Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Mạng lưới Đất Rừng Quế phong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền sinh kế cho cộng đồng bản Pỏm Om

  • Pỏm Om là một trong mười một bản thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Bản có 70 hộ gia đình là người dân tộc Thái đen, tọa lạc trên những quả đồi thấp soi bóng xuống dòng sông Nâm Việc thơ mộng, hữu tình. Từ xưa đến nay, rừng và đất rừng vốn là không gian sinh tồn của các cộng đồng người dân tộc nói chung, người Thái nói riêng. Người Thái đen huyện Quế Phong cũng không nằm ngoài mối quan hệ khăng khít đó. Sống ở rừng, sử dụng đất rừng làm nương rẫy, chăn thả gia súc gia cầm, thu hái măng củi, lâm sản xây cất nhà ở, chuồng trại. Đồng thời đất rừng cũng là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, với những khu rừng thiêng như Lắc Xưa (vùng thờ những người khai đất lập bản), Sần (rừng thiêng, để tổ chức các lễ truyền thống), Đống (rừng nghĩa địa). Người dân tự chọn đất làm nhà làm rẫy theo cách truyền thống của mình. Ranh giới của mỗi hộ, mỗi gia đình đều được mọi người trong cộng đồng thừa nhận, tôn trọng. Chính từ sự khăng khít và thống nhất trong cấu trúc cộng đồng nên mỗi khi có các vấn đề phát sinh trong sử dụng đất rừng, mọi người trong cộng đồng đều có thể tự điều chỉnh. Người Thái có bề dày kinh nghiệm trong việc dùng cây rừng làm thuốc chữa bệnh, làm thức ăn và nấu nước uống. Có nhiều bài thuốc chữa được các bệnh nan y, cứu sống nhiều người trong và ngoài cộng đồng. Với quan niệm “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, cho nên các cộng đồng người Thái rất quý trọng rừng, sống thân thiện với rừng. Thuở xa xưa, dân cư thưa thớt, tài nguyên rừng còn nhiều, đời sống dân bản tuy không dư dật nhưng quanh năm đủ ăn.
     
    Vị trí bản Pỏm Om

    Sau khi giành được chính quyền năm 1945, rừng núi, hầm mỏ thuộc về sở hữu nhà nước. Đất và rừng tự nhiên ở nhiều nơi trong cả nước được giao cho các Lâm trường Quốc doanh quản lý khai thác, sử dụng. Trải qua nhiều năm, các Lâm trường đã khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, mà Hạnh Dịch cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Cho đến khi kinh tế lâm nghiệp lâm vào khủng khoảng, chính quyền địa phương quy hoạch rừng tự nhiên nghèo để trồng cao cu, chè với quy mô 9.000 ha, trong đó xã Hạnh Dịch có gần 5.000 ha. Đất và rừng phía sau bản Pỏm Om được quy hoạch sử dụng cho chương trình trồng cao su, trong đó bao gồm cả diện tích rừng có nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của cộng động, cùng với toàn bộ diện tích rừng tâm linh, diện tích rừng thuốc nam của bản.

    Tình trạng trên dẫn đến nguy cơ không gian sinh tồn của cộng đồng bị thu hẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở đây vốn đang khốn khó lại phải đối mặt với thách thức mới: thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, thiếu nước sạch…. Theo báo cáo của nhóm công tác Viện SPERI về kết quả điều tra đánh giá nhanh về thực trạng quản lý đất rừng tại xã Hạnh Dịch, bản Pỏm Om có 170 m2 đất nông nghiệp / nhân khẩu, tỷ lệ đói nghèo 80%.

