Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Mang dao quắm đi dự tọa đàm

  • Thật là điều lạ lùng và có vẻ giật gân, nhưng cái điều tưởng chừng như giật gân đó đã giúp đoàn chúng tôi vượt qua cơn bão số 3 trên quãng đường hơn 20 Km đầy khó khăn của vùng rừng núi thuộc 2 xã Đồng Thắng và Cường Lợi, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn để trở về Hà Nội an toàn vào ngày 17/9/2014. Xin chia sẻ với các bạn về câu chuyện Mang dao quắm đi dự tạo đàm dưới đây.

    Trên đường từ Hà Nội lên xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn để tổ chức cuộc tọa đàm về quản trị tài nguyên rừng sau giao đất giao rừng cho cộng đồng 6 thôn xã Đồng Thắng, chúng tôi đã ghé qua huyện Hữu Lũng để đón anh Lê Kiên Cường- Điều phối viên Mạng lưới Đất rừng vùng này cùng đi. Do đã có liên lạc với nhau từ trước nên khi xe chúng tôi dừng lại ở điểm hẹn đã thấy anh Cường bước những bước dài từ phía làng đi ra. Đã trên 15 năm xuất ngũ về tham gia công tác tại địa phương từng giữ chức Chủ tịch xã rồi Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, anh Cường vẫn giữ nguyên tác phong nhanh nhẹn của người lính và vẫn trung thành với bộ đồ quân nhân trên mình. Một người lính, một điều phối viên, anh Cường trông có vẻ thô tháp, nhưng lại là con người tràn đầy một tâm huyết với cuộc đời, với sự nghiệp phụng dưỡng thiên nhiên và với những người dân miền núi và dân tộc thiểu số. Chiếc cặp tài liệu trên vai, tay cầm con dao quắm sáng quắc mà sáng nay anh vừa kịp mài xong. Anh chào và bắt tay chúng tôi rồi bước lên xe. Nhìn anh trong cái vóc dáng to lớn, thô tháp có phần nghiêm nghị với trong tay con dao quắm thấy cũng rờn rợn. Anh em tôi đùa anh "đoàn đi tham gia tọa đàm chứ có đi chặt cây, đốn gỗ đâu mà anh phải mang theo dao quắm ". Anh cười và hóm hỉnh nói "rồi cũng sẽ có người hiểu ra đấy". Chúng tôi ai cũng chờ cái hiểu ra ấy cái đằng sau việc vị điều phối viên này mang theo dao quắm đi họp. Xe chuyển bánh đưa chúng tôi về Thị trấn Đình Lập và nghỉ lại đó để sáng sớm hôm sau vào xã Đồng Thắng.

    Tờ mờ sáng ngày 16/9/2014 khi cả Thị trấn Đình Lập chưa tỉnh giấc, chúng tôi đã lên đường. Vượt qua 20 Km đường rừng trong không gian xám xịt và với lác đác đôi giọt mưa, chúng tôi đến với bà con Đồng Thắng. Gần 9 giờ tọa đàm mới bắt đầu do bà con ở các thôn xa đến trễ. Sau lời khai mạc, tất cả chúng tôi gần như bị cuốn hút vào các hoạt động của tọa đàm và câu chuyện con dao quắm cũng chẳng có ai nhắc đến nếu không có sự việc xảy ra với chúng tôi sau đó trên đường rời Đồng Thắng vào cuối buổi chiều.

    Tọa đàm kết thúc vào lúc 4h35 chiều 16/9/2014, chúng tôi cùng các đại biểu tranh thủ chụp ảnh và trồng cây lưu niệm chung quanh khuôn viên UBND xã rồi xin phép bà con rời Đồng Thắng ra Thị trấn Đình lập để có thể tránh được cơn bão số 3.

    Xe bắt đầu chuyển bánh rời Đồng Thắng thì bầu trời cũng đã bắt đầu vần vũ mây đen. Mưa bắt đầu nặng hạt. Gió mạnh thổi ràn rạt trên những đồi cây. Gió, mưa táp vào xe từng đợt từng đợt. Trong điều kiện thời tiết lúc này chúng tôi chỉ hy vọng có thể về kịp Thị trấn Đình Lập để tá túc qua đêm là hạnh phúc lắm rồi.

