Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Không để Rừng Tây Nguyên trở thành hoài niệm!

  • Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã từng có những tháng năm dài gắn bó với núi rừng, với con người và văn hóa Tây Nguyên suốt những năm chiến tranh cho đến tận hôm nay đã từng viết: "Với người Tây Nguyên rừng hoàn toàn không chỉ là vật chất, là tài nguyên, là môi trường theo nghĩa hẹp. Mà Rừng là tâm linh...". Đây không đơn thuần chỉ là những điều mà một nhà văn, bằng sự mẫn cảm của mình đã thấy, đã nghĩ, mà thực sự là tiếng nói thốt lên từ một tâm hồn đã trở nên máu thịt với đất đai và với cộng đồng nơi này. Và cũng chính vì vậy mà cho đến ngày hôm nay, nếu chúng ta không giữ được rừng, nếu tiếp tục thờ ơ buông xuôi để rồi rừng Tây Nguyên biến thành những cánh rừng cao su, cà phê, nương sắn mêng mông rộng lớn...thì Rừng của người Tây Nguyên sẽ cũng chỉ còn là hoài niệm? Những Giọt nước cúng Giàng vốn được sinh ra từ lòng đất đỏ Tây Nguyên kia khó có thể còn tuôn trào, mát lạnh và thần diệu như ngày xưa!...

    Mấy chục năm qua, những cánh rừng - Tâm linh của người Tây Nguyên đã dần dần biến mất rất nhiều, khiến cho không chỉ những người dân ở đây, mà tất cả những ai vốn nặng tình nặng nghĩa với nơi này như nhà văn Nguyên Ngọc, không khỏi giật mình thảng thốt mỗi khi nhìn thấy, mỗi khi nghĩ đến... Nhưng đất trời Tây Nguyên vốn không phải là quá khắt khe, Dù sao vẫn còn cơ hội! Cơ hội đó có vẻ mong manh, nhưng cũng đủ cho những ai và những cộng đồng có tâm huyết, đầy lòng trắc ẩn và thiết tha với sự quay về của những cánh rừng Tây Nguyên - có được chút an lòng, khi nhìn thấy những Cánh rừng cộng đồng đã xuất hiện trở lại tại những vùng đầu nguồn, giống như cánh rừng cộng đồng của công trình cấp nước thôn Ka Bay này, giống như bắt đầu một sự thức tỉnh để rồi Rừng Tây Nguyên có niềm vui trở lại.

    Đáp ứng nguyện vọng của người dân thôn Ka Bei, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy trong bảo vệ nguồn sinh thủy của thôn, ngày 07 tháng 5 năm 2013, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong đã ký Quyết định số 09/QĐ-UBND thành lập Tổ quản lý rừng đầu nguồn và quản lý công trình cấp nước cho Công đồng thôn Ka Bay. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền quản lý sử dụng lâu dài cho người dân, với trách nhiệm của mình UBND xã Hơ Moong và lãnh đạo thôn Ka Bei đã tiếp tục đệ trình lên các cấp chính quyền huyện Sa Thầy, UBND tỉnh Kon Tum cho phép thực hiện Mô hình thí điểm giao đất giao rừng lần đầu tiên trên Tây Nguyên theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của liên bộ Bộ NT&PTNT và Bộ TN&MT.

    Tiếp nhận kiến nghị của cơ sở, UBND tỉnh Kon Tum đã giao Sở NN&PTNT chỉ đạo UBND huyện Sa Thầy, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, phối hợp Viện Tư vấn Phát triển (CODE) để xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực và thực hiện mô hình thí điểm giao đất giao rừng cho cộng đồng. Để thuận lợi trong công tác phối hợp UBND huyện Sa Thầy, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Kon Tum và Viện CODE đã ký Bản thỏa thuận phối hợp thực hiện thí điểm giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng dân cư thôn Ka Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1670/UBND-KTN ngày 12/8/2013. Nguồn lực để thực hiện về cơ bản được vận động từ Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á-CIRUM, cả về tài chính lẫn cán bộ thực hiện; Viện CODE điều phối chung quá trình triển khai.

    Trên cơ sở Bản thỏa thuận hợp tác, các ban ngành liên quan của huyện Sa Thầy, xã Hơ Moong và các cơ quan CODE, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, Trung tâm CIRUM đã nhanh chóng triển khai các hoạt động khảo sát sơ bộ thực địa, lấy ý kiến cộng đồng, đàm phán với các chủ rừng liền kề, thống nhất phương án giao đất giao rừng, khảo sát đánh giá trữ lượng rừng, xây dựng quy chế quản lý sử dụng,...để làm cơ sở hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho công tác giao đất giao rừng.

    Kết quả khảo sát, đo vẽ từ thực địa đã được các phòng, ban chuyên môn của huyện, xã tiếp nhận và cùng xây dựng Phương án giao 20 ha đất rừng đầu nguồn nước và 10 ha Khu duy trì Nước Giọt của thôn Ka Bay. Những thành viên nòng cốt của người dân Ka Bay như anh A Đứu, anh A Diếc đã được thôn cử đã tham gia từ giai đoạn đầu và chia sẻ lại đày đủ với cộng đồng thôn Ka Bay trong các cuộc họp cộng đồng. Những nội dung các anh chia sẻ đã được Cộng đồng đã đáp lại bằng sự nhất trí cao về trách nhiệm bảo vệ và tái tạo rừng đầu nguồn nước và Rừng Giọt Nước.