    Từ  thực tế đó, bà con dân bản Pỏm Om đã thỉnh cầu ý nguyện lên chính quyền địa phương, đề nghị giao đất, giao rừng cho cộng đồng theo tinh thần Thông tư liên tịch 07/2011của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. Nhận thấy đề nghị được nhận chăm sóc bảo vệ rừng là nhu cầu chính đáng của bà con, chính quyền huyện Quế Phong đã chấp thuận và tạo mọi điều kiện để cộng đồng bản Pỏm Om được nhận chăm sóc và bảo vệ những khu rừng tâm linh, rừng bảo vệ nguồn nước có giá trị trong phạm vi của bản. Sau khi được trao quyền sử dụng 426,52 ha, dân bản Pỏm Om đã thực hiện nghiêm minh bản quy hoạch sử dụng đất, do cộng đồng xây dựng và được UBND huyện Quế Phong phê chuẩn.

    Để công tác quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, một mô hình đang còn rất mới mẻ ở khu vực này đạt được kết quả tốt, sau khi tìm hiểu thông tin từ Mạng lưới đất rừng, được biết ở nhiều nơi trong cả nước, nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số đã xây dựng được các mô hình quản lý rừng cộng đồng bền vững và hiệu quả, cộng đồng bản Pỏm Om đã cử các đại diện đi tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý bảo vệ rừng. Không chỉ có thế, sau khi tham gia vào một số các hoạt động của Mạng lưới đất rừng, nhiều thành viên bản Pom Om đã đăng ký tham gia thành viên Mạng lưới đất rừng khu vực Quế Phong và tích cực tham gia lực lượng tuần tra, bảo vệ toàn bộ chủ quyền sinh kế của cộng động.

    Cộng đồng bản Pỏm Om những tưởng sau khi đã có bìa đỏ, rừng và đất rừng, nguồn sống ngàn đời nay của họ sẽ không còn bị ai nhòm ngó nữa. Nếu có lo chăng cũng chỉ là việc các cộng đồng liền kề xâm hại chút ít trong quá trình sử dụng... Thế nhưng thực tế lại diễn ra theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Trong khi các cộng đồng liền kề tại đây luôn tôn trọng ranh giới rừng và đất rừng cùng với chủ quyền sinh kế của nhau, ếu họa hoằn đây đó một vài cá nhân vi phạm thì lập tức được cộng đồng nhắc nhở răn đe, để rồi sau đó chẳng mấy ai tái diễn thì điều lo lắng của họ về sự xâm hại, lấn chiếm đất đai của các "ông lớn" trước đây lại trở thành sự thật. Nhóm tuần tra, bảo vệ chủ quyền sinh kế đã phát hiện nông trường Cao su Quế Phong trồng cao su trên đất đã giao cho cộng đồng bản Pỏm Om. Mặc dù cái lý hoàn toàn thuộc về người dân, nhưng khi Nhóm tuần tra lên tiếng nhắc nhở cán bộ quản lý nông trường thì họ trả lời rằng đây là vùng đất đã được quy hoạch cho nông trường trồng cao su... Không còn cách nào khác nhóm tuần tra báo cáo Ban quản lý bản Pỏm Om và Mạng lưới đất rừng khu vực Quế Phong. Thôn bản báo cáo vụ việc lên chính quyền, nhưng ngay sau đó có thông tin dội lại: Đất đã quy hoạch trồng cao su, phải để cho nông trường làm để tạo ra sản phẩm cho xã hội… Trước cách giải thích như vậy, các thành viên Mạng lưới Đất Rừng không nhất trí và đề nghị 2 bên cùng mang bìa đỏ ra đối thoại trực tiếp. Kết quả là Nông trường Cao su Quế Phong chưa hề được nhà nước giao đất hay cho thuê đất.

    Giải thích về thực trạng vô lý đó, ông Sầm quốc Việt, một Điều phối viên Mạng lưới Đất Rừng khu vực Quế Phong đã cho biết: Tổng đội Thanh niên Xung phong Xây dựng 7- Xây dựng kinh tế khi được thành lập đã đưa ra dự án lấy 9.000 ha đất của các xã Tiền Phong, Hạnh Dịch, Mường Nọc để gọi là làm đầu tàu phát triển kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học cho nông dân, làm nòng cốt cho phong trào xóa đói giảm nghèo. Bước đầu triển khai trồng chè, nhưng sau 10 năm không đem lại hiệu quả, thì năm 2012 Tổng đội được tỉnh cho phép chuyển đổi thành Nông trường Cao su Quế Phong. Hiện nay, Nông trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng lại được cấp tỉnh cho phép cứ làm, làm được đến đâu sẽ làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất đến đó sau. Thế là Nông trường cứ làm theo khả năng của mình mà không cần biết đó là đất thuộc địa phận hành chính của xã nào và đã được giao cho ai quản lý...”