    Xe bò đi trên con đường gập ghềnh và vượt qua con suối đầu tiên cuối làng Nà Song rồi chìm vào không gian núi rừng và cây cối hai bên đường. Mưa càng nặng hạt, gió thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Ngồi trên xe chúng tôi đã ít nói nhiều, vì có vẻ ai cũng tập trung vào con đường giông bão phía trước xe. Nhìn ra chung quanh cả rừng cây, gió mạnh làm cả rừng cây nghiêng ngả. Con đường đi rất bé. Mặt đường chỉ đủ một làn xe chạy. Một bên đường là vực sâu và suối hẹp, một bên là tà luy dương với những sườn đất dốc hình thành trên đá biến chất đang ở trạng thái bở rời chỉ chực chờ ngấm đủ nước để trôi tuột xuống lòng đường. Xe vượt qua con suối đầu tiên, anh Nguyễn Bá Thẩm cán bộ phụ trách thực địa Dự án của Trung tâm CIRUM tại Đồng Thắng cho biết, sau con suối đầu tiên sẽ còn 4 con suối nữa mới hết cái lo. Suốt nhiều năm lăn lộn với mảnh đất Đồng Thắng, anh Thẩm rất am hiểu về chế độ thủy văn của những con suối trên cả tuyến đường. Mưa lũ đã không còn theo quy luật về thời gian cũng như cường độ. Sự thay đổi này đã gây nên những biến đổi bất thường về dòng chảy. Mưa lớn liên tục trong một vài ngày thì cả xã Đồng Thắng sẽ trở thành ốc đảo. Các đồng chí lãnh đạo huyện rất biết về thực trạng này và rất thông cảm cho cán bộ Đồng Thắng khi họ vắng mặt trong các cuộc họp ở huyện vào những ngày mưa bão. Mỗi lần gặp lũ là một lần người dân Đồng Thắng và những ai qua lại làm việc với Đồng Thắng lại một lần khổ sở. Họ phải tìm và nhờ được anh em thanh niên những người cao to lực lưỡng hỗ trợ khiêng xe qua suối. Anh Thẩm cũng đã không ít lần suýt phải nằm lại giữa đường, dở khóc dở mếu vì hai đầu là suối lũ chia cắt.

    Xe lắc lư chậm chạp đi vào đoạn đường giữa hai bên cây cối rậm rạp. Gió rít lên hai bên sườn xe nghe rờn rợ. Những mảng đất bở rời từ phía tà luy dương đã ngấm nước mưa và bắt đầu rơi từng mảng nhỏ xuống đường. Cầu trời đừng có những mảng trượt lớn có thể xô xe chúng tôi xuống vực. Chúng tôi thật sự lo lắng. Xe lắc lư, rồi nhảy chồm lên mỗi khi vượt qua những khoảng đường gồ ghề. Đầu chúng tôi chạm vào nóc xe đau điếng. Chiếc xe vẫn kiên nhẫn bò trên con đường quanh co, gập ghềnh và trơn trượt với những ổ voi, ổ gà đã đầy nước. Thi thoảng ở phía tà luy âm xuất hiện những đoạn sạt lở ăn sâu vào nền đường do trận bão số 2 cách đây không lâu làm chúng tôi cũng thấy ớn lạnh.

    "Còn 4 con suối nữa" anh Thẩm thông báo. Bão đã lớn dần, không ai nói với ai nhưng trong lòng mỗi người sự long lắng đã lớn dần. Chưa kịp xác định là chúng tôi đã đi bao nhiêu km ra khỏi xã thì có người nói to "cây đổ". Phía trước xe chừng 15-20 mét một cây gỗ lớn phía bờ vực không chống chịu được sức tàn phá của trận gió lớn đã đổ chắn ngang đường. Xe chúng tôi khựng lại. Bảy con người trên xe nhìn nhau đầy lo lắng. Giờ thì chắc mắc kẹt trên đường thực sự rồi. Mà mắc kẹt giữa trời mưa bão thì thực sự đáng buồn. Đang suy nghĩ bỗng có tiếng nói "đưa cái dao quắm đây. Xử lý được mà"- ôi đó là tiếng anh Cường. Như một phép màu, chúng tôi như bừng tỉnh khỏi cơ mê "Thật là có trời cứu rồi!" Cả đoàn có cảm giác như trút bỏ được một gánh nặng. Và cũng chính tại thời điểm này câu hỏi vì sao anh Cường lại cầm dao quắm đi tọa đàm đã được giải đáp đầy đủ. "Cây to, đã có dao", anh bảo vậy rồi cầm con dao điềm tĩnh xác định điểm chặt cây cho hợp lý, tạo khoảng trống cho xe qua mà không tốn sức phải giải tỏa hết tất cả. Cần phải tranh thủ thời gian để vượt qua cơn bão. Những nhát dao đầu tiên của anh bổ xuống những cành cây to đã làm cho chúng tôi yên tâm hơn. Chúng tôi cùng anh thay nhau chặt cây để giải tỏa con đường. Bão vẫn rít trên đầu, mưa vẫn bay ràn rạt, cây cối chung quanh chúng tôi vẫn nghiêng ngả tứ bề. Người chặt cây để giải phóng mặt đường, cứ chặt; người quan sát trời, đất, cây cối để canh chừng cây đổ, đường sạt cứ quan sát và cảnh báo. Trong đoàn công tác có một phụ nữ, chị có thể ở lại trong xe cho đỡ ướt và lạnh song cũng lo lắng không yên nên đã lặng lẽ ra khỏi xe từ lúc nào. Ở một góc xa chị im lặng chắp hai tay trước ngực và khuôn mặt đầy thành khẩn. Chị đã khấn trời, khấn đất, khấn các vị thần linh nơi vùng sơn cước này phù hộ độ trì cho đoàn chúng tôi vượt qua lúc khó khăn này.

