Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Những câu chuyện đang chờ câu trả lời

  • Huyện Đình Lập nằm trên trục đường nối giữa thành phố Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh, nối vùng biên giới Việt - Trung với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh Đông Bắc Bộ của Việt Nam.

    Với diện tích toàn huyện là 1.182,7km2, lại là nơi có tiểu vùng khí hậu thích hợp cho phát triển các loại cây lâm nghiệp như thông, chè, hoa hồi, đinh, lim... cộng thêm với lợi thế của 2 hai trục quốc lộ 4B và 31 chạy qua trung tâm huyện, từ nhiều năm nay, Đình Lập là nơi nhiều công ty lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh hết sức quan tâm để thực hiện các dự án. Tính đến nay, với  trên 20.000 ha rừng, Đình Lập trở thành nơi sản xuất, chế biến gỗ thông lớn nhất  tỉnh Lạng Sơn.

    Trong quá tình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, mối quan hệ giữa các cơ quan kinh tế, mà cụ thể ở đây là các nông lâm trường, các công ty lâm nghiệp, với người dân bản địa cùng chính quyền địa phương luôn luôn là vấn đề dễ nảy sinh những bất cập. Với huyện Đình lập, mặc dù với một tỷ lệ phân bố dân cư khá thưa thớt, 22 người /km2, song với đặc thù dân tộc, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, người Kinh chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít, thì một thực trạng các vấn đề về chủ quyền sinh kế, liên quan đến đất và rừng đối với ngươi dân địa phương, với các công ty sản xuất kinh doanh trên địa bàn, vẫn luôn là việc làm cần được quan tâm …

    Trong một chương trình khảo sát nhanh về các công ty đang quản lý đất và rừng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có địa bàn huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, để tiến hành các dự án hỗ trợ GĐGR cho người dân tại khu vực này, Trung tâm tư vấn Quản lý bền vững tài nguyên và phát triển Văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), với sự phối hợp của ngành TNMT huyện, cán bộ địa chính và người dân địa phương đã có những thông tin ban đầu về một số vướng mắc của 2 đơn vị kinh tế đang quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp chính trên địa bàn huyện. Đó là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển kinh tế trang trại thủy hải sản Thành Tín và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đạt Anh. Những vướng mắc có nguyên nhân từ quá khứ. Song vấn đề giải quyết thì đang là của hiện tại và sẽ có những ảnh hưởng rất lớn tới tương lại của bà con đang sinh sống tại đây...

    Từ chuyện Công ty thủy hải sản đi trồng rừng...

    Công ty CP Đầu tư và Phát triển kinh tế trang trại thuỷ hải sản Thành Tín (gọi tắt là Công ty Thành Tín) có địa chỉ: B2246/191 Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Hiện Công ty Thành Tín đang quản lý khoảng 33.000 ha trên địa bàn các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh và Yên Bái. Trong đó có một diện tích lớn đất lâm nghiệp của Đình Lập tại các khu vực giáp ranh hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Đây có lẽ là điều đáng chú ý của một công ty phát triển kinh tế trong lĩnh vực thủy hải sản.
    Các dự án của công ty Thành Tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được bắt đầu từ giữa năm 2007. Khi đó Công ty Thành Tín được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 14121000020 để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tại huyện Đình Lập (xã Kiên Mộc, xã Châu Sơn) và huyện Bình Gia. Cây trồng được chọn là tre Điềm trúc và keo với diện tích trên 29.000 ha. Tổng đầu tư vốn trên 800 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 500 tỷ, vốn vay 300 tỷ. Từ năm 2009 sẽ trồng 2.500 ha, năm 2102 sẽ nâng lên 5.000 ha. Riêng cây keo sau chu kỳ 1 từ năm 2014 sẽ trồng tiếp chu kỳ 2. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