    Trước tình trạng đó, các thành viên Mạng lưới Đất Rừng đã đề nghị UBND xã Hạnh Dịch tiến hành kiểm tra hiện trường và có biện pháp xử lý. Ngày 29/5/201, tại Văn phòng Nông trường Cao su Quế Phong, ông Lương Tiến Lê, chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, ông Hồ Văn Mười Giám đốc Nông trường Cao su Quế Phong, ông Lê Văn Phượng - Trưởng bản Pỏm Om, ông Kim văn Đại - Phó bản Pà Cọ cùng một số đại biểu của UBND xã Hạnh Dịch, Nông trường Cao su Quế Phong đã cùng nhau lập biên bản Xác định ranh giới đất giữa UBND xã Hạnh Dịch và Nông trường Cao su Quế Phong tại tiểu khu 85, 86 (Pù Mai). Theo đó, nông trường cao su Quế Phong được xác định là đã trồng cao su trên đất nhà nước đã giao cho cộng đồng bản Pỏm Om. Trước tình trạng như vậy, Hội nghị đã yêu cầu Nông trường Cao su Quế Phong ngừng ngay việc san ủi quá vào diện tích đã được giao cho cộng đồng dân cư bản Pỏm Om tại tiểu khu 85 theo giấy CNQSDĐ cấp ngày 30/7/2012 của UBND huyện Quế Phong và đất quy hoạch để giao cho cộng đồng bản Pà Cọ.  

    Vị trí, quy mô diện tích, nông trường Cao su Quế Phong đã lấn chiếm của các bản trên địa bàn xã Hạnh Dịch được thể hiện trên biên bản, có chiều dài từ 1- 3 là 254 m thuộc địa phận hành chính bản Pà Cọ, từ điểm 3 - 8 là 530 m thuộc địa phận hành chính bản Pỏm Om, tổng diện tích đã san ủi quá là 1,17 ha.
     
    Qui hoạch trồng Cao su của Nông trường Cao su Quế Phong trên địa phận bản Pỏm Om

    Tuy nhiên, có lẽ đã thành thói quen qua thái độ coi thường người dân và chính quyền cơ sở, bên ngoài hành lang của buổi làm việc, Giám đốc Nông trường Cao su Quế Phong mặc dù ký vào biên bản xâm lấn vào diện tích của 02 bản trên, nhưng vẫn cho rằng nông trường không biết diện tích này đã được cấp bìa đỏ cho cộng đồng, nên đã san ủi lấn sang diện tích đó và đề nghị người dân chấp nhận thực tế đã xẩy ra và đề nghị chính quyền xã và huyện giao phần đất đã xâm lấn cho Nông trường sử dụng. Ý kiến của Giám đốc Nông trường đã bị các thành viên mạng lưới không đồng tình. Nhiều người đưa ra bằng chứng cho rằng hôm làm lễ trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng Pỏm Om có mời đại diện nông trường cao su tham dự, nên không thể nói là không biết. Tuy nhiên, trước sự việc đã lỡ của Nông trường thì giải pháp tốt nhất là chuyển giao số cây cao su đã trồng cho cộng đồng bản Pỏm Om chăm sóc, nếu không Nông trường sẽ phải di chuyển ra khỏi khu vực đất đã giao cho cộng đồng... Còn ông Lương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch thì “Nông trường Cao su Quế Phong thường làm theo kiểu ‘tiền trạm hậu tấu’, và họ tìm mọi cách để đạt được”.