    Nói về kết quả vận động cho hoạt động thí điểm và công tác phối hợp giữa các bên, Ông Nguyễn Văn Niệm-Chủ tịch UBND xã Hơ Moong khẳng định: "đây là mô hình hết sức quan trọng cho cộng đồng các thôn tái định cư thủy điện nói chung và thôn Ka Bay nói riêng. Hiện nay trên địa bàn xã Hơ Moong cũng như nhiều xã khác của huyện Sa Thầy và các huyện khác của tỉnh Kon Tum đang còn rất nhiều các công tình cấp nước được Nhà nước đầu tư với nhiều tỷ đồng, nếu các cánh rừng đầu nguồn không giữ được bằng cả các quy định của Luật pháp lẫn Luật tục, thì chắc chắn các công trình sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Khi đó đồng bào các buôn thôn sẽ phải chịu cái khát, cái nóng nhiều hơn".

    Mô hình thí điểm như một món quá có ý nghĩa cho cộng đồng, song cũng là kết quả của những trăn trở, nỗ lực của cán bộ lãnh đạo xã Hơ Moong cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình, vô tư của các chính quyền các cấp; các tổ chức CODE, CIRUM và cả các đại diện của Mạng lưới Đất rừng đã từng đặt chân lên đất Tây Nguyên. Những kinh nghiệm và bài học trong công tác hỗ trợ GĐGR của Trung tâm CIRUM ở Lạng Sơn theo TTLT07/2011 từ nhiều năm trước đây lại một lần nữa được chuyển giao và vận dụng có ý nghĩa rất lớn trên vùng đất Tây Nguyên. Hy vọng từ kết quả này, xã Hơ Moong cũng như các vùng khác trên Tây Nguyên sẽ có thêm nhiều cơ hội để các cánh rừng bảo vệ nguồn nước được chính thức giao cho cộng đồng người dân quản lý khai thác.

    Trân trọng sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và các tổ chức bên ngoài đã hỗ trợ giao đất giao rừng cho thôn, anh A Đứu-Trưởng thôn Ka Bay chia sẻ: chúng tôi sẽ cùng nhau quản lý rừng được giao thật tốt, tuân thủ những quy định của UBND xã cũng như các quy định của làng. Anh cho biết Luật tục của cộng đồng rất nghiêm khắc: ai vi phạm lần đầu sẽ bị phạt gà và rượu, lần 2 vi phạm phạt heo rượu, lần 3 vi phạm phạt trâu phạt bò và lần tiếp theo sẽ bị dân làng đuổi ra khỏi thôn. Nói là vậy, nhưng thực tế cúng hiếm thấy người dân nào vi phạm. Rừng đầu nguồn, nước đầu nguồn, Rừng Giọt Nước là cả những tài sản vô cùng quý giá của người dân nơi đây, nó gói vào trong đó tất cả tâm tư, ước nguyện và cuộc sống tâm linh của họ.

    Tháng Mười này, người dân Rơ Ngao thôn Ka Bay sẽ được nhận bàn giao sổ đỏ, chứng nhận quyền quản lý, sử dụng tài nguyên rừng đầu nguồn của thôn mình. Những công đoạn cuối cùng của quá trình lập và phê duyệt hồ sơ đang khép lại để có một ngày rất vui và nhiều ngày rất hạnh phúc cho đồng bào thôn Ka Bay. Chắc bà con sẽ vui lắm! Trong không gian cũng như đã có nghe thấy tiếng vọng của cồng chiêng từ xa xưa khi người dân làm lễ cúng Rừng, cúng Giọt Nước. Rừng theo về, nước theo về, chắc chắn cuộc sống của người dân tái định cư thôn Ka Bay ngày càng khởi sắc.

    Nhìn vẻ hân hoan, phấn khởi của người dân Ka Bay trong những ngày này, tự nhiên tôi nhẩm đọc một câu trong bộ Luật tục người Ê Đê ở Tây Nguyên "Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây  k'tơng, cây  kdjar" . Với những quy định của luật tục đã trở thành tín ngưỡng của cộng đồng như vậy, việc giao những khu rừng đầu nguồn cho cộng đồng quản lý ở đây thực chất chính là một sự kết hợp tuyệt vời giữa luật pháp của Nhà nước với luật tục của cộng đồng. Thông qua một phương pháp luận tiếp cận mà ở đó vai trò của người dân thực sự được tôn trọng,  Chúng ta, và cả Cộng đồng người Rơ Ngao thôn Ka Bei không chỉ đang góp công sức làm sống lại những cánh Rừng Tây Nguyên không để nó trở thành hoài niệm, mà còn là việc làm góp phần vào việc nuôi dưỡng những giá trị văn hóa tinh thần, nuôi dưỡng tâm linh của con người.

    Nguồn: CIRUM

Bài viết khác