủy điện Pleikrong

  • Vừa đón khách vào nhà, ông A Hliuh - phó già làng Ka Bay (dân tộc Ja Rai), xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum – vừa kể về vụ xâm phạm rừng đầu nguồn nước của làng gần đây. Một hộ gia đình công nhân được Công ty Giấy Miền Nam thuê chăm sóc rừng thông đã cắm trại và sử dụng nguồn nước trên đầu nguồn của làng Ka Bay để sinh hoạt và tắm gội.  Việc tắm gội ngay trên đầu nguồn đã phạm Luật tục của làng và họ đã bị làng phạt một con lợn 30kg, rượu và thuốc. Mặc dù phía Công ty đã thương thảo với làng là thay vì phạt bằng hiện vật hãy để gia đình nọ chịu phạt bằng tiền mặt, làng đã không chấp nhận phạt bằng tiền. “Phép vua thua lệ làng” được hiểu khá cặn kẽ, rõ ràng trong trường hợp này, rất nghiêm khắc và hiệu quả. Mỗi người dân trong làng đều nhận được một phần nhỏ từ vật chất từ việc xử phạt, điều đó không chỉ nói lên một sự minh bạch về sử dụng của cải chung của làng mà còn thể hiện về một sự răn đe, giáo dục rõ ràng và cảnh báo cho bất kể ai dám vi phạm luật tục của làng.


    Lễ hội đâm trâu tại làng Ka Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

    Nằm trên vùng đầu nguồn dòng Sesan, thuộc khu vực 3S (gồm sông SeSan, SprêPok, Sekong, một trong những chi lưu lớn của sông Mekong), dự án thủy điện Pleikrong được khởi công xây dựng từ năm 2003 tại tỉnh Kontum. Để có một sản lượng điện trung bình hàng năm 417,2 triệu KWh, hồ thủy điện Plei Krong đã làm ngập trên 4.000 ha đất sản xuất và đất ở, gần 1.400 hộ với trên 6.000 người buộc phải di dời đến các khu tái định cư. Chủ yếu là người dân tộc bản địa.
    Theo ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch xã Hơ Moong, khu tái định cư Hơ Moong có mật độ dân cư đông “như thành phố”. Mỗi hộ được chia một lô đất 400m2, có xây nhà và giếng nước để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, khi người dân chuyển về đây đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh.
    Về mặt kỹ thuật, do mật độ xây dựng quá dày trên địa hình cao như Tây Nguyên, 240 hộ dân được bố trí trên một quả đồi dẫn đến điều kiện sinh hoạt khá vất vả. Đặc biệt nguồn nước ngầm không đủ để cung cấp cho 240 cái giếng được đào, dẫn tới việc 85% giếng không có nước.