    Mong muốn của cộng đồng Pỏm Om và mong muốn của ông Giám đốc Nông trường Cao su Quế Phong trong giải pháp khắc phục sự việc này đã không gặp nhau. Đây cũng là điều dễ hiểu. Dân gian đã tổng kết: "Cứt trâu để lâu hóa bùn". Việc để cho Nông trường Cao su Quế Phong tiếp tục được chăm sóc và thu hoạch cây cao su đã trồng trên đất của bản không thể biết sẽ đi đến kết cục ra sao. Các thành viên Mạng lưới Đất Rừng khu vực Quế phong nhận thức sâu sắc cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền sinh kế của cộng đồng Pỏm Om không thể một sớm một chiều, mà phải kiên trì bèn bỉ, ôn hòa mới có thể giành thắng lợi. Từ suy nghĩ đó, các thành viện Mạng lưới khu vực cùng với người dân bản Pỏm Om đã liên tục kiến nghị lên UBND xã Hạnh Dịch yêu cầu có biện pháp xử lý triệt để. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện Quế Phong, nhiều cử tri đã đưa ra ý kiến yêu cầu huyện có biện pháp xử lý vấn đề nông trường cao su Quế Phong lấn chiếm đất đã giao cho cộng đồng và yêu cầu phải tập trung giải quyết dứt diểm trong một thời gia nhất định. Ngày 24 tháng 7 năm 2013, UBND xã Hạnh Dịch đã có báo cáo và kiến nghị số 80/ BC- UBND gữi UBND huyện Quế Phong. Ngày 02 tháng 8 năm 2013 Chủ tịch UBND huyện Quế Phong ban hành thông báo kết luận số 121/TB - UBND của chủ tịch UBND huyện Quế Phong tại phiên họp thường kỳ UBND huyện tháng 7 năm 2013 về việc kiểm tra giải quyết kiến nghị của UBND xã Hạnh Dịch tại Báo cáo số 80/BC- UBND ngày 24/7/2013. Ngay sau đó, UBND huyện Quế phong đã chỉ đạo các phong ban chức năng, kiểm tra, đề xuất phương án xử lý.

    Trước thái độ kiên quyết của người dân, ngày 13/8/2013 Phòng TN&MT Quế Phong đã tiến hành làm việc với các bên liên quan gồm UBND xã Hạnh Dịch, Hạt Kiểm lâm, Nông trường Cao su Quế Phong, Ban Quản lý bản Pỏm Om và Pà Cọ xã Hạnh Dịch để đi kiểm tra thực tế tại hiện trường làm rõ kiến nghị của UBND xã Hạnh Dịch. Tiếp đó, đến ngày 21/8/2013, UBND huyện Quế Phong đã ban hành văn bản số 654/UBND.TN về việc giải quyết vấn đề Nông trường Cao su lấn đất cộng đồng bản Pỏm Om và Pà Cọ xã Hạnh Dịch. Trong nội dung văn bản kết luận rõ 3 vấn đề cơ bản:
    • Nông trường Cao su Nghệ An không được tiếp tục san ủi, khai hoang trồng cây lấn sang phần đất đã giao cho cộng đồng bản Pỏm Om và Pà Cọ quản lý và sử dụng tại thửa số 179 khoảnh 5 và 180 khoảnh 7 thuộc tiểu khu 85, bản đồ giao đất lâm nghiệp 163.
    • Đối với 280 cây Nông trường Cao su đã trồng trên phần đất lấn sang của cộng đồng Pỏm Om và Pà Cọ, yêu cầu Nông trường chuyển dời đi trồng vị trí khác, để trả lại phần diện tích đó cho cộng đồng 2 bản sử dụng đúng mục đích đã giao.
    • Cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương khi triễn khai dự án trên địa bàn, để bốc tách nhứng phần đất đã được cấp có thẩm quyền giao đất cho người dân và thôn bản quản lý, tránh tình trạng nhầm lẫn đáng tiếc xẩy ra như trên.
    Kết luận của UBND huyện Quế Phong có thể coi là kết quả của quá trình vận động mà Mạng lưới Đất Rừng khu vực Quế Phong, cộng đồng bản Pỏm Om với sự kết hợp nhuần nhuyển và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền sinh kế của cộng đồng. Bài học kinh nghiệm rút ra từ câu chuyện này là: Muốn bảo vệ được chủ quyền sinh kế của người dân trước hết không gian sinh tồn của cộng đồng phải được khẳng định bằng việc các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng cho cộng đồng. Không chỉ có thế, mà ngay khi đã có chủ quyền, các Cộng đồng phải liên kết lại, tổ chức quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng đất và rừng theo luật tục và luật pháp, hình thành Mạng lưới thành viên, thường xuyên cập nhật thông tin, giữ mối liên hệ chặt chể nhằm tư vấn, hổ trợ trong quản lý khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và chung tay bảo vệ và đấu tranh với mọi hành vi, dù vô tình hay hữu ý, lấn chiếm gây tổn hại đến chủ quyền sinh kế của cộng đồng.

