Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hội nghị tổng kết giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng tại Hạnh Dịch

  • Từ 2011 đến 2013, UBND huyện Quế Phong, Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI) và Liên minh Chủ quyền Sinh kế (LISO) đã phối kết hợp triển khai Chương trình thí điểm giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho cộng đồng các thôn bản người Thái tại xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) theo Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT/BNNPTNT-BTNMT của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT ngày 29/01/2011.

    Chương trình được các bên phối hợp thực hiện trên cơ sở 11 bước giao đất giao rừng (GĐGR) dựa vào cộng đồng có kế thừa các giá trị luật tục của người Thái đã được Liên minh LISO nghiên cứu và đúc kết. Theo đó, người dân và các cộng đồng là đối tượng chính triển khai và giám sát các hoạt động như khảo sát hiện trạng đất và rừng, đo đếm trữ lượng rừng, giải quyết các vướng mắc...Công tác nghiên cứu, tổng kết và lồng ghép các giá trị luật tục cũng như các tri thức địa phương của các cộng đồng với chính sách của Nhà nước trong phân định ranh giới các loại đất rừng, qui hoạch sử dụng đất rừng được các bên xác định là chìa khoá quyết định sự thành công của chương trình GĐGR. Sự lồng ghép này đã tạo điều kiện giải quyết ổn thoả các vướng mắc, xung đột trong quản lý tài nguyên rừng và góp phần nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng đất rừng sau giao đất. 

    Phụ nữ xã Hạnh Dịch xác tham gia xác định ranh giới đất rừng cộng đồng

    Kết quả, cộng đồng các bản Pỏm Om, Chiếng, Pà Kỉm, Khốm và Pà Cọ thuộc xã Hạnh Dịch đã được nhận quyền quản lý 613,66 ha đất rừng, gồm những diện tích đất rừng tâm linh, đất rừng thuốc nam, rừng đầu nguồn nước và một phần đất rừng sản xuất.

    Để có được những bài học kinh nghiệm làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác, ngày 4 tháng 11 năm 2014 tại xã Hạnh Dịch, UBND huyện Quế Phong đã tổ chức Hội nghị đánh giá Chương trình giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho các cộng đồng triển khai thí điểm tại xã Hạnh Dịch.

    Tham gia Hội nghị có đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, lãnh đạo UBND huyện Quế Phong, UBND xã Hạnh Dịch và ban ngành địa phương, Viện SPERI, Liên minh LISO, Mạng lưới Đất rừng, cơ quan truyền thông và đại diện các cộng đồng đã được giao đất và rừng.

    Đại diện cho các cộng đồng các thôn bản đã chia sẻ về kết quả và lợi ích lâu dài của việc đảm bảo chủ quyền đất và rừng cho các cộng đồng của họ.

    Ông Lô Cẩm Xuyên - Bí thư bản Pỏm Om cho biết:“Trước đây khi chưa được giao đất giao rừng thì người dân trong bản, ngoài bản vẫn thường vào rừng để chặt phá dẫn đến nhiều cây to bị đốn hạ mà người dân bản không biết làm thế nào? Tuy nhiên, từ khi được giao đất giao rừng, cộng đồng đã tự quản lý bảo vệ theo quy chế và hương ước của bản. Người dân Pỏm Om bây giờ đã khác rồi, có rừng, có nước, có đất và có cả lương thực nên thoát được đói, được nghèo”.

    Ông Vi Đình Văn - Thành viên Mạng lưới Đất rừng nhấn mạnh: “Năm 2003 Nhà nước mới chỉ tạm giao cho các hội đoàn thể các thôn bản tự quản lý bảo vệ theo NĐ/163/NĐ-CP nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, đất rừng rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc. Từ năm 2012 trở lại đây, khi chính thức giao sổ đỏ cho cộng đồng quản lý bảo vệ thì các sản phẩm phi gỗ từ rừng ngày càng nhiều hơn, chất lượng rừng tốt hơn và việc quản lý bảo vệ cũng dễ dàng hơn”.

    Các đại biểu cũng đưa ra các vấn đề có liên quan đến chính sách và chế độ hưởng lợi từ rừng, phát triển rừng cũng như những bất cập, thách thức sau GĐGR cho cộng đồng. Đặc biệt là các đại biểu cũng đã có ý kiến đề xuất chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng cộng đồng để trồng cao su của Nông trường Cao su Quế Phong.  

    Theo ông Trần Trọng Bình – Chuyên viên Tổng cục Lâm nghiệp: “…nạn chặt trộm và lấn đất cần phải được xử lý dứt điểm. Đối với việc lấn chiếm đất, Nhà nước đã có quy định rõ ràng… và phải được xử lý theo đúng Luật. Theo đó cần xác định rõ chủ thể quản lý đất rừng, sau đó xác định ranh giới. Nếu bên nào vi phạm buộc phải trả lại đất, nếu không trả chính quyền phải vào cuộc để cưỡng chế, xử phạt theo luật pháp…”

    Ông Lang Văn Minh-PCT UBND huyện Quế Phong cho biết, Chương trình giao đất gắn với giao rừng thí điểm cho cộng đồng các thôn bản ở xã Hạnh Dịch theo Thông tư liên tịch 07 được triển khai thành công và có hiệu quả. Các bên liên quan tham gia đã thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình trong suốt quá trình triển khai. Tuy nhiên, sự phối kết hợp giữa Phòng TN&MT, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hạt Kiểm lâm, UBND xã và ban ngành liên quan khác trong việc giải quyết các vướng mắc đất đai sau giao đất cần phải quyết liệt và triệt để hơn nữa. Ông cũng đề nghị sự hỗ trợ của Viện SPERI, Liên minh LISO và Tổng cục Lâm nghiệp để nhân rộng mô hình giao rừng gắn với đất lâm nghiệp này tới tất cả các thôn bản khác trong địa bàn huyện Quế Phong trong thời gian tới.

    Bùi Tiến Dũng (LandNet)

Bài viết khác