    Năm 2016, nhiều nơi ở Tây nguyên thiếu nước, giếng nước khô cạn

    Giữa năm vừa qua, cùng đợt hạn mặn hoành hành tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên trải qua đợt hạn hán và thời tiết cực đoan khắc nghiệt. Nước tưới tiêu gần như không có, người dân đau xót nhìn hoa màu héo rũ, vàng úa dưới cái nóng thiêu đốt. Những cái giếng vốn không nhiều nước trở nên khô cạn.
    “Chúng tôi đã phải nghĩ đến chuyện đề nghị Chính phủ chở nước sạch bằng trực thăng lên cho bà con. Vì trên đây là đầu nguồn, gần đỉnh Trường Sơn, nếu hạn kéo dài thì chúng tôi không tìm đâu ra nước”, ông Niệm chia sẻ.
    Thật may, chính sự nhìn xa trông rộng và “lệ” nghiêm khắc của dân làng Ka Bay đã cứu cả vùng tái định cư Hơ Moong. Năm 1998 – 2000, Dân làng Ka Bay bị thu hồi một phần đất sản xuất để xây dựng thủy điện Yaly, đến năm 2005 phần đất sản xuất còn lại lại bị tiếp tục thu hồi để xây dựng thủy điện Pleikrông. Hết đất sản xuất, nhà nước buộc phải di dời cả làng Ka Bay đến xã Hơ Moong cùng với các buôn làng dân tộc Rơ Ngao ở khu tái định cư của thủy điện Pleikrông vào năm 2006.
    Tuy nhiên, do đến tái định sau nên khu vực đất có khả năng sản xuất không còn, chỉ còn lại diện tích đất khô cằn hoang hóa, nước không có. Ngay khi chuyển đến nơi ở mới, việc người dân làm đầu tiên là đi tìm nguồn nước ở mấy vạt rừng còn lại gần làng. 
    Như ông A Hliuh nói, người Ja Rai đặc biệt quý trọng “giọt nước”, nghĩa là khu rừng lấy nước để cúng các vị thầnh, rừng cấp nước cho làng. Người dân coi đó là những khu rừng cấm kỵ mọi sự xâm phạm. Người dân trong làng không được phép đi vào khu rừng, không được phép bẻ một cành cây hay hái lá thuốc. Những chuyện đi vệ sinh hay tắm giặt trong khu rừng là điều tuyệt đối cấm kỵ. Nếu bị bắt được, người vi phạm sẽ bị phạt một con lợn 30kg.

    Người dân Ja Rai, làng Ka Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum học cách đóng bầu để ươm cây Bời lời

    Hiện nay, Ka Bay đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 30 ha rừng, trong đó có 10 ha Rừng Giọt nước, 20 ha Rừng đầu nguồn nước cấp nước sinh hoạt cho làng. Một tuần vài ba lần, đội tuần tra rừng gồm có ông A Hliuh, ông A Đứu, Già làng, Bí thư chi bộ làng Ka Bay và một người đàn ông nữa được làng phân công, sẽ đi tuần trong rừng, vừa để kiểm tra hệ thống dẫn nước có bị bẩn, bị tắc không, vừa để đề phòng mọi sự xâm phạm khu rừng đầu nguồn của làng.
    Cách đây vài tháng, mấy cán bộ của Công ty giấy Miền Nam lên kiểm tra khu rừng thông của họ, do không biết luật tục đã sang rừng nguồn nước tắm gội và bị làng phạt. Chính sự nghiêm ngặt đó đã khiến khu rừng của làng còn tồn tại, trở thành khu rừng tự nhiên duy nhất khi xung quanh hoặc đã bị biết thành đồi trọc do khai thác gỗ; hoặc thành rừng nghèo do tái canh thành cây công nghiệp: cà phê, sắn, thông, cao su.
    Trong đợt hạn hán khắc nghiệt vừa qua, rừng đầu nguồn của làng Ka Bay đã cấp nước cho cả làng Ka Bay và khu lân cận. Người dân trong làng và cán bộ địa phương, hơn lúc nào hết, đã nhìn ra tầm quan trọng của việc giữ rừng đầu nguồn. Đặc biệt, vai trò đặc biệt quan trọng và mật thiết của cộng đồng bản địa trong việc giữ rừng. Bởi đơn giản, không có rừng, họ khó lòng tồn tại, và vì vậy bằng mọi giá, người dân giữ rừng để giữ nguồn sống của chính họ, không ai có thể làm thay hoặc làm tốt hơn họ.
    A Đứu, Bí thư chi bộ làng Ka Bay nói. Sau nhiều năm lên xuống các cấp, cuối cùng chính quyền tỉnh Kontum cũng đã chính thức cấp quyền sở hữu chủ rừng đầu nguồn, rừng giọt nước cho làng Ka Bay, vì rừng đầu nguồn, rừng Giọt nước gắn bó thiêng liêng với sống còn của họ. “Chúng tôi vui mừng vô cùng, và cảm ơn chính quyền đã làm đúng”. Anh nói.

Bài viết khác