Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hàng trăm ngàn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất

  •  
    Mặc dù sống ở nơi tập trung nhiều đất sử dụng vào mục đích lâm nghiệp nhưng nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thiếu đất sản xuất-Ảnh TL

    (TBKTSG Online) - Mặc dù diện tích đất đang sử dụng vào mục đích lâm nghiệp và có tiềm năng lâm nghiệp phân bổ chủ yếu ở vùng núi - nơi định cư của khoảng 14% đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng lại đang xảy ra tình trạng hàng trăm ngàn hộ dân thiếu đất sản xuất.

    Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo “Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi” diễn ra ngày 1-11 tại Hà Nội.

    Kết quả thống kê đất đai đến 1-1-2011 cho thấy, trong tổng số hơn 33 triệu héc ta diện tích đất tự nhiên của cả nước, diện tích sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp khoảng hơn 10 triệu héc ta, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp khoảng 15 triệu héc ta và còn khoảng hơn 2,6 triệu héc ta đất đồi núi chưa sử dụng. Đất đang sử dụng vào mục đích lâm nghiệp và có tiềm năng lâm nghiệp phân bố tập trung ở vùng núi, nơi định cư của gần 25 triệu người, trong đó có khoảng 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 14% dân số)

    Mặc dù có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp, nhưng theo đại diện Viện Nghiên cứu sinh thái Chính sách xã hội (SPERI), vùng miền núi hiện nay lại là những vùng có nhiều áp lực vì thiếu quỹ đất để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

    Thực tế cho thấy, quá trình thực thi chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi đã bộc lộ nhiều vấn đề bức xúc trong quản lý sử dụng tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng, đặc biệt là tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề này đang trở thành rào cản trong quá trình đảm bảo sinh kế và ổn định xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam.

    Tính đến tháng 9-2012, cộng đồng dân tộc thiểu số cả nước vẫn còn 327 ngàn hộ thiếu đất, trong đó có khoảng gần 33 ngàn hộ thiếu đất ở và 294 ngàn hộ thiếu đất sản xuất.

    Không chỉ là thiếu đất, chất lượng đất sản xuất, theo đại diện một số tỉnh, không đảm bảo điều kiện sản xuất. Đất thường xấu và điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu là nương núi đá, nương núi đất có độ dốc cao. Đối với đất lâm nghiệp, mặc dù đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi, nhưng diện tích rừng được giao cho hộ, cộng đồng quản lý còn rất ít.

    Tại hội thảo, các đại biểu cũng đồng ý với việc do thiếu nguồn lực cơ bản để ổn định sinh kế là đất đai và điều kiện cơ sở hạ tầng miền núi còn nhiều khó khăn nên mức chênh lệch về đời sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh có xu hướng ngày càng tăng, sự tiếp cận của người dân đến các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục còn nhiều hạn chế.

    Trong quá trình phát triển, ở vùng dân tộc thiểu số đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa tập quán văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa quyền quản lý tài nguyên thiên nhiên mang bản sắc văn hóa riêng với các nông lâm trường quốc doanh, các tổ chức, công ty tư nhân…

    (Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/86326/)

Bài viết khác