    Thực hiện dự án này, năm 2010, công ty Thành Tín có trồng cây Keo Lai theo phương pháp gieo hạt thẳng tại Đình Lập - Lạng Sơn nhưng không thông qua cơ quan chuyên môn của huyện và cũng bị nhân dân phản ứng gay gắt không cho triển khai. Thậm chí người dân còn quyết liệt không cho công ty vào lấy đất trồng rừng và bất chấp đó là QĐ giao đất của cơ quan nào. Theo anh Kiểm Trưởng thôn và anh Thành bí thư chi bộ thôn Khe Pặn Giữa (xã Châu Sơn), cả thôn đã phải dùng tới “hạ sách” là không cho toàn bộ con em trên địa bàn thôn đi học để gây sức ép với chính quyền xã, ngành giáo dục địa phương nhằm  điều chỉnh và không giao đất lâm nghiệp trên địa bàn thôn Khe Pặn Giữa cho Cty Thành Tín. Trước đó, trưởng thôn và Bí thư thôn khi đi tham gia các cuộc họp ngoài xã đã mạnh dạn và quyết liệt đưa ra vấn đề này để nói với lãnh đạo xã, tiếp đó trong cuộc hop thôn họ đã mời lãnh đạo xã (Phó chủ tịch xã, Chủ tịch Hội nông dân xã) vào tham gia để người dân trong thôn nói lên những bức xúc khi công ty bên ngoài vào lấy đất để trồng cây trên địa bàn của họ, những lời nói và hành động của người dân trong thôn thể hiện tính quyết liệt và quyết tâm không cho công ty vào lấy đất và trông rừng, mặc dù bên phía công ty đã cho đơn vị đo đạc khu vực rừng của thôn (khoảng hơn 200ha). Với sự kiên quyết đó của người dân thôn Khe Pặn Giữa, công ty Thành Tín đã không dám đến thôn mà chuyển sang thôn Khe Pặn Ngọn là thôn bên cạnh (cũng thuộc xã Châu Sơn). Hiện nay, Công ty này chỉ trồng được một số rất ít diện tích Keo lai trên địa bàn thôn Pặn Ngọn (thuộc xã Châu Sơn) nhưng không thực hiện việc chăm sóc nên cây không phát triển được...

    Ngoài công ty Thành Tín, trên địa bàn xã Châu Sơn còn có một công ty khác là công ty Dược Tốt (?), công ty này cũng đã được giao đất trên địa bàn thôn Khe Luồng (xã Châu Sơn) từ năm 2009. Theo như chia sẻ của ông Hoàng Văn Chung (CT HND xã Châu Sơn) thì khi giao đất cho công ty này xã không được tham gia, nên ông cũng không nắm được tổng diện tích được giao cho công ty Dược Tốt là bao nhiêu. Theo chia sẻ từ của người công ty với xã thì phần diện tích đất được giao sẽ tiến hành trồng cây dược liệu, tuy nhiên hiện nay toàn bộ diện tích được giao đều là trồng Keo mà không có một cây dược liệu nào.

    Cũng trên địa bàn huyện Đình Lập, tại xã Kiên Mộc, Công ty Thành Tín cũng quản lý tới 700 ha đất trồng rừng sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa có hoạt động gì để thực hiện dự án gây lãng phí tài nguyên trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Bà Hoàng Thị Huế, Cán bộ địa chính xã tỏ ra rất bức xúc vì trong khi chính bản thân bà cũng như nhiều người dân khác trong xã không có lấy một 1ha đất để tăng gia sản xuất, thì công ty Thành Tín lại quản lý tới 700ha. Còn theo ông Nông Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Kiên Mộc, thì ngay sau khi được giao diện tích 700ha đất, chủ yếu nằm trên 03 thôn là Bản Tùm, Bản Táng và Bản  Mục, giáp với huyện Tiên Yên - Quảng Ninh, công ty Thành Tín đã không triển khai hoạt động trồng rừng. Trước tình trạng đó, năm 2009, UBND xã Kiên Mộc đã có Tờ trình lên UBND huyện đề nghị thu hồi, Đến năm 2013, huyện Đình Lập cũng có Tờ  trình trình UBND tỉnh Lạng Sơn để nghị thu hồi trong năm 2013 và giao lại cho xã quản lý và đã được tỉnh phê duyệt. Trước quyết định này, ông Tấn có băn khoăn, rằng nếu thu hồi đất giao lại cho xã quản lý mà không giao lại cho dân e rằng sẽ lãng phí đất trong khi người dân thiếu đất hoặc có ít đất sản xuất. Chính vì vậy mà ông Tấn cũng như rất nhiều người dân ở đây đều đang mong có một dự án hay hoặc một nguồn kinh phí để giao đất và “biến” 700ha đất trống này thành rừng sản xuất tăng thu nhập cho người dân...

