Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hơn một thập kỷ giao đất – giao rừng: nhìn từ Quảng Nam

  • Sau 10 năm thực hiện chủ trương giao đất giao rừng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, bức tranh thu được của cả nước là lẫn lộn, thiếu đường nét. Bài viết này ghi nhận từ một địa phương cụ thể để phản ánh và tìm nét mới cho bức tranh giang giở đó.

    Vậy là sau một lần được gia hạn, Nghị quyết số 28-NQ/TW về “tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh” cũng đã ngót ngét 10 “tuổi”.

    Thế nhưng, tổng kết sau 10 năm ấy, còn nhiều tồn tại nếu nhìn từ các địa phương.

    Thật may mắn, cũng trong “nhiều tồn tại” đó vẫn có những điển hình, những bài học, những địa phương, những cơ hội đáng ghi nhận để tiến lên.

    Tồn tại đã thừa nhận: từ Trung ương đến địa phương

    Ngược với “linh hồn” của Nghị quyết 28-NQ/TW - là rà soát đất đai để phân bổ lại (trong nhóm giải pháp đầu tiên - quan trọng nhất của Nghị quyết), thì quá trình triển khai đã chỉ chú trọng các nhóm giải pháp khác như công tác sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức quản lý...

    Ấy thế nên, gần đây, ngày 17/3/2014, Bộ Chính trị đã lần thứ hai gia hạn chủ trương – ra nghị quyết bổ sung, Nghị quyết số 30-NQ/TW về “tiếp tục” sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp. Điều đáng nói là Nghị quyết này kết luận:

    “…nhiều mục tiêu Nghị quyết (Nghị quyết 28-NQ/TW) đề ra chưa đạt được, chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa...” (Phần đánh giá chung của Nghị quyết 30-NQ/TW).

    Thực tế nhìn lại trong hơn 1 năm sơ – tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW, nghe đánh giá của nhiều chuyên gia về kết quả mà buồn.

    Ý kiến Ông  Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ trong một bài viết gần đây:

    “… đến nay, phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính. Diện tích đất cấp GCNQSDĐ mới đạt trên 50%, diện tích cho thuê đạt hơn 20%” (đăng trên Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV với tiêu đề "Xóa sổ" các Công ty :âm nghiệp thua lỗ, yếu kém” ngày 31/12/2013 của tác giả Tuyết Yến).

    Hay Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thì công bố kết quả sau 10 năm:

    ...với từ 185 nông trường, Công ty nông nghiệp đã sắp xếp còn 145 Công ty; từ 256 lâm trường giảm còn 148 lâm trường...” (của tác giả Hiền Hòa đăng ngày 22/3/2013).

    Rồi kết quả phản ánh gần đây ở một địa phương – tỉnh Quảng Nam cũng rất đáng để trăn trở và suy nghĩ.

    Trong hai năm ngay sau khi Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành, Tỉnh ủy và chính quyền địa phương tại Quảng Nam đã “hăng hái” triển khai – với phương án rất cụ thể. Ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam – Nguyễn Ngọc Quang cho biết:

    “...năm 2004-2006, tỉnh triển khai giao đất – giao rừng cho 249 cộng đồng đến giai đoạn cấp sổ đỏ thì đột nhiên phải đứng khựng lại vì lý do thủ tục...” (ý kiến tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác từ Viện Nghiên cứu Sinh thái và Chính sách Xã hội (SPERI), chiều ngày 17/3/2014 – ghi nhận của tác giả bài viết này).

     
     
    Buổi làm việc giữa UBND Tỉnh Quảng Nam với Đoàn Công tác của Viện SPERI liên quan đến nội dung giao đất – giao rừng hiện nay Thúy Hằng/VPUBND.

    Tiếp trao đổi buổi làm việc cũng như diễn biến những ngày sau đó của Đoàn công tác từ Viện SPERI đã ghi nhận nhiều nguyên nhân của sự “khựng lại”, của những “vướng mắc về thủ tục” và đặc biệt là những sự chủ động – sáng tạo để tháo gỡ từ địa phương – tỉnh Quảng Nam.

    Từ Quảng Nam: một điển hình cần phát huy

    “Trăn trở tìm hướng đi”, “năng động” và “mạnh dạn với cái mới” dường như là cảm nhận chủ đạo của tác giả đổi với đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, ghi nhận tại buổi làm việc cũng như từ các địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam.

    Trăn trở về bế tắc trong giao đất – giao rừng của giai đoạn 2004-2006, Quảng Nam đã chủ động tìm đến tỉnh Lâm Đồng (một địa phương điển hình trong cả nước về thí điểm thực hiện chủ trương về giao khoán và chi trả dịch vụ môi trường rừng) để học hỏi. Ông Nguyễn Ngọc Quang nói:

    “...về giao đất, dù cả nước bế tắc, nhưng Quảng Nam đã làm đột phá, đúng theo cách riêng. Tôi đã cho anh em sang Lâm Đồng xem họ làm như thế nào, mang về áp dụng tại Quảng Nam” (ghi nhận tại buổi làm việc 17/3/2014). Nói về hiệu quả, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang cho biết:

    “...cuối năm 2009, công tác giao đất theo Nghị định 200 (Nghị định của Chính phủ để triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW) đã hoàn thành...” (ghi nhận tại buổi làm việc 17/3/2014).

