Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hội nghị triển khai mở rộng phương pháp GĐGR dựa vào luật tục và cộng đồng tại xã Phìn Ngan, tỉnh Lào Cai

  • Từ năm 2011 đến nay Liên minh chủ quyền sinh kế (LISO) mà Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội (SPERI) là một trong những đơn vị nòng cốt đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai triển khai thành công phương pháp luận giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng và luật tục tại một số cộng đồng người Mông tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

    Thôn Sải Duần, xã Phìn Ngàn, huyện Bát Xát, Lào Cai
     
    Phương pháp luận giao đất giao rừng trên đây đã được Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai đúc kết thành bộ cẩm nang để áp dụng cho các địa phương của tỉnh, cũng như chia sẻ với một số tỉnh trong vùng nghiên cứu của Liên minh LISO như Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Kon Tum.

    Ngày 20 tháng 7 năm 2014, Viện SPERI, Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai cùng với UBND huyện Bát Xát đã đồng ý ký văn bản thỏa thuận để triển khai mở rộng phương pháp giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng và luật tục cho các hộ gia đình và cộng đồng tại xã Phìn Ngan. Trong 6 tháng cuối năm 2014, các bên thống nhất sẽ tiến hành triển khai thử nghiệm tại thôn Sủng Hoảng và Sải Duần, xã Phìn Ngan. Kết quả của chương trình này sẽ là nền tảng để giúp các gia đình và cộng đồng người dân cải thiện sinh kế thông qua phát triển các loài cây thảo dược trên diện tích đất rừng được giao.

    Ngày 12 tháng 8 năm 2014, UBND huyện Bát Xát đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, Viện SPERI tổ chức Hội nghị triển khai mở rộng phương pháp GĐGR dựa vào luật tục và cộng đồng tại xã Phìn Ngan.

    Hội nghị triển khai mở rộng giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng tại xã Phìn Ngan
     
    Tham dự Hội nghị có gần 40 đại biểu đại diện lãnh đạo UBND huyện Bát Xát, các phòng ban chức năng như Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, Phòng Đăng ký cấp quyền sử dụng đất, Văn phòng UBND huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ Bát Xát, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, Liên minh (LISO), xã Phìn Ngan và đại diện của các đại biểu là trưởng thôn, người uy tín đến từ 14 thôn bản của xã Phìn Ngan.

    Tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Ca, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát đã chia sẻ về thực tế quản lý tài nguyên rừng và đất rừng và công tác GĐGR trên địa bàn huyện Bát Xát, đồng thời nêu bật nhu cầu và ý nghĩa của công tác triển khai thí điểm GĐGR dựa vào cộng đồng tại xã Phìn Ngan. Một trong các khó khăn trong công tác quản lý đất rừng tại địa bàn huyện được ông chia sẻ đó là tình trạng chồng chéo, thiếu chính xác và tính khoa học trong hoạt động giao đất của giai đoạn trước đây mà nguyên nhân chính là do sự  hạn chế về công nghệ, kinh nghiệm, năng lực của cán bộ, đặc biệt là thiếu sự tham gia đầy đủ của người dân.

    Ông Nguyễn Đức Ca, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát

    Ông Chảo A Phẩy, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan đánh giá sự hỗ trợ GĐGR cho người dân và các cộng đồng là rất cần thiết, điều đó không chỉ giúp cho người dân tự tin quyết định những hoạt động đầu tư trên mảnh đất của mình mà còn rất thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý và điều hành các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

    Đại diện các thôn Sủng Hoảng và Sải Duần đã có những ý kiến trăn trở đối với các chính sách và thực tiễn liên quan tới công tác giao quyền quản lý sử dụng đất rừng cũng như hưởng lợi từ đất rừng. Ông Chảo Duần Chẵn đã kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ những hộ gia đình sống trong các vùng rừng song không thuộc khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay mà các thủy điện đang thực hiện. Ông nhận định Sải Duần không nằm trong khu rừng thuộc lưu vực các hồ thủy điện, song có trách nhiệm duy trì và phục hồi sinh thái tự nhiên và hỗ trợ gián tiếp các xã phía dưới, hạn chế rửa trôi và lũ lụt. Chính vì vậy mà Sải Duần cũng có vai trò rất quan trọng cần được nghiên cứu và hỗ trợ.


    Kiểm Lâm huyện Bát Xát chia sẻ trong Hội nghị

    Ông Vũ Hồng Điệp, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết vấn đề trăn trở nhất của tỉnh hiện nay là làm sao bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định kinh tế thì công tác quy hoạch 3 loại rừng, giao đất giao rừng phải đảm bảo phù hợp và hài hòa với bản sắc văn hóa cũng như truyền thống quản lý và canh tác của các cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương. Theo đó, phương pháp và các mô hình giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng và luật tục thực hiện bởi Liên minh LISO có một ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong định hướng và kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh.
     
    LISO

Bài viết khác