Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hội Đông y xã Đồng Thắng: Gìn giữ và phát triển nghề thuốc nam truyền thống

  • Với các thầy dạy võ, cứ mỗi thầy dấu đi một ngón võ không truyền lại cho học trò của mình và cứ thế từ thế hệ này qua thế hệ khác các nghề võ bị thất truyền, tri thức về sử dụng cây thuốc và các bài thuốc dân gian cũng nằm trong bối cảnh tương tự từ lâu nhiều năm nay. Nếu các thầy thuốc, ai cũng cứ khư khư ôm cái bí quyết của mình mà không có ý thức truyền lại cho hậu thế thì nhân loại không chỉ thiệt thòi mà nghề thuốc nam cũng sẽ dần dần biến mất. Thúc đẩy sự chia sẻ và truyền nghề cho cộng đồng và các thế hệ đang là nỗ lực của các thầy thuốc xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn bởi các hoạt động chia sẻ hết sức nhiệt thành và tin cậy.

    Vượt qua 17 km đường rừng từ Quốc lộ 4B để đến được với bà con Tày, Dao, Sán chỉ xã Đồng Thắng là cả một sự kỳ công. Nhưng đến nơi mới thấy công sức bỏ ra thực sự được đền đáp. Bao bọc sáu thôn bản là những cánh rừng xanh ngút tầm mắt, những gốc Lim xanh sừng sững sống cùng với bao thế hệ người dân nơi đây. Dưới những tán rừng xanh là nơi quy tụ của nhiều loài cây thuốc nam là Nấm lim xanh, Ba kích, Hoàng đằng, Na rừng... Tại đây, nếu đến bất cứ gia đình nào cũng đều thấy sự hiện diện của cây thuốc nam, dù là ở xung quanh những ngôi nhà, trong vườn  hay là những ấm nước chè uống hàng ngày cũng là những cây, những vị thuốc nam. Bấy nhiêu đó thôi đủ để cảm nhận được cây thuốc nam gần gũi với bà con nơi đây đến nhường nào. Cuộc sống hòa mình vào núi rừng, gắn liền với những cây thuốc nam đã đúc kết thành những kinh nghiệm trong việc sử dụng cây thuốc nam và hình thành bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc nơi đây. Vùng đất này đã sinh ra những ông lang, bà mế hái thuốc chữa bệnh cứu người từ bao đời nay. Từ xa xưa, cha truyền con nối gìn giữ nghề thuốc nam truyền thống, cho đến nay người dân Đồng Thắng ai cũng đều muốn biết sử dụng cây thuốc trên rừng để chữa bệnh.

    Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây nguồn tài nguyên cây thuốc đang bị khai thác ồ ạt để bán cho tư thương dẫn đến nhiều cây thuốc nam trong rừng tự nhiên đang dần biến mất trên địa bàn xã Đồng Thắng. Cây thuốc mất dần, những tri thức thuốc nam trong việc sử dụng cây thuốc nam vốn có từ hàng trăm năm nay cũng đã và đang bị mai một theo năm tháng.

    Nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống chữa bệnh bằng thuốc nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu được học hỏi kiến thức sử dụng cây thuốc nam và lưu giữ nghề thuốc nam truyền thống, ngày 15 tháng 9 năm 2013, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), Hội Đông y xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) đã tổ chức khóa đào tạo truyền nghề cho thế hệ trẻ về sử dụng cây thuốc nam chữa một số bệnh thường gặp.
     
    Thầy thuốc Trương Thị Pẹ-dân tộc Nùng đến từ xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng (người thứ 3 từ trái sang phải) cùng các thầy thuốc nam Đồng Thắng đang chia sẻ trên thực địa về công dụng của một số loài cây thuốc.

    Khóa đào tạo truyền nghề cho thế hệ trẻ của Hội Đông y xã Đồng Thắng thu hút sự tham gia của 25 hội viên, 03 thanh niên trẻ (01 nam, 02 nữ), 04 người dân đến từ các thôn và 1 cán bộ Trạm y tế. Bà Trương Thị Pẹ thầy thuốc nam dân tộc Nùng (xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) được mời đến đào tạo, chia sẻ các bài thuốc nam. Sự khác biệt về ngôn ngữ của bốn dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán chỉ không làm cho họ ngại ngùng. Tất cả mọi người sử dụng tiếng Tày – ngôn ngữ chung của mọi người – xóa tan khoảng cách giữa họ. Với phương pháp chia sẻ ngoài thực địa và tại hội trường giúp các học viên dễ dàng tiếp thu các nội dung của khóa đào tạo. Bà con vô cùng hào hứng khi ra vườn thuốc nam tìm hiểu về công dụng, cách kết hợp của các cây thuốc trong bài thuốc nam. Không khí sôi nổi với nhiều câu hỏi và cách trả lời dí dỏm của bà mế Trương Thị Pẹ làm khóa đào tạo thêm phần vui hơn. Thầy thuốc Trương Thị Pẹ là hội viên Hội Đông y xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Hội Đông y xã Tân Thành là một trong những thành viên tích cực của Mạng lưới thuốc nam từ các địa phương từ các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, của Việt Nam và các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào do Trung tâm CIRUM hỗ trợ thành lập.

    Hơn hai giờ đồng hồ rộn rã tiếng nói cười tại vườn thuốc nam cộng đồng mọi người trở về phòng họp. Khác với sự sôi nổi khi đi thực tế tại vườn thuốc nam, đây là khoảng thời gian mọi người cùng lắng nghe câu chuyện của từng người kể về những căn bệnh mà người thân trong gia đình họ mắc phải. Bà mế lắng nghe và tận tình chỉ từng cây thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa trị. Mỗi người sau khi đã ghi chép đầy đủ và nhớ lời dặn của bà mế như trút được gánh nặng lo âu.

    Để nắm rõ hơn các loài cây có trong bài thuốc và có thể trở thành “thầy thuốc gia đình” bà mế cùng đi thực địa với các hội viên, thanh niên để nhận biết các loài cây thuốc và lấy cây thuốc về trồng tại vườn nhà.

    Kết thúc khóa đào tạo vẻ mặt ai cũng đều hân hoan và tự tin khi được trang bị thêm những kiến thức về sử dụng cây thuốc nam. Chị Hoàng Thị Biên - cán bộ Trạm y tế tham gia khóa đào tạo cho biết “Đây là cơ hội để tôi học hỏi để biết sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh trong gia đình và hữu ích trong công việc của tôi. Bản thân tôi cũng muốn học thêm y học cổ truyền nhưng không có cơ hội và thời gian nên đây là một dịp để tôi tham gia học hỏi.”

    Bữa cơm trưa thân mật, những chén chè thuốc nam truyền tay nhau uống, những làn điệu Then say lòng người sau giờ cơm trưa gắn kết các thành viên lại với nhau hơn.

    Lâm Thanh Huyền (CIRUM)

    Một số hình ảnh khóa đào tạo

     
    Tìm hiểu công dụng các loài cây thuốc nam và các kết hợp thành bài thuốc

     
    Đi thực địa nhận biết cây thuốc nam và lấy cây về trồng tại vườn nhà
     
    Chụp ảnh lưu niệm cùng bà mế Trương Thị Pẹ (người đứng giữa trong hàng đầu)
     

Bài viết khác