Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Lời khẩn cầu từ Nà Táng

  • Đêm tháng Chạp, gió bấc rít liên hồi qua khe cửa. Chợt chuông điện thoại đổ dồn, đầu dây bên kia gấp gáp: Anh đến ngay, rừng Khuổi Quầy ở thôn Nà Táng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập đang bị chặt hạ. Giọng nói vừa đột ngột, vừa thảng thốt, nó như thúc giục chúng tôi đến với nơi thâm sơn, cùng cốc ấy.

    Vùng quê dậy sóng

    Thông tin chỉ có vậy! Lật nhanh bản đồ, tra cứu trên mạng và vài cuộc điện thoại cho cơ sở, tôi có thêm những nét khái quát về Nà Táng. Đây là thôn vùng sâu của xã Bính Xá, nằm kẹp giữa Bản Chắt và Pò Háng. Cả thôn có 45 hộ gia đình, thuần dân tộc Nùng. Ở Nà Táng có rừng nguyên sinh Khuổi Quầy, đây là khu rừng mà từ lúc mới thành lập thôn, người Nà Táng đã ra sức bảo vệ. Thậm chí thôn quy định hẳn khoản giữ rừng vào hương ước, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Không giống như những khu rừng tự nhiên ở khu vực Lâm Ca, Đồng Thắng với đa phần là lim xanh, rừng Khuổi Quầy hầu hết là gỗ kháo, sau sau. Từ nhiều năm nay, hầu hết gia đình nào ở Bính Xá sắp cỗ đều vào rừng Khuổi Quầy bẻ măng. Măng ở đây nổi tiếng thơm, ngon và đã bắt đầu xuất hiện ở chợ huyện.

    Máy xúc mở đường vào rừng Khuổi Quầy

    Đường đến Nà Táng mù tung bụi đỏ. Gió bấc quất bụi vào mặt ràn rạt. Bụi quẩn vào quần áo, len vào mắt, vào miệng kêu rào rạo. Người dẫn đường cẩn thận dặn trước: anh lên rừng, xem nhanh rồi về làng ngay, hiện lâm tặc không còn cắt rừng hay vận chuyển gỗ ra nữa, nhưng vẫn có rất nhiều đối tượng canh chừng khu vực này, rề rà dễ sinh phức tạp. Mới chớm tới Khuổi Quầy, tôi đã choáng ngợp, con đường mòn trước kia bà con thường đi bẻ măng, nay bị cào tung thành đường rộng, chiều dài ước chừng 3km tiến sâu vào khu vực lõi. Bên bìa rừng, sâu trong lùm cây bụi, ngổn ngang những thân gỗ dẻ bị chặt hạ, phần lớn trong số đó đã được xẻ thành hộp vuông vắn chực chờ xe vận tải.

    Thấy người lạ, dân Nà Táng dè chừng, chủ nhân cuộc điện thoại báo tin ngoắc tôi vào căn nhà nhỏ trong thôn giọng vừa đủ lọt tai: giờ trong thôn có hai luồng ý kiến, đa phần kiên quyết giữ rừng, nhưng cũng có những người bảo đó không phải việc của mình, tôi mời nhà báo đến thế nào cũng rắc rối, vừa rồi trưởng thôn cũng liên tục bị điện thoại hăm dọa. Câu chuyện dần hé mở theo trình tự thời gian. Theo đó, từ khoảng tháng 8/2013, nhân dân Nà Táng bắt đầu thấy máy xúc mở đường vào rừng Khuổi Quầy. Tuy nhiên do rừng sâu, đường đi hiểm trở nên không mấy người để ý. Chỉ đến đầu tháng 11/2013, khi con đường cơ bản hoàn tất, người Nà Táng mới giật mình khi thấy rừng Khuổi Quầy bị chặt hạ. Tiếng cưa máy, tiếng xẻ gỗ ầm ào khiến cho vùng quê bình yên dậy sóng.

    Gian nan hành trình giữ rừng

    Quá bức xúc, hơn 40 hộ dân thôn Nà Táng đã lên rừng. Căng thẳng và có cả những xô xát đã xảy ra giữa người dân trong thôn với các đối tượng mở đường, phá rừng. Ngày 13/11/2013, 45 hộ dân trong thôn đồng loạt ký tên vào đơn kiến nghị với UBND xã về tình trạng trên. Tuy nhiên tình hình không giảm bớt. Đầu tháng 12, đơn kiến nghị đã được gửi lên UBND huyện và các cơ quan chức năng có thẩm quyền thuộc UBND huyện.

