Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hiệu quả mô hình vườn ươm cây gỗ bản địa

  • LCĐT - Sau 1 năm đi vào hoạt động, khu vườn ươm mô hình “Lâm nghiệp sinh thái Nàn Sán”, thuộc thôn Đội 4, xã Nàn Sán (Si Ma Cai) do Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) thực hiện đã phát huy hiệu quả trong việc tăng cường tiếp cận, bảo vệ và quản lý đất rừng của cộng đồng.



    Kiểm tra cây giống tại vườn ươm mô hình “Lâm nghiệp sinh thái Nàn Sán”.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Thắng, Trung tâm CIRUM cho biết: Xuất phát từ ý tưởng phát triển rừng kinh tế, Trung tâm đã đến nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Si Ma Cai để khảo sát thực địa, tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu, việc phân bố các giống, loài, cây lâm nghiệp; đồng thời gặp, trao đổi với các già làng, chuyên gia địa phương, những người có kinh nghiệm trong ươm, trồng và phát triển rừng. Từ đó so sánh, tổng hợp, phân tích để xây dựng khu vườn ươm tại xã Nàn Sán. Nói thì vậy, nhưng để có được kết quả này, cán bộ, chuyên gia Trung tâm đã phải mất nhiều tháng để lựa chọn loại cây giống phù hợp nhất.

    Hiện tại, nhu cầu cây giống để trồng rừng trên địa bàn huyện ngày càng cao, trong khi nguồn cây giống hạn hẹp và chi phí cao, chất lượng không đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Nhiều loại cây giống bản địa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nhưng khó mua. Đây chính là nhu cầu của cộng đồng và cũng chính là động lực để Trung tâm CIRUM xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp bản địa ngay tại địa phương.

    Dẫn chúng tôi đi thăm vườn ươm cây giống lâm nghiệp, anh Hoàng Văn Thới, quản lý vườn ươm chia sẻ: Nghề ươm cây giống lâm nghiệp đã có từ lâu trên vùng cao Si Ma Cai, tuy nhiên sản xuất mang tính manh mún, thiếu sự liên kết. Trước thực tế đó, Trung tâm CIRUM đã quyết định xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp bản địa đảm bảo chất lượng và phát triển đa dạng loại cây lâm nghiệp bản địa. Năm 2015, cán bộ và chuyên gia của Trung tâm CIRUM cùng với nông dân địa phương đã bắt đầu các công đoạn cho việc xây dựng vườn ươm từ làm đất, lên luống, đóng bầu, xử lý hạt giống, gieo hạt, rồi đến cấy cây con vào bầu và chăm sóc.

    Vườn ươm hiện nay có quy mô 6.000 m2. Các loài cây gỗ bản địa sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo chất lượng. Vườn ươm được thiết kế và xây dựng bởi các chuyên gia, cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm thực tế cao với sự tham gia của bà con ở các xã lân cận. Mục tiêu của vườn ươm là cung cấp những giống cây gỗ bản địa có chất lượng, góp phần phục hồi rừng tự nhiên, đảm bảo tính đa dạng sinh học, ổn định kinh tế, xã hội cho các cộng đồng dân tộc trên địa bàn.

     Chị Sùng Thị Là, một trong những thành viên tham gia làm vườn ươm chia sẻ: Tôi làm tại vườn ươm từ đầu, không chỉ có thêm thu nhập, tôi còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ cách đóng bầu, ươm cây giống… Hiện, gia đình tôi trồng được 2 ha rừng.

    Với sự tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, cây giống tại khu vườn ươm khỏe, đảm bảo tỷ lệ sống cao, kháng bệnh tốt. Cây giống có thể bán ra thị trường thấp hơn khoảng 500 đồng/cây so với nguồn cây giống từ nơi khác chuyển về.

    Hiện, mô hình “Lâm nghiệp sinh thái Nàn Sán” đã ươm được 1 vạn cây lát, 3 vạn cây xoan đào, 1 vạn cây mỡ, 15 vạn cây sa mộc, 3.000 cây sưa đỏ, 6.000 cây mận Tả Van.  Những giống cây này đã sẵn sàng phục vụ trồng rừng năm 2016 trên địa bàn huyện Si Ma Cai. Đây là những cây gỗ có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng.

    Phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng hỗn loài bằng cây gỗ bản địa là một trong những mục tiêu chiến lược của Nhà nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, góp phần giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra và ổn định cuộc sống bền vững. Nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoán bảo vệ rừng. Việc đưa vườn ươm cây giống vào hoạt động cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều hộ dân trong huyện.

    Anh Lèng Văn Sường, thôn Sín Chải, xã Bản Mế cho biết: Sau khi tham quan một số mô hình trồng rừng hiệu quả tại các huyện, anh muốn làm theo, nhưng khi mua cây giống, gia đình anh phải tìm đến các huyện vùng thấp mới có thể mua được giống cây. Tuy nhiên, chất lượng cây giống không đảm bảo, phải vận chuyển xa, hơn nữa chi phí vận chuyển rất tốn kém. Từ khi Trung tâm CIRUM có vườn ươm cây bản địa, gia đình không phải vất vả tìm cây giống và được cán bộ vườn ươm hướng dẫn tận tình kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.

    Hiện, gia đình anh Sường trồng được 3 ha rừng, gồm nhiều loài cây lâm nghiệp bản địa và đã bắt đầu cho khai thác. Trong vài năm tới, anh Sường có nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng từ khai thác rừng trồng, mang lại nguồn lợi đáng kể.

    NGÔ ĐÌNH NAM
    Baolaocai.vn

Bài viết khác