    ... Đến những tấm bản đồ giao đất không đóng dấu...

    IMG_0002.JPGBên cạnh công ty Thành Tín, Công ty Cổ phẩn xuất nhập khẩu Đạt Anh cũng là một đơn vị hiện đang quản lý một diện tích lớn đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đình Lập.

    Khác với Thành Tín, là một công ty của Hà Nội, lại chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thủy hải sản, Công ty Đạt Anh có địa chỉ tại 134, đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, và là công ty chuyên hoạt động trong các lĩnh vực lâm nghiệp và khai khoáng.

    Vì là một doanh nghiệp đóng trên địa bàn của tỉnh, nên tại địa bàn Lạng Sơn, công ty Đạt Anh được giao quản lý nhiều diện tích đất Lâm nghiệp khá lớn. Riêng tại huyện Đình Lập, diện tích đất đai do Đạt Anh quản lý tập trung tại các xã Kiên Mộc và Đình Lập, mà theo lãnh đạo và cán bộ địa chính xã Kiên Mộc cho biết, thì hiện tại công ty này quản lý tới hơn 800 ha đất rừng tập trung nhiều tại thôn Bản Lự và thuộc Tiểu khu 468. Bức xúc của bà Hoàng Thị Huế dường như bùng lên một lần nữa khi trao đổi về công ty này, lần này bà lấy nguyên bản đồ cho mọi người xem. Hơn 800ha đất được thống kê rất đầy đủ từng số thửa tới từng diện tích, loại rừng tại một góc bản đồ (Ảnh).

    Song ngoài một diện tích khá lớn như vậy, thì điều khiến mọi người hết sức băn  khoăn và ngạc nhiên là bản đổ giao đất này được ký tháng 7/2009 nhưng không có chữ ký và con dấu của Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn. Khi được hỏi về Quyết định giao đất của UBND tỉnh ở đâu thì xã cho biết là hiện tại xã không được cầm QĐ giao đất!?? Quyết định không biết ở đâu, Bản đồ thì chưa đủ tính pháp lý... Phải chăng đang có một uẩn khúc gì đó trong câu chuyện này...

    Đem thắc mắc trên tiếp tục hành trình lên Bản Lự với hy vọng sẽ tìm ra lời giải đáp thì một câu chuyện đặc biệt được hé lộ tại đây: Sau khi tiếp cận và phỏng vấn anh Phương Văn Hồng (trưởng thôn Bản Lự) và anh Chu Văn Đạt (một đại biểu HĐND xã) thì được biết thôn Bản Lự đất có 29 hộ dân người Tày, Nùng sinh sống và được phân ra làm 2 nhóm Bản Lự trong và Bản Lự ngoài, phân làm 2 nhóm cho dễ gọi (anh Đạt cho biết) vì 2 nhóm này được ngăn cách bởi 1 con suối khá rộng. Tuy vậy, nhưng cách hoạt động cộng đồng vẫn được tiến hành chung. Năm 2009, qua sự giới thiệu của bác Hiến (trưởng thôn lúc bấy giờ, giờ là bí thư chi bộ thôn) Công ty Đạt Anh vào và thỏa thuận với người dân thôn Bản Lự trong chuyển nhượng 100ha đất khu vực khu đồi Kéo Ham, là phần đất của 13 hộ dân Bản Lự trong quản lý, sử dụng cho công ty để trồng rừng. Công ty Đạt Anh cam kết sẽ trả 80 triệu đồng cho 13 hộ dân này để có thêm tài chính thực hiện trồng rừng ở nơi khác. Công ty cũng cam kết xây một ngầm nối liền hai nhóm Bản Lự trong và Bản Lự ngoài và một con đường sản xuất vào khe Lũng Tao để người dân hai bên dễ dàng đi lại và sản xuất nông lâm nghiệp. Hơn nữa, anh Đạt (người ghi biên bản) cho biết: trong biên bản có ghi rõ một nội dung “khi nào xây xong cầu thì công ty mới được đưa cây con vào trồng”. Hiện nay, cây Thông đã lớn 4 tuổi, mà ngầm và đường vẫn chưa có động tĩnh gì. Mặc dù đã được nhận đủ số tiền 80 triệu đồng từ công ty Đạt Anh, nhưng các giấy tờ gốc như cam kết, biên bản, chứng từ nhận tiền lại do bác Hiến nắm giữ. Điều đặc biệt hơn là 100ha đất thoả thuận đã được hoá thành hơn 800ha theo một “phép màu” nào đó mà người dân cũng bó tay, chỉ biết rằng phần diện tích đất trồng Thông của nhà mình thuộc các khu vực Kéo Song Làng và Lũng Tao nay đã thuộc cả đất của công ty. “Tranh chấp giữa người dân và công ty diễn ra phức tạp hơn khi lòng tin hai bên không còn nữa” trưởng bản Hồng nói...