    Về sự phối hợp, gắn trách nhiệm của các địa phương cấp huyện, Quang Nam cũng nên được nhìn nhận là có đột phá trong chỉ đạo.

    Nói về sự chồng chéo giữa các lực lượng quản lý bảo vệ rừng, thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở các huyện, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nói:

    “...về sự mâu thuẫn của lực lượng Kiểm lâm với lực lượng thuộc BQL rừng Phòng hộ, tôi gom lại (nhập làm một). Điều này không những tránh mâu thuẫn – chồng chéo, mà còn tinh giản bộ máy, tạo sự thống nhất...” (ghi nhận tại buổi làm việc 17/3/2014).

    Cuối cùng, về việc sơ – tổng kết (10 năm) Nghị quyết 28-NQ/TW, dường như tỉnh Quảng Nam cũng là một sự khác biệt – đáng ghi nhận trong bức tranh chung của cả nước. Ông Phan Đình Nhã (một chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu và Phát triển – CODE), cùng đi cùng Đoàn công tác cho biết:

    Viêc tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW ở Quảng Nam làm khá nghiêm túc, khác ở nhiều địa phương của cả nước, Tỉnh chỉ đạo và tổ chức tổng kết cấp tỉnh, chứ không phải như nhiều nơi là giao cho các Nông – Lâm trường tự tổ chức, gửi báo cáo về tỉnh”. Nói về ý nghĩa của cách làm này, ông Nhã dí dỏm so sánh:

    “...nếu để tự báo cáo (như nhiều địa phương) nông – lâm trường sẽ không “tự khai ra” là mình có bao nhiêu đất để trả lại. Và kể cả đất trả lại thì là đất “xấu” (xa xôi và khó canh tác) dân làm sao mà làm nổi...

    Để không “quá tam ba bận”

    Dù cho đâu đó trong bức tranh “giao đất – giao rừng” còn những hạn chế, nhưng Quảng Nam là địa phương nên được khuyến khích; nên được coi là điển hình để nhân rộng cho cả nước.

    Những cái nhìn từ Quảng Nam lại thêm ý nghĩa khi thời điểm này, Bộ Chính trị vừa “gia hạn” chủ trương giao đất – giao rừng thành Nghị quyết 30-NQ/TW.

    Để không xảy ra hiện tượng “quá tam ba bận”, chủ trương về giao đất – giao rừng được thực hiện đúng như “linh hồn” của của nó, từ Quảng Nam có thể cho nhiều quan tâm.

    Suy nghĩ đầu tiên, cũng chính tại Quảng Nam, yếu tố “thực chất” của giao đất – giao rừng cần được chú trọng hàng đầu. Điều này là bài học từ hiện tượng “bình mới rượu cũ” như kết quả hơn 10 năm qua đã phản ánh.

    Với các cụm từ khóa “Nghị quyết 28-NQ/TW” và “bình mới rượu cũ”, công cụ tìm kiếm google cũng cho ra 41.000 kết quả (tính đến thời điểm bài báo này được viết) đã cho thấy thực trạng này.

    Suy nghĩ thứ hai là về tỷ lệ rất thấp người dân (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng và dựa vào rừng) có đất để sản xuất. Ví dụ, ở địa phương Quảng Nam, tính đến nay chỉ có 13,77% hộ gia đình được giao đất – giao rừng để sản xuất.

    Suy nghĩ thứ ba là thực trạng người dân nhận thức sai lệch hoàn toàn về các chủ trương, chính sách liên quan đến giao, khoán bảo vệ rừng. Ông Võ Hoàng Nguyên, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang, một người gắn bó và rất hiểu công tác giao đất – giao rừng ở địa phương này, cho rằng:

    “...người dân nghĩ rằng đất giao khoán đồng nghĩ với đất được cấp bìa đỏ (chủ sở hữu) nên cứ sử dụng để mua bán và khai thác sử dụng đất rừng tùy ý. Đây là hậu quả triển khai “sơ sài” của các Chương trình 327 ở địa phương, chương trình khoán theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chi trả dịch vụ môi trường rừng”.

    Và còn nhiều suy nghĩ khác nữa (phản ánh từ địa phương) như:
    • Sự mai một văn hóa cộng đồng - ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng (phản ánh của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam);
    • Thí điểm giao đất – giao rừng gắn với tập quán văn hóa truyền thống cho cộng đồng mà Đoàn công tác đang cùng UBND tỉnh Quảng Nam xúc tiến là vấn đề  cần thiết để rút kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng (ghi nhận từ nội dung làm việc của Đoàn)...
     Trần Văn Việt: Chuyên viên Ban Kinh tế Trung ương

Bài viết khác