    Sau quá trình GĐGR dựa vào cộng đồng cho bản Pỏm Om, niềm tin và sức mạnh cộng đồng, nhận thức của người dân đã thay đổi, nhất là về chính sách đất đai. Qui hoạch, qui chế được dựa trên quy hoạch truyền thống của cộng đồng.Người dân không chỉ hiểu rõ quy hoạch, ranh giới và quy chế quản lý bảo vệ. Quan trọng hơn, niềm tin truyền thống, tri thức và thiết chế truyền thống của họ được thể chế hoá bởi chính sách của Nhà nước. Các nền tảng trên giúp cộng đồng có đủ tự tin và giám đứng lên bảo vệ lẽ phải, dù cho họ phải đối mặt với các nhóm có quyền lực và tiềm lực. Niềm tin này đã giúp cho người dân bản Pỏm Om không những không đồng tình với đề xuất "coi thường" của ông Giám đốc Nông trường Cao su Quế Phong mà họ còn tiếp tục có văn bản gửi UBND xã và huyện cần có biện pháp xử lý hành vi xâm hại và chịu trách nhiệm bồi thường cho cộng đồng như đã đề cập ở trên. Theo đánh giá của ông Lương Quốc Việt, thì  “sau khi GĐGR cho cộng đồng bản Pỏm Om năm 2012, người dân có cách nhìn, cách suy nghĩ và trách nhiệm mới hơn về chăm sóc và bảo vệ rừng”.

    Câu hỏi đặt ra là tại sao Nông trường Cao su Quế Phong cũng xâm lấn vào diện tích đất của bản Pà Cọ, nhưng người dân bản Pà Cọ không có phản ứng hoặc giải pháp gì? Phải chăng người dân bản Pỏm Om có niềm tin và sức mạnh cộng đồng, trách nhiệm và quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích của cộng đồng tốt hơn bản Pà Cọ? Có lẽ không phải như vậy! Niềm tin và sức mạnh cộng đồng chưa khi nào mất, mà vẫn đang cháy âm ỉ trong lòng mỗi người dân và cộng đồng; chỉ cần một xúc tác nhỏ và phù hợpsẽ thổi bùng lên ngọn lửa có thể thiêu cháy cả cánh rừng.

    Mạng lưới Đất Rừng khu vực Quế Phong, cộng đồng bản Pỏm Om đã kết hợp nhuần nhuyễn và kiên trì đấu tranh, bảo vệ chủ quyền sinh kế của cộng đồng. Kết quả, UBND xã Hạnh Dịch và UBND huyện Quế Phong đã vào cuộc và chỉ đạo xử lý bằng văn bản đối với hành vi xâm lấn vào diện tích đất và rừng của bản Pỏm Om và Pà Cọ của Nông trường Cao su Quế Phong như đã đề cập ở trên. Ông Lương Quốc Việt chia sẻ thêm “để bảo vệ được lợi ích của người dân thì lãnh đạo xã cần phải rất hành động rất cương quyết và quyết liệt”.

     Mạng lưới Đất Rừng
     

Bài viết khác