    Những nét chữ nghệch ngoạc trên các tờ đơn khiến chúng tôi thắt lòng. Người lớn ở Nà Táng không mấy ai biết chữ, để viết đơn họ đã cử ra người thạo nhất, mà văn phong, nội dung đơn vẫn không tránh khỏi lủng củng. Từ Nà Táng tới trung tâm huyện, nếu quen đường thì mất khoảng 1 giờ đi xe máy. Ông L.V.L kể: nếu cả thôn cùng đi thì tốn kém lắm, nên thôn cử 6 người đại diện. Mặc đù đa phần đều rất khó khăn, nhưng để lo kinh phí xăng xe, ăn uống và nghỉ ngơi cho những đại diện này, cả thôn đóng góp mỗi hộ 100 nghìn đồng. Trong đơn gửi UBND huyện Đình Lập ngày 7/12, nhân dân Nà Táng quyết tâm: “ Nếu UBND xã, UBND huyện không vào cuộc kịp thời và tịch thu số gỗ trên, 45 hộ dân Nà Táng sẽ xử lý đối với đội lâm tặc cố tình chặt phá rừng nguyên sinh; tịch thu máy cắt gỗ, phá lán, máy xúc, đánh lâm tặc; bắt trâu kéo gỗ, bắt xe chở gỗ...” Từ những người dân thuần phác, người Nà Táng trở nên “nóng tính” hơn khi chứng kiến lâm tặc “xả thịt” rừng ngay trước mắt.

    Rồi thì cũng có cán bộ kiểm lâm và đại diện chính quyền xã đến đo đếm. Họ đo được cả thảy 70 hộp gỗ dẻ, 59 tấm gỗ sau sau và một số gỗ tròn đã hạ ở trong rừng. Trước quyết tâm của toàn thôn và sự có mặt của chính quyền địa phương, cũng như lực lượng chức năng, máy xúc đã lui, cưa máy, cưa xẻ cũng rút khỏi rừng. Thế nhưng từ đó đến nay, chưa có đối tượng nào được đưa ra, chưa có ai bị xử lý. Người Nà Táng ngày nào cũng ngóng mà mọi việc vẫn nguyên trạng, ngày ngày người dân vẫn canh số gỗ bị hạ trong rừng, tình hình trong thôn vẫn căng thẳng bởi họ biết chỉ mất cảnh giác là toàn bộ số gỗ trên sẽ không cánh mà bay.

    Chờ đợi cơ quan chức năng

    Ông Bế Mạnh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: ngay từ đầu tháng 12, khi nhận được đơn kiến nghị của nhân dân Nà Táng, UBND huyện đã giao cho Kiểm lâm chủ trì phối hợp với Công an huyện và các cơ quan hữu trách xác minh, tham mưu hướng giải quyết cho UBND. Thế nhưng theo ông Quân, tới thời điểm này (ngày 6/1/2014), tức là đã 1 tháng trôi qua, lãnh đạo UBND huyện vẫn chưa nhận được báo cáo cũng như hướng giải quyết cụ thể, UBND huyện đã đôn đốc các cơ quan khẩn trương vào cuộc. Quan điểm chỉ đạo là xử lý nghiêm minh, không để sót, lọt đối tượng.

    Cận cảnh gỗ bị chặt hạ và xẻ thành hộp trong rừng Khuổi Quầy

    Thực chất việc phá rừng đã rõ như ban ngày và theo người dân Nà Táng thì những đối tượng mở đường, phá rừng cũng chẳng xa lạ gì bởi đều ở các thôn lân cận. Thậm chí thôn đã lập biên bản với đối tượng lái máy xúc và đối tượng này cũng ký xác nhận. Đại diện người dân trong thôn bộc bạch: chúng tôi chỉ mong sao giữ được rừng, tại sao những người vi phạm chưa bị xử lý? Có thế lực nào đứng sau các hành động này không? Số lâm sản bị chặt hạ sẽ giải quyết ra sao?... Những câu hỏi đau đáu ấy của nhân dân Nà Táng, chúng tôi xin nhường lại cho các cấp có thẩm quyền, những cơ quan hữu trách trên địa bàn huyện Đình Lập.

    Nguồn: LSO

Bài viết khác