Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Huyện Quế Phong (Nghệ An): Cần có giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch đất đai “chéo” và “treo”

  • (ĐCSVN) - Đã từ nhiều năm nay, chính quyền và người dân ở xã Hạnh Dịch nói riêng, các địa bàn trong huyện Quế Phong (Nghệ An) nói chung phải đối mặt với những hậu quả từ việc quy hoạch treo và quy hoạch chồng chéo. Người dân thiếu đất vẫn không được giao đất, trong khi một số tổ chức được giao vượt khả năng quản lý.

     

     Một góc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: TT)


    Hạnh Dịch là một xã miền núi vùng cao biên giới với nước bạn Lào, thuộc vùng Tây Bắc của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Theo số liệu thống kê dân số đến hết tháng 6 năm 2012, toàn xã có 11 bản, 691 hộ với 3.294 nhân khẩu, trong đó trên 98% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Với đặc điểm cư trú và tập quán sản xuất lúa nước, 11 bản của người Thái xã Hạnh Dịch đều nằm dọc theo sông Nậm Việc, một nhánh của đầu nguồn sông Hiếu.

    Cũng như nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số vùng cao, sự sinh tồn và phát triển của người Thái ở Hạnh Dịch đã và đang gắn liền với tài nguyên đất rừng. Mặc dù quỹ đất, rừng còn nhiều, song người dân nơi đây hàng ngày vẫn đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Lang Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, hầu hết các bản đều chưa tự bảo đảm được lương thực, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã là 68,8% (thống kê của xã đến hết tháng 6 năm 2012). Mặc dù quỹ đất của toàn xã đang còn nhiều, nhưng các hộ gia đình vẫn bị thiếu đất sản xuất.

    Để duy trì cuộc sống, ngoài việc trồng lúa nước trên những diện tích nhỏ hẹp ven các con suối, người dân phải vào rừng làm nương rẫy để trồng ngô, khoai, sắn, các loại rau củ, khai thác măng, thuốc nam và một số lâm sản ngoài gỗ, thậm chí đi vào các khu rừng của Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt... để chặt và vác gỗ thuê cho các đầu nậu buôn bán gỗ và lâm sản trái phép từ bên ngoài vào. Theo báo cáo của các đại biểu trong Hội thảo: Quản lý Rừng cộng đồng - Chính sách và Thực tiễn tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Sinh thái chính sách xã hội (SPERI) và Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nghệ An ngày 9/10/2012, tình trạng quy hoạch chồng chéo, quy hoạch treo và rừng vẫn chưa có chủ là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên đây.


    Theo báo cáo tham luận tại Hội thảo, ông Lang Văn Minh cho biết, tổng quỹ đất lâm nghiệp của toàn xã Hạnh Dịch là 16.887,7 ha, nhưng trên sổ sách quy hoạch và giao đất của phòng Tài nguyên huyện thì đến nay đã có tới 20.065,7 ha có quyết định giao cho các chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng. Cụ thể, 10.533,7 ha được quy hoạch cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, khoảng 6.000 ha cho Tổng đội TNXP 7 (nay sáp nhập vào Nông trường Cao su Quế Phong thuộc Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển Cao su Nghệ An), nhưng vì không đủ quỹ đất nên mới giao 1.400 ha, Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong và UBND xã Hạnh Dịch đang quản lý gần 6.000 ha, và 2.132 ha đất lâm nghiệp đã được giao cho 203 hộ gia đình năm 2003 theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP.