    Rồi cuối cùng chúng tôi cũng giải quyết xong sự ách tắc với phép màu "Dao quắm" và kinh nghiệm của anh Cường. Xe lách qua chỗ cây đã chặt và đi tiếp. Biết là vẫn còn những con suối ở phía trước phải vượt qua, song cái lo lắng trong lòng chúng tôi cũng đã phần nào dịu xuống. Chúng tôi tin cái báu vật "Dao Quắm" đã giúp chúng tôi, trời đất đã giúp chúng tôi. Ngồi trên xe, chúng tôi bắt đầu nói về cây dao, về anh Cường, về những kiến thức bản địa của người dân miền núi đầy sôi nổi. Dao quắm- một con dao nhỏ nhưng lại là một bài học lớn. Dao quắm, thứ vũ và là một công cụ sản xuất đã gắn bó máu thịt với người dân các miền rừng núi muôn đời nay. Mỗi khi người dân rời khỏi nhà đi rừng hay lên nương rẫy dù trời mưa hay nắng thì con dao luôn ở bên mình. Chúng tôi được đi nhiều, được học nhiều từ bà con song với những trường hợp cụ thể như hôm nay chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên và thán phục.

    Sau gần 2 giờ mò mẫm và sau cái tắc đường ngoạn mục do cây đỗ, xe chúng tôi đã bò lên mặt đường quốc lộ 4B. "Nào, chúng ta hoan hô nào", "Chúc mừng lái xe Hạnh đã vượt qua chặng đường vất vả", thành viên nữ của đoàn nói như reo lên khi xe chúng tôi hoàn toàn đã ở trên mặt đường quốc lộ 4B. Thật là hạnh phúc khi đã để lại sau mình những lo lắng về rủi ro có thể xay ra do mưa bão để rồi gióng thẳng về Đình Lập trên con đường phẳng phiu.
    Tối đó, dự kiến ở lại Đình Lập của đoàn chúng tôi đã không thành vì Thị trấn bị cúp điện. Chúng tôi cố gắng phấn đấu về Thành phố Lạng Sơn để nghỉ lại dù biết là sẽ về rất muộn và cả đoàn đã rất mệt. Đêm đó, ai cũng thấm mệt và rồi thiếp đi ngon lành để rồi sáng hôm sau khi thức dậy nhận được thông báo trên TV về bão số 3 đã gây sạt lở nhiều nơi và làm chết người trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ơn trời! Chúng tôi đã vượt qua tâm bão, nơi lượng mưa đã trút xuống 254 mm, cao nhất trong các vùng mà cơn bão đi qua.

    Cảm ơn con dao quắm, cảm ơn trời đất đã phù hộ chúng tôi vượt qua lúc gian nguy. Con dao nhỏ, bài học lớn. Đúng như các cụ nói "Đi một ngày đàng, học được sàng không". Chúng tôi đã học được rất nhiều và cảm ơn anh Cường rất nhiều. Những điều phối viên giàu kinh nghiệm như anh luôn là vốn quý không chỉ cho Mạng lưới Đất rừng mà cả những cộng đồng nơi các anh đang và sẽ đến chia ngọt, sẻ bùi. Những bài học từ thực tế, những kinh nghiệm của các cộng đồng và kho tàng kiến thực bản địa của của họ luôn là đề tài hấp dẫn, là vốn quí của xã hội và cho cả chúng tôi.

    Hy vọng mẩu chuyện nhỏ nhưng sẽ rất hữu ích cho những ai đang lăn lộn với cộng đồng các dân tộc trong các vùng sâu vùng xa, nơi các cơ sở hạ tầng thiết yếu còn chưa được cải thiện, nơi thiên nhiên rất khắc nghiệt và đầy biến động.

    Chúng tôi đã rất hài lòng với câu trả lời cho câu hỏi là tại sao đi tọa đàm mang theo cả dao quắm. Một lần nữa cảm ơn và tri ân anh Cường.
                                                                                       
    Nguyễn Văn Sự

Bài viết khác