Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Khe Váp giữ rừng bằng luật tục

  • (VOV4) - Trong khi nhiều địa phương đang phải đối mặt với nạn phá rừng trái phép thì ở ở Khe Váp, một bản nhỏ thuộc tỉnh Lạng Sơn, người Dao, Tày, Nùng và Sán Chỉ lại giữ được màu xanh bạt ngàn của rừng. Đó là nhờ có luật tục giữ rừng và sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn Văn hoá và Phát triển cộng đồng (CIRUM) - một tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Hà Nội.
     
    Trước năm 2005, vì chưa có chủ nên các khu rừng ở Khe Váp, xã Bắc Lãng, các xã lân cận trong huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, bị tàn phá nặng nề, người trong thôn ngoài bản đều đến khai thác.Từng khoảnh rừng dần biến thành bãi đất trồng ngô, trồng sắn.
     
     Làm sao để bảo vệ rừng, giữ được mạch nguồn của sự sống?  
      
    Con đường vào bản Khe Váp gập ghềnh, khó đi, nhiều lúc dốc dựng đứng, 2-3 lần phải lội qua suối. Đây là bản xa nhất, nghèo nhất của xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập.
     
    Ở Khe Váp, 18 hộ, phần lớn là đồng bào Tày. Bà con đã thảo luận để đi đến thống nhất: xây dựng  quy chế bảo vệ rừng ngặt nghèo để giữ lấy màu xanh của rừng. Một Hội đồng điều chỉnh đất rừng được thành lập, giao đất cho bà con theo thực tế quỹ rừng. Việc giao đất giao rừng hợp tình, hợp lý đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con dân bản.
     
     
    Tôn thờ rừng, chung tay bảo vệ rừng. Ảnh minh họa: baomoi.com
     
    Ông Vũ Đăng Hệ, Phó Chủ tịch HĐND xã Bắc Lãng, khoe: Thành công lớn nhất của Khe Váp trong việc quản lý rừng dựa vào cộng đồng này là nhờ 2 yếu tố, thứ nhất sự đồng tình ủng hộ của người dân, dân tự xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ rừng trong thôn, bản; thứ 2 là các tổ chức Hội như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh nhận những khoảnh rừng cộng đồng và đứng ra quản lý. Rừng đã có chủ, những người khác không thể vào xâm lấn.
     
    Thôn Khe Váp có khoảng 300 ha rừng, trong đó 230 ha đã được giao cho các hộ dân quản lý, còn 70 ha rừng đầu nguồn được UBND huyện cấp sổ đỏ cho cộng đồng thôn quản lý và sử dụng. Riêng Chi hội Phụ nữ (gồm 15 thành viên) nhận quản lý gần 17ha gần khu vực suối Quán Thàng. Diện tích rừng được giao lớn, với nhiều trạng thái khác nhau, nhiều rừng giàu nhưng cũng có nhiều rừng nghèo khó có khả năng tái sinh. 
     
    Được sự giúp đỡ của CIRUM, người dân đã xây dựng mô hình bản điểm quản lý tài nguyên thiên nhiên và có quy chế bảo vệ rừng cụ thể, quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của cả cộng đồng và mức xử phạt cho từng hành vi phá rừng. Từ khi có quy chế đến nay, cả bản Khe Váp chưa hề có ai vi phạm.
     
    Theo bà Trần Thị Hòa, Giám đốc CIRUM: “Phương pháp tiếp cận của Trung tâm SIRUM là SIRUM đứng ở bên ngoài. Chúng tôi chỉ đóng vai trò là các tư vấn viên. Còn mọi quyết định trong quá trình làm việc, sự tham gia của chính quyền, đoàn thể, nhân dân, họ đều là chủ nhân. Họ là người quyết định cách làm cũng như các bước đi của địa phương”.
     
    Chị Nguyễn Thị Chung, Chi hội trưởng Phụ nữ của bản Khe Váp, cho biết: “Dự án của SIRUM tạo cho chúng tôi điều kiện rất tốt. Từ khi có dự án, mỗi khi đi trồng rừng, chăm sóc rừng, chị em đều rủ nhau đi, rất vui. Giai đoạn đầu chỉ là chăm sóc. Những cây con chúng tôi khoanh lại. Những khu đất trống đồi trọc chúng tôi trồng thông. Còn những chỗ trước đây người ta phát nương mà nay đã mọc lên những cây chừng 5-6 năm thì khoanh lại để sau này phát triển thành rừng tự nhiên”.
     
     
    Những cây thuốc nam dưới tán rừng già. Ảnh:baomoi.com
     
     Dùng luật tục giữ rừng để bảo vệ rừng
      
    Già làng thôn Khe Váp Lã Ngọc Liên cho biết: Khe Váp có một khu rừng thiêng. Rừng thiêng đã có từ hàng trăm năm và được bảo vệ bằng luật tục, bằng việc “thiêng hóa” rừng. Bà con đã lập miếu thờ thần rừng, không ai được xâm phạm, nếu không ắt sẽ gặp tai ương. Khu rừng rộng trên chục hec ta, là lim, dẻ, trám. Dưới tán rừng là nhiều loại cây thuốc như mã kích, cây máu.
     
    Hàng năm, người dân thôn Khe Váp đều tổ chức cúng thần rừng tại khu rừng thiêng vào các ngày mồng 02 tết Nguyên Đán, tháng Ba và tháng Bảy âm lịch.
     
    Vài năm trở lại đây, lễ cúng rừng vào tháng 3 âm lịch được tổ chức đúng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3. Các lễ vật đem cúng thần Rừng đều do người dân trong bản đóng góp. Mức đóng góp của các hộ dân là như nhau. Điều này cũng nhằm mục đích để thần rừng ban phát điều lành cho tất cả mọi người ngang nhau.
     
    Với những quy chế nghiêm khắc do chính cộng đồng đặt ra, với sự  trợ giúp của CIRUM, đồng bào  Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ ở Khe Váp đang nỗ lực bảo vệ nguồn sống của chính mình.

    Nguồn: Thu Hà/VOV4

Bài viết khác