    Quy hoạch treo

    Để đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư miền núi, trong những năm qua, Chính phủ đã ra nhiều văn bản, chính sách yêu cầu sắp xếp, đổi mới nông - lâm trường, giao lại đất cho cộng đồng địa phương để bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng nghịch lý vẫn tồn tại ở Hạnh Dịch cũng như các xã khác tại Quế Phong, mặc dù bà con đang thiếu đất canh tác nhưng lại không được nhận đất. Vì đất rừng đã được quy hoạch để giao cho các tổ chức kinh tế và tổ chức nhà nước. Mặc dù Nông trường Cao su Quế Phong vẫn chưa được chính thức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng theo quy hoạch và thực tế vẫn đang giữ một số lượng lớn diện tích đất để phát triển vùng sản xuất trồng cây cao su. Song, từ ngày có quyết định giao đất, theo phản ánh của người dân thì Nông trường vẫn chưa tổ chức triển khai bất cứ hoạt động nào trên diện tích đó. Một ví dụ khác là hiện tại, các hộ dân tại bản Na Xai, Hủa Mướng và Chiếng của Hạnh Dịch vẫn chưa được giao đất. Vì hai bản này nằm trong vùng quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đã được quy hoạch treo từ nhiều năm nay. Trong khi đó thì bản Chiếng cũng bị "mắc kẹt" bởi Nông trường Cao su Quế Phong đang quản lý đất, nên không còn quỹ đất để giao cho bà con.

    Quy hoạch treo đang là vấn đề hết sức phức tạp không chỉ riêng Hạnh Dịch mà còn các xã khác tại Quế Phong. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Quế Sơn cho biết, theo số liệu thống kê tình hình đất đai năm 2010 của xã, hiện nay xã có diện tích 3.724,55ha với 3.569 nhân khẩu, đất sản xuất chỉ có 218,9ha bao gồm cả vùng nước là 60,7ha. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, năm 2003, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định cấp quyền sử dụng đất cho Lâm trường Quế Phong với diện tích 5000 ha gồm một phần xã Mường Nọc, một phần xã Tiền Phong và toàn bộ xã Quế Sơn. Mặc dù sau đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An và UBND huyện Quế Phong đã thống nhất trả lại 1000 ha cho địa phương để giao lại người dân. Thế nhưng, việc giao đất lại chưa được hoàn thành do các thủ tục yêu cầu rườm rà, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước lại không có, trong khi các xã không có tiền để hoàn thành các thủ tục, do đó, Lâm trường Quế Phong vẫn tiếp tục sử dụng diện tích này để trồng cây keo lai.

    Những năm vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều các văn bản, chính sách về việc ưu tiên đồng bào tại chỗ, sống gần rừng được giao khoán đất rừng để tổ chức sản xuất, ổn định đời sống, nhưng việc triển khai trên thực tế lại có nhiều vướng mắc. Quy hoạch chồng chéo và quy hoạch treo đang tạo ra sự bất bình đẳng trong việc nhận đất, nhận rừng tại Quế Phong.

    Nếu tính bình quân đầu người trên diện tích đất thực tế thì rất lớn, nhưng người dân nhận chẳng là bao. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Quế Phong năm 2011, trong khi bình quân một người dân được giao 0,65 ha (tại xã Hạnh Dịch) và 0,06 ha (tại xã Quế Sơn), thì bình quân đất giao cho một cán bộ, công nhân viên là 1.243 (Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong) và 583,5 ha (Nông trường Cao su Quế Phong). Điều mà bất kỳ ai có thể nhận thấy ngay là sẽ rất khó để những người công nhân viên làm công ăn lương này có thể quản lý tốt một diện tích rừng lớn như vậy. Ấy thế mà điều đó vẫn xảy ra!

    Điều này dẫn đến tình trạng rừng và đất rừng gần như không có chủ. Trong khi những người chủ đích thực, những người đang thiếu đất để ổn định đờ̉i sống - đó là người dân sở tại lại không được nhận đất, nhận rừng.

    Thiết nghĩ, Nhà nước cần có biện pháp kịp thời trong việc giám sát, rà soát quy hoạch đất đai tại các vùng đồng bào miền núi; nhanh chóng thu hồi đất từ các tổ chức làm ăn kém hiệu quả để giao lại cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Có như vậy thì mới có thể góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh ở những vùng cao, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống./.

    (Nguồn: Trọng Tuấn_http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30679&cn_id=548681)

Bài viết khác