Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Nâng cao nhận thức và năng lực lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển cộng đồng

  • Trong 2 ngày, từ mồng 1 đến mồng 2 tháng 12 năm 2014, tại hội trường tầng 5, ngõ 535 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, Trung tâm CIRUM đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao nhận thức và năng lực lồng ghép giới vào các hoạt động phát triển cộng đồng”. Điều phối toạ đàm là bà Anita, tình nguyện viên người Úc đang hỗ trợ các hoạt động về giới và phát triển nguồn nhân lực của trung tâm CIRUM.
     

    Tham gia Toạ đàm có 25 thành viên nòng cốt là người dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mã Liềng, Dao đỏ đến từ Hội phụ nữ và MLĐR ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
     
    Mở đầu Toạ đàm, các thành viên đã được bà Anita chia sẻ về vai trò, ý nghĩ về giới, giới tính và sự lồng ghép giới trong các hoạt động. Theo đó nếu có sự tham gia của nam và nữ trong các công việc gia đình, cộng đồng cũng như ngoài xã hội thường sẽ đảm bảo tính hiệu quả.
    ­­
    Để hiểu sâu hơn nội dung trên, Tọa đàm đã đưa ra các bài tập để các thành viên thực hành, các thành viên được phân thành nhóm, cùng thảo luận và trình bày trên giấy A0. Các thành viên đã thảo luận cởi mở, sôi nổi, vui vẻ về những vấn đề thực tế tại cộng đồng, địa phương họ liên quan đến vấn đề giới như: các công việc mà đàn ông và phụ nữ thường làm trong gia đình, cộng đồng, xã hội; vai trò quyết định của đàn ông và phụ nữ...

     
    Bà Dương Thị Dần - dân tộc Tày (Hữu Lũng, Lạng Sơn) chia sẻ: Hiện bà là Chủ tịch phụ nữ của xã Hoà Sơn, đã được nghe nói về giới và bình đẳng giới, tuy nhiên thông qua toạ đàm, bà hiểu sâu hơn về giới, giới tính, đặc biệt là tính cần thiết của việc lồng ghép giới trong các hoạt động. Bà khẳng định sẽ vận dụng những kiến thức này để tuyên truyền và triển khai trong các hoạt động tại địa phương.
     
    Còn anh Chảo Lão Khờ - Dân tộc Dao đỏ (Bát Xát, Lào Cai) chia sẻ “Đây là lần đầu tiên tôi phân biệt được thế nào là giới, thế nào là giới tính và bình đẳng giới. Thực tế ở quê tôi thì phụ nữ vẫn là người làm nhiều việc hơn đàn ông. Sau khi trở về nhà, tôi sẽ san sẻ các công việc cùng vợ con và chia sẻ lại với bà con của mình để góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong các hoạt động tại cộng đồng.
     
    Từ kết quả thảo luận cho thấy, phụ nữ thường là người đảm đương nhiều công việc hơn đàn ông, nhưng các quyết định thường tập trung ở nam giới. Tuy vậy, các thành viên trong Tọa đàm đều cho rằng đó là những vấn đề có thể thay đổi được như: nam và nữ đều có thể làm việc nhà, đều có thể làm các công việc xã hội...Ví dụ về sự thay đổi này, ông Tẩn Duần Chẳn, dân tộc Dao đỏ (Bát Xát, Lào Cai) nói rằng, đối với người Dao đỏ thì trước đây chỉ nam giới mới được làm lễ Cấp sắc (một lễ cúng để công nhận người nam giới đó đã trưởng thành, có thể làm các công việc khác như làm thầy cúng...) nhưng ngày nay, nam giới và nữ giới đều được làm Cấp sắc.

     
    Cũng tại toạ đàm, CIRUM đã chia sẻ về chính sách giới của tổ chức. Đây là những bài học được đúc rút từ những hoạt động phát triển tại cộng đồng cũng như triết lý hoạt động của tổ chức. Theo đó, quyền bình đẳng giữa nam và nữ ngay trong tổ chức và mọi hoạt động phát triển hỗ trợ bởi CIRUM tại các cộng đồng được lồng ghép phù hợp.
     
    Buổi toạ đàm là không gian cởi mở để cho các đại diện thảo luận và nâng cao hiểu biết các vấn đề giới, vai trò của giới, bình đẳng giới trong các hoạt động. Đồng thời giúp CIRUM xây dựng định hướng cho các hoạt động phát triển cộng đồng và thực hiện chính sách giới có hiệu quả.
     
    Bá Thẩm – CIRUM

Bài viết khác