Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Lãnh đạo trẻ người Ja Rai

  • A’Đíu là một thanh niên trẻ, 31 tuổi, dân tộc Ja Rai, là Trưởng thôn Ka Bay. Anh rất chân tình, cởi mở và hiểu các vấn đề của Làng rất sâu sắc. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, A’Đíu được các Già làng và bà con vô cùng tin tưởng. A’Đíu đã chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện lập nghiệp của bản thân và những khó khăn mà một Trưởng thôn trẻ như anh phải trải qua khi giải quyết các công việc chung của cộng đồng.

    A’Đíu lập nghiệp
    A’ Đíu kể lại: “Nhà cháu không có đất vì cháu mới ra ở riêng, chỉ có bố mẹ có 1 ha đất thôi (đất tiêu chuẩn của dự án thuỷ điện Plei Krong, mỗi gia đình được cấp 1-1,2 ha đất canh tác). Cháu phải xin người ngoài mướn đất để làm tại xã Đăk Ma. Phải trả 1-2 triệu đồng/ha/năm cho người có đất theo số diện tích đất mình mượn làm. Dần dần, cháu tích lũy được và mua dần từng mảnh. Đầu tiên cháu mua một mảnh khoảng 2 ha, bây giờ cháu có được khoảng 4 ha rồi, trong đó khoảng 3,6 ha là mua, còn lại là mình khai hoang. Chi phí để mua đất khoảng 50 triệu/ha (một mảnh). Hiện nay thì mình không phải đi làm thuê, làm mướn như trước nữa, mình chỉ làm trên chính đất của mình, đủ ăn và lúc nào cũng có việc để làm. Còn căn nhà này là cháu mua lại của ông Chú hết 40 triệu”.
     
    Lo việc của cộng đồng - Hành trình đàm phán với Công ty Nguyên liệu Giấy Miền Nam vẫn tiếp tục
     
    Đất rừng ở làng chủ yếu là của Công ty Giấy Miền Nam (Công ty Nhà nước). Công ty có 50 ha rừng thông nằm trên đầu nguồn rừng Giọt Nước. Công ty thường đốt đường ranh, thực bì, sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu trên đầu nguồn nước.
    A’Đíu lo lắng: “Bà con thấy nếu họ sử dụng thuốc hoá chất và đốt thì tro bụi trôi xuống nguồn nước, làm ô nhiễm môi trường sống, bà con rất lo sợ và chưa biết phải làm thế nào.”


    A Đíu (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên MLĐR huyện Hơ Moong
     
    A’Đíu kể tiếp: “Cháu làm trưởng thôn, nên hàng năm Ban Quản lý Rừng tổ chức họp tổng kết năm và mời đại diện Làng tham dự .Năm 2012 nhân dịp họp tổng kết tại Ban Quản lý Rừng ở Đắk Tô, cháu đặt vấn đề ô nhiễm môi trường trên rừng đầu nguồn của làng và mong muốn được Công ty cho làng quản lý 50 ha rừng này nhưng Công ty không đồng ý. Đến tháng 10/2013,  khi Rừng Giọt nước chính thức được Nhà nước giao cho Làng quản lý và sử dụng (có sổ đỏ, có quyền), cháu chủ động mời Già làng tổ chức họp Làng để thảo luận và thống nhất gặp Công ty xin tình nguyện quản lý 50 ha rừng này, vì trên thực tế thì Công ty không nhòm ngó gì đến rừng. Cuối 2013, cháu đi tham dự họp tổng kết của Công ty và thay mặt bà con nói lên ý nguyện của làng được tình nguyện quản lý 50 ha rừng thông, để đảm bảo nguồn nước ăn uống cho bà con không bị ô nhiễm và sợ mất rừng, nhưng Công ty vẫn chưa chịu vì họ nói là họ đã đầu tư nhiều rồi. Không dừng lại và tiếp tục kiên trì, năm 2014, cháu tiếp tục thảo luận với Già làng để gặp chính quyền địa phương, tổ chức cuộc gặp với Công ty để tiếp tục nói với Công ty về sự lo lắng của Làng. Một cuộc gặp cũng được tổ chức và Công ty có đại diện đến tham dự. Tại cuộc họp cháu có ý kiến, trong thời gian qua chúng tôi quản lý tốt, cây không chết, không ai chặt, chúng tôi xin Công ty giao lại và mong muốn rừng thông được bảo vệ thành rừng già. Công ty phản hồi là các anh xin chúng tôi ghi nhận nhưng vốn Công ty đã đầu tư. Tuy nhiên, hai bên đã có thoả thuận là đồng quản lý, hai bên đều có lợi. Bên Công ty thì không phải chăm sóc, còn Cộng đồng thì đảm bảo chấm dứt việc đốt thực bì và không sử dụng thuốc trừ sâu trên đầu nguồn nước. Cháu sẽ tiếp tục đề nghị, không dừng lại ở đồng quản lý, mà sẽ cố gắng đàm phán để 50 ha rừng thông này thuộc về Làng quản lý và bảo vệ lâu dài, đảm bảo rừng thông trở thành rừng già. Chắc chắn tới đây có các cuộc họp Hội Đồng Nhân dân, hoặc các cuộc họp có các lãnh đạo chính quyền cấp cao hơn, cháu sẽ lên tiếng đề nghị ý nguyện này của cộng đồng.”
     
     Trước mắt, bà con mong muốn xin Công ty được trồng cây bản địa (chủ yếu là cây bời lời) vào nơi mà cây thông chết hoặc chỗ không có cây.  Cây bời lời, vừa có thu hoạch, vừa giữ nước, vừa có lợi ích cho tổ bảo vệ rừng. Bời lời có thể thu vỏ và hạt bán có tiền, 20.000 đồng/kg tươi và chu kỳ là 3-5 năm là có thu hoạch.
     
    Cuộc đàm phán sẽ vẫn còn tiếp diễn!
     
    Tháng 8/2015, CIRUM

Bài viết khác