Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Ngày Kỵ Gió của người Dao đỏ xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, Lào Cai

  • Mỗi dân tộc đều có những ngày kiêng kỵ trong năm. Dân tộc Dao đỏ xã Dền Sáng cũng vậy. Người dân nơi đây có nhiều ngày kiêng kỵ khác nhau: những ngày kiêng sau Lễ Cúng rừng ngày 1 tháng Giêng, ngày kiêng Gió, kiêng Sấm, kiêng Sét…..,trong đó Kiêng Gió thực sự là một hoạt động văn hóa tâm linh thú vị.
    Người Dao đỏ xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cao lấy ngày 20 tháng Một âm lịch làm ngày Kiêng Gió. Vào ngày này, mọi thành viên của gia đình sẽ nhẹ nhàng đi khỏi nhà từ rất sớm và trở về nhà sau 4 giờ rưỡi 5 giờ chiều khi mặt trời đã dần khuất xuống núi. Họ có thể tụ tập bất cứ đâu đó với nhau nhưng không phải ở trong nhà.
    Vào ngày đó từng thành viên của các hộ dân lặng lẽ ra khỏi nhà rất sớm và trở về rất muộn. Kể cả bữa trưa họ cũng dùng nhẹ ở ngoài trời. Họ để lại trong nhà mọi thứ cho Thần Gió. Họ không ở lại nhà ngày này vì quan niệm là nếu có sự hiện diện của họ Thần Gió sẽ không vào nhà. Họ ra đi, Thần gió sẽ vào nhà và đưa đi tất cả những rủi ro, những điều buồn tủi hay những gì phiền muộn của mỗi thành viên và gia đình chất chứa trong năm cũ. Thần Gió cũng sẽ rửa sạch không khí và đặt vào nhà họ những niều vui mới, điều may mắn mới, sức khỏe và hạnh phúc no ấm cho mọi thành viên. Niềm tin đó được giữ vững qua nhiều thế hệ và cho đến tận hôm nay.



    Thôn Dền Sáng yên tĩnh không có người trong các ngôi nhà ngày Kỵ Gió

     
    Thôn đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là thôn Dền Sáng. Thôn nằm gần UBND xã nhất. Trên đường đi, chúng tôi quan sát chung quanh thấy từng nhiều nhóm lớn, nhỏ phụ nữ ngồi rải rác, khi trên những quả đồi hoặc khi trên bãi cỏ rộng ven đường và đôi bàn tay thoăn thoắt thêu dệt các tấm thổ cẩm. Chỉ thấy toàn là phụ nữ và con trẻ. Trên lưng các bà, các mẹ và các em gái là nhiều đứa trẻ ngủ say nồng và lắc qua lắc lại theo nhịp thêu của các bà, các mẹ.
     

    Nhóm phụ nữ thôn Ngải Chồ ngày Kỵ Gió
     
    Quan sát các nhóm, chúng tôi có ý nghĩ về một bức tranh là xã Dền Sáng sẽ có rất nhiều các tổ hợp tác phát triển thổ cẩm. Đây là nét văn hóa của phụ nữ Dao đỏ nói chung và các bà, các mẹ các chị Dao đỏ Dền Sáng nói riêng. Đã là phụ nữ Dao đỏ không ai lại không biết thêu dệt thổ cẩm. Người phụ nữ đi đâu cũng mang theo đồ thêu đi tới đó. Và ngày hôm nay, Ngày Kỵ Gió những người phụ nữ Dao đỏ thôn Dền Sáng đang nhẫn nại giữa thiên nhiên, bên những đứa con, đứa cháu, cạnh những khu rừng đang thực hiện nghi lễ Kỵ Gió theo cách của chính họ. Họ thêu dệt nên những tấm thổ cẩm với những hoa văn được lấy cảm hứng từ dáng vẻ của rừng núi, thiên nhiên, cây cỏ và chim muông. Công việc của họ đã tạo ra những sản phẩm biểu hiện đầy đủ của sự trân trọng, tôn vinh và biết ơn với Thần Gió, Thần Rừng và các vị thần khác qua các họa tiết rất tinh xảo và sinh động. Để tránh chạm vào điều nhạy cảm, cấm kỵ trong ngày Kỵ Gió tôi lại gần một bà mế  và hỏi là liệu “bà con đang Kỵ Gió mà anh em đoàn công tác muốn chụp một vài bức ảnh kỷ niệm thì có kỵ không”. Cả nhóm phụ nữ cùng cười và vui vẻ với những câu rất ngắn và rất thân thiện “Không đâu. Cứ chụp. Mà xấu lắm. Chụp không đẹp đâu”. Thật hồn nhiên, thân thiện và thú vị. Dịp trở lại nghiên cứu chính thức chắc chắn tôi sẽ gửi tới các bà các chị những bức ảnh chúng tôi đã chụp.
    Tạm biệt bà con, chúng tôi ra về trong bầu không khí tâm linh với nhiều điều thú vị. Anh cán bộ Kiểm lâm địa bàn chia sẻ “mới hôm qua thôi mưa và rét run người, vậy mà hôm nay đúng ngày Kỵ Gió trời quang mây tạnh, nắng ấm tràn về anh à. Thật linh”. Chúng tôi nghĩ có điều gì đó thật sự thiêng liêng và tin tưởng rằng những gì bà con mong muốn cho một năm tới sẽ được các đấng thần linh phù hộ và đưa tới. Những vị thần đó vẫn hiển hiện trên những cánh rừng, trong mỗi làn gió, trong tiếng ồn ào thác chảy và trong trái tim mỗi con người dân nơi đây.

Bài viết khác