Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Minh Sơn và Đồng Thắng trong Qui hoạch Bảo tồn Đa dạng Sinh học dựa vào Cộng đồng tại Lạng Sơn

  • Ngày 12 tháng 12 năm 2013, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 132 / 2013/NQ-HĐND về việc thông qua Qui hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn đến năm 2020, trong đó xã Minh Sơn (huyện Hữu Lũng) và Đồng Thắng (huyện Đình Lập) là những điểm triển khai, nghiên cứu để mở rộng.

    Xã Minh Sơn (huyện Hữu Lũng) trong qui hoạch bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng của tỉnh Lạng Sơn

    Theo đó, Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát cho việc qui hoạch nhằm bảo tồn và nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý và phát triển các loài, sinh cảnh bị suy thoái; duy trì và phát triển các nguồn gen quý hiếm; bảo vệ tốt môi trường sinh thái, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh; xây dựng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.

    Bên cạnh việc quy hoạch bảo tồn các loài động vật, thực vật quí hiếm, đến năm 2020 tỉnh sẽ xây dựng hệ thống các Khu bảo tồn và Hành lang đa dạng sinh học, trong đó có Khu Bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, Khu Bảo tồn Mẫu Sơn, Khu Bảo tồn Lâm Ca - Đồng Thắng, Khu Bảo tồn Bắc Sơn, Khu Bảo tồn Mỏ Rẹ. Trong đó, khu Bảo tồn Lâm Ca - Đồng Thắng sẽ thuộc diện bảo tồn loài sinh cảnh cấp tỉnh với diện tích 6.214 ha.

    Một trong những điểm mới trong Nghị quyết trên đây đó là việc yêu cầu công tác qui hoạch xây dựng các khu bảo tồn đa dạng sinh học cần dựa vào cộng đồng người dân. Theo đó, Qui hoạch cần nghiên cứu, để xuất thêm 02 mô hình khôi phục, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, bảo tồn nguồn gen quý dựa vào cộng đồng thông qua Dự án "Nâng cao năng lực quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng" do Trung tâm CIRUM đã và đang triển khai tại thôn Hố Mười, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng.

    Trung tâm CIRUM bắt đầu nghiên cứu hoạt động tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vào năm 2009. Với sự hợp tác tích cực và cho phép của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của cộng đồng, Trung tâm đã triển khai mô hình sinh kế bền vững ở quy mô nhỏ như là một cơ sở tiếp cận cộng đồng (chăn nuôi gà dưới tán rừng). Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm phối kết hợp với UBND huyện Hữu Lũng, UBND xã Minh Sơn và các ban ngành liên quan các cấp, cùng cộng đồng thôn Hố Mười thực hiện Mô hình “Khôi phục và phát triển rừng đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng”.

    Cho đến nay, Mô hình trên đã đạt được một số kết quả tích cực như hỗ trợ người dân địa phương có được quỹ đất từ các Lâm trường để giao đất lại cho các hộ gia đình và cộng đồng cũng như nâng cao nhận thức cho người dân địa phương trong các hoạt động tái sinh và bảo vệ rừng phòng hộ. Các hoạt động quy hoạch mô hình dựa vào kinh nghiệm bản địa đã được triển khai có hiệu quả như xây dựng vườn ươm cây lâm nghiệp bản địa, quy hoạch vùng tái sinh, trồng cây lâm nghiệp bản địa. Các hoạt động này do cộng đồng tổ chức thực hiện dưới sự điều phối của chính quyền địa phương và ban ngành chuyên môn.
     
    Khảo sát cây thuốc nam của Mạng lưới Thầy thuốc nam truyền thống do CIRUM hỗ trợ

    Bên cạnh đó, Nghị quyết trên đây của HĐND Lạng Sơn cũng xác định Đồng Thắng là một trong những điểm quan trọng trong Qui hoạch thuộc 02 hành lang đa dạng sinh học của tỉnh, gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên và Khu bảo tồn Mỏ Rẹ với diện tích 723 ha và Khu bảo tồn Mẫu Sơn, Lâm Ca - Đồng Thắng với diện tích 2.184 ha. Đây là những điểm đã được Trung tâm CIRUM nghiên cứu và hỗ trợ từ năm 2009 đến nay thông qua Dự án“Sử dụng và quản lý rừng tự nhiên dựa vào kiến thức bản địa thông qua các Nhóm thầy thuốc nam truyền thống và Dự án "Nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào công đồng”.

    Những kinh nghiệm và mô hình thực tiễn thành công thực hiện bởi người dân và chính quyền địa phương cùng với sự tư vấn và hỗ trợ của Trung tâm CIRUM trong thời gian qua tại Lạng Sơn sẽ có giá trị không chỉ mang tính thực tiễn mà còn là phương pháp luận tiếp cận để giúp Nghị quyết 132 trên đây thực sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo tồn bền vững tính đa dạng sinh học và ổn định đời sống của nhân dân địa phương.

    Mạng lưới Đất Rừng (LandNet)

Bài viết khác