Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hội nghị đánh giá triển khai mô hình khôi phục và phát triển rừng đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng Hố Mười

  • Mô hình “Khôi phục và phát triển rừng đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng” tại thôn Hố Mười, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn được Trung tâm CIRUM tư vấn, hỗ trợ thực hiện từ năm 2010.

    Mô hình được triển khai trên diện tích 59,6 ha đất lâm nghiệp sau khi Công ty Lâm nghiệp một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc trả lại vào năm 2010. Số diện tích này đã được UBND huyện Hữu Lũng hoàn tất thủ tục pháp lý giao cho cộng đồng Hố Mười quản lý 21,8 ha và số còn lại 37,8 ha giao cho 43 hộ gia đình.

    Để làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động cho thời gian tới, ngày 25 tháng 11 năm 2014, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hố Mười, MLĐR Hữu Lũng và UBND xã Minh Sơn đã tổ chức Hội nghị đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình này.
     
    Tham dự Hội nghị có đại diện UBND huyện Hữu Lũng, Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng, UBND xã Minh Sơn, Mạng lưới Đất rừng, Trung tâm CIRUM, thôn Hố Mười và 43 hộ gia đình thực hiện mô hình.

    Theo báo cáo của ông Hoàng Văn Liên (PCT UBND xã Minh Sơn) và ông Lâm Văn Chín (Trưởng thôn Hố Mười) thì việc triển khai thực hiện mô hình có hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của địa phương. Ban quản lý đã có những nỗ lực để động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia xây dựng mô hình. Cơ bản, cây bạch đàn trong diện tích của các mô hình từng bước được bài trừ, thay vào đó là các loại cây bản địa như Lim, Lát, Trám, Sấu và cây phụ trợ như Keo đang sinh trưởng và phát triển tốt.

    Các báo cáo cũng đã chỉ rõ một số vấn đề cần khắc phục như tồn tại tâm lý nuối tiếc chồi cây bạch đàn tái sinh để thu lợi nên có hộ vẫn chưa chặt bỏ triệt để. Ở một vài địa điểm trong các mô hình vẫn còn thấy cỏ dại lấn át cây bản địa. Việc tiến hành đóng cột mốc ranh giới chưa được thực hiện đồng bộ trên toàn diện tích...Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có xung đột nào liên quan đến vấn đề ranh giới giữa các hộ.
     
    Ngoài ra, theo phản ánh của các đại biểu thì việc liên kết giữa các thành viên trong công đồng vẫn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng cháy 2,5 ha rừng cộng đồng trong tháng 5/2011.
     
    Ông Hưa Tiến Hữu cho biết:  “Việc cháy rừng cộng đồng trong thời gian qua là do các thành viên chưa thật sự có trách nhiệm với nhau, rừng cộng đồng đang rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc. Chúng ta cần phải đoàn kết hơn, có trách nhiệm hơn trong thời gian tới. Đối với phần rừng cộng đồng liền kề với lô đất của gia đình nào thì giao cho gia đình đó quản lý, bảo vệ và được hưởng lợi ích từ rừng cộng đồng đó như mầm  cây bạch đàn, các sản phẩm phụ. Gia đình nào thực hiện không tốt thì giao cho gia đình khác.

    Từ những kết quả và thực trạng nêu trên, Hội nghị đã tiến hành thảo luận đưa ra các giải pháp và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể:
    • Đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành việc chôn cột mốc ranh giới đất đai;
    • Tiếp tục chăm sóc diện tích rừng cộng đồng đã trồng cây bản địa;
    • Rà soát lại diện tích rừng cộng đồng bị cháy để lên kế hoạch trồng bổ sung;
    • Tiếp tục thảo luận để giao diện tích rừng cộng đồng giáp ranh với các hộ gia đình cho các hộ liền kề quản lý. Các gia đình này được hưởng lợi ích từ mầm bạch đàn, củi, đồng thời có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng;
    • Việc phòng cháy rừng là trách nhiệm của toàn cộng đồng, nếu ai phát hiện thì báo lại cho trưởng các nhóm để huy động cộng đồng tham gia phòng, chữa cháy;
    • Thống nhất trao sổ đỏ cho những hộ gia đình tích cực tham gia xây dựng mô hình rừng cộng đồng.
     
    Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo chính quyền địa phương (ông Hoàng Văn Hùng - PCT UBND huyện, ông Đỗ Mạnh Tưởng - Bí thư Đảng uỷ xã Minh Sơn) đều ủng hộ các kế hoạch đã thảo luận. Theo đó, lãnh đạo xã, thôn và Ban quản lý cần thúc đẩy người dân tiếp tục thực hiện tốt các quy chế quản lý và phát triển rừng do chính mình xây dựng lên, UBND và các ban ngành của huyện sẵn sàng tham gia hỗ trợ các khi có yêu cầu.
     
    Ông Lê Kiên Cường - Điều phối viên MLĐR khẳng định, Mạng lưới sẽ luôn đồng hành với bà con trong quá trình xây dựng mô hình, trong thời gian tới. MLĐR sẽ cùng Ban quản lý thôn và cộng đồng, tiến hành rà soát lại diện tích bị cháy, chôn cột mốc ranh giới và xây dựng kế hoạch trồng bổ sung cây bản địa trên mô hình.
     
    Kết thúc Hội nghị, Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng đã trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (diện tích 0,5ha ở phần ven chân rừng) cho 10 hộ gia đình tham gia tích cực trong việc xây dựng mô hình đã được cộng đồng bình chọn.

    Bá Thẩm  (CIRUM)

Bài viết khác