    Quay lại trao đổi với anh Nông Văn Tấn về câu chuyện về diện tích 800ha đất rừng và cây cầu công ty Đạt Anh hứa với bà con Bản Lự, vị chủ tịch xã trẻ cho biết bản thân ông cũng như chính quyền xã cũng đang rất lúng túng trong xử lý việc này. Chính vì vậy mà các vấn đề mâu thuẫn về đất đai tại Bản Lự mới đây đã được xã đưa ra trong cuộc họp HĐND huyện. Tuy nhiên ý kiến của xã vẫn chưa chính thức có câu trả lời.

    Khác với các loại tài nguyên thiên nhiên và tài sản khác, Đất đai luôn mang trong mình đồng thời cả hai thuộc tính là tài nguyên thiên nhiên và tài sản. Khi được xem là tài nguyên thiên nhiên thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân một cách tuyệt đối; nhưng một khi đã trở thành tài sản bằng cách đầu tư lao động vào đó (lao động quá khứ và lao động sống) thì có điều kiện để trở thành tài sản của quốc gia, cộng đồng hoặc tư nhân. Khi đất đai là tài nguyên thì nó đang sẵn sàng để trở thành tài sản, khi đất đai đã là tài sản thì nó lại có tiềm năng trở thành tài nguyên của những dạng tài sản khác. Với tư cách là “đại diện chủ sở hữu”, Nhà nước, mà cụ thể ở đây là các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh, huyện, có trách nhiệm làm cho tài nguyên đất đai quốc gia không ngừng chuyển thành tài sản một cách thuận lợi và bền vững. Tuy nhiên dù với mục đích nào đi nữa, thì cũng không bao giờ được quên một điều cốt lõi, đó là với người dân lao động, thì đất đai luôn là một thứ tư liệu sản xuất đặc biệt góp phần làm nên sự ổn định cuộc sống cho mỗi cá nhân, lớn hơn nữa là mỗi gia đình, cộng đồng và dân tộc. Chính vì vậy mà để có một sự ổn định và an toàn trong sinh kế của mỗi cộng đồng, sự công bằng và minh bạch trong một xã hội, giống như một dòng sông dân sự thực sự chảy trôi êm đềm và thanh bình trong suốt thời gian và không gian, thì 2 bờ của nó, có thể ví như sự tương quan giữa một bên là chính quyền, và bên kia là các doanh nghiệp, phải thực sự là những mối quan hệ hòa bình. Những câu trả lời sắp tới ở Đình Lập nói riêng, cũng như nhiều nơi khác nói chung về mối quan hệ máu thịt giữa những đối tượng này, sẽ chính là con đường dẫn tới sự hòa bình đó... 

    Nguồn (CIRUM)

Bài viết khác