Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Nâng cao nhận thức về trồng rừng và làm giàu rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa



  • Buổi chia sẻ đã diễn ra tại Mô hình đào tạo nông dân sinh thái Si Ma Cai (FFS Simacai), tỉnh Lào Cai vào ngày 18 tháng 3 năm 2016, với sự tham gia của 25 thành viên, bao gồm đại diện lãnh đạo địa phương, các thành viên/điều phối viên MLĐR, bà con sinh sống trong địa bàn huyện Si Ma Cai và các cán bộ của CIRUM.



    Anh Giàng A Sử, người dân tộc H’Mông, hiện là Quản lý mô hình trồng trọt – chăn nuôi theo hướng Nông nghiệp Sinh thái tại FFS Si Ma Cai, giới thiệu với mọi người bốn khu chức năng của mô hình ( khu sản xuất nông- lâm nghiệp, khu chăn nuôi – trồng trọt, mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp bản địa và rừng tái sinh). Sau đó, một phóng sự ngắn do Đài Truyền hình huyện Simacai và trung tâm CIRUM thực hiện được trình chiếu. Phóng sự giới thiệu về vai trò của cây gỗ bản địa, rừng hỗn loài đối với cuộc sống trước mắt và lâu dài của dân bản.



    Ông Lê Kiên Cường, điều phối viên MLĐR tỉnh Lạng Sơn chia sẻ các hoạt động của MLĐR liên quan đến bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa tại các vùng dự án trên 6 tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và Kon Tum. Các hoạt động của MLĐR mong muốn có sự tham gia của các lãnh đạo địa phương và đặc biệt là phụ nữ, đồng thời tạo cơ hội để các thành viên chia sẻ những kinh nghiệm của chính họ trong việc bảo vệ và phát triển rừng tôn trọng giá trị của luật tục và các giống cây bản địa.
    .



    Các thành viên sau đó được chia thành 5 nhóm tham gia các hoạt động tập thể. Trong hoạt động đầu tiên, các nhóm sẽ tìm ra những loài cây bản địa phát triển tốt trong vùng họ sinh sống, và những loại cây nào có thể được trồng xen kẽ với nhau.



    Những loài cây bản địa sau khi được liệt kê sẽ xếp thành 5 nhóm: nhóm cây gỗ dài ngày, nhóm cây trung ngày, và nhóm cây ngắn ngày kết hợp cây ăn quả và cây thuốc nam. Các thành viên cũng chia sẻ về cách trồng những loại cây bản địa này trong phần đất rừng được giao để có thể thích ứng với điều kiện môi trường của vùng.



    Những khó khăn như việc tìm kiếm nguồn giống chất lượng, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hay việc kĩ thuật chưa đủ cao để đảm bảo tỉ lệ sống của cây giống cũng được các đại biểu nên lên. Các thành viên mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nguồn giống cũng như các khóa đào tạo về kĩ năng trồng rừng.



    Anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán bày tỏ nỗi lo ngại về cơ chế hiện nay đối với việc phát triển và bảo vệ rừng tại xã mình. Theo anh Sơn, chúng ta cần tận dụng những quy ước, hương ước, luật tục trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, vì Luật Nhà nước không thực sự hiệu quả ở cấp địa phương. Hiện nay, sự hỗ trợ của nhà nước cho việc trồng và tái tạo rừng là rất thấp, ví dụ như mức phí chi trả dịch vụ rừng cho 1 ha chỉ vào khoảng 19,000 đồng/năm. Chính vì vậy, cần có nhiều hỗ trợ về tài chính hơn để giúp bà con ổn định cuộc sống.



    Bà Trần Thị Đào, đại diện thành viên MLĐR tỉnh Hà Tĩnh kể lại câu chuyện bảo vệ và phát triển rừng của chính gia đình mình và trong cộng đồng. Bà kể, “Trồng rừng đã khó, bảo vệ rừng còn khó hơn. Trước hết cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong gia đình về quản lý rừng, mang lại lợi ích cho chính gia đình mình. Từng người đều phải có trách nhiệm cho việc bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp đó, tiếng nói chung của cộng đồng cũng vô cùng quan trọng. Mỗi khi có người phát hiện có vấn đề xảy ra với rừng, dân làng sẽ được thông báo bằng điện thoại, cùng nhau họp lại và xử lý vấn đề. Thôn chúng tôi cũng có những quy định riêng trong việc bảo vệ rừng chung và được mọi người tuân theo. Bằng cách này, rừng của chúng tôi được bảo vệ rất tốt, chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được nó”. Gia đình tôi nhận sổ đỏ từ năm 2002, hiện chúng tôi đang quản lý 26 ha rừng rất tốt, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.



    Gia đình ông Hà Văn Châu, dân tộc Tày, đến từ tỉnh Lạng Sơn nhận Sổ đỏ năm 2007 với 24.6 ha đất rừng. Ông Châu là Phó điều phối viên MLĐR tại Lạng Sơn, nhấn mạnh những ích lợi kinh tế, môi trường mà việc bảo vệ rừng mang lại, trước hết là cho chính gia đình mình. Diện tích đất rừng của ông hiện cung cấp nước cho hơn 2 ha đồng ruộng của làng. Mô hình của ông đã khích lệ rất nhiều hộ trong cộng đồng bắt đầu tham gia trồng và bảo vệ rừng.



    Anh Lèng Văn Sường, dân tộc Nùng, hiện đang sống tại xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, quản lý 4 ha rừng nhận từ cha mẹ. Theo anh, lợi ích của việc tái tạo rừng có thể chưa thể thấy ngay trước mắt, nhưng trong khoảng 5-10 năm tới, đây sẽ là một khối tài sản lớn. “Chúng ta không thể chỉ ngồi đó và chờ rừng tự mọc, mà chúng ta phải tự trồng rừng. Trong vài năm tới, tôi sẽ tiếp tục trồng các cây lâm nghiệp bản địa”, anh Sường chia sẻ. Anh cũng đề xuất nhà nước cần tăng cường các chính sách hỗ trợ việc bảo vệ và phát triển rừng, vì như hiện tại gia đình anh chỉ nhận được 500,000 đồng phí dịch vụ cho 4 ha rừng trong thời gian 3 năm.



    Các đại biểu sau đó đã thăm quan vườn ươm cây lâm nghiệp bản địa của mô hình.Với diện tích hơn 6000m2, vườn ươm hiện đã ươm được 1 vạn cây lát, 3 vạn cây xoan đào, 1 vạn cây mỡ, 15 vạn cây sa mộc, 3000 cây sưa đỏ, 6000 cây mận Tả Van.



    Đến cuối chương trình, các thành viên bày tỏ sự thích thú với những kiến thức học hỏi được về việc tiềm năng phát triển các loài cây bản địa trong chính khu rừng của mình. 10 thành viên đã tình nguyện tham gia MLĐR tỉnh Lào Cai, nâng tổng số các thành viên MLĐR lên 16, trong đó có 1 phụ nữ người H’Mông, sẵn sàng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
    (CIRUM/LandNet)

Bài viết khác