Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi: Thách thức từ thiếu đất sản xuất

  • Có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp nhưng hiện nay vùng núi đang đối mặt với nhiều áp lực vì thiếu quỹ đất để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo. Đó là một trong những ý kiến được nêu ra tại Hội thảo: "Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng DTTS miền núi”, do Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách (Speri), Viện Tư vấn phát triển (Code) tổ chức sáng 1-11 tại Hà Nội.
     
     
    Người Mông ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) chăm sóc ngô
     
    Theo thống kê, đến tháng 9-2012, cộng đồng các DTTS cả nước vẫn còn gần 327 nghìn hộ thiếu đất, trong đó có khoảng 33.000 hộ thiếu đất ở và 294.000 hộ thiếu đất sản xuất. Đối với nhóm 16 dân tộc rất ít người (dân tộc có dân số dưới 10.000 người) có đến 40,7% số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp, bình quân đất sản xuất của 16 dân tộc này chỉ khoảng 0,1ha/khẩu.
     
    Kết quả điều tra tại 6 buôn, làng Tây Nguyên trong tháng 7-2012 do Speri tiến hành cho thấy: chỉ có 22,53% số hộ cho biết có đủ hoặc thừa đất sản xuất để ổn định đời sống, còn lại 77,4% số hộ thiếu đất sản xuất. Tương tự tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, nơi định cư của nhiều đồng bào dân tộc Nùng, Dao… tình trạng thiếu đất sản xuất cũng diễn ra phổ biến. Bình quân đất sản xuất rất thấp, chỉ có 0,18ha/hộ và 0,48ha đất màu/hộ. Đất rừng cũng mới chỉ được giao bình quân 0,12 ha/hộ còn lại thuộc quyền quản lý của Công ty lâm, công nghiệp Đông Bắc. Thiếu đất sản xuất nên các hộ dân buộc phải lấn chiếm đất của Công ty lâm, công nghiệp gây nên mâu thuẫn tranh chấp trong quản lý sử dụng đất rừng từ năm 2008 - 2011. 
     
    Giao đất và giao rừng cho người dân, đặc biệt là các cộng đồng thôn, bản được xem là chiến lược quan trọng của Nhà nước nhằm quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng, góp phần hỗ trợ cộng đồng DTTS ổn định đời sống. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, phần lớn việc giao quyền sử dụng rừng và đất rừng lại thuộc về các tổ chức, công ty lâm nghiệp. Hệ quả là đã thu hẹp không gian sinh tồn, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vùng miền núi. Nhiều nơi người dân sống ngay cạnh rừng nhưng việc tiếp cận đất và tài nguyên rừng rất hạn chế. Điển hình như tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai), quỹ đất rừng chủ yếu thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (chiếm 55,6%), quỹ đất chưa giao cho UBND xã quản lý chỉ còn 371 ha nhưng phân bố manh mún, rải rác. 
     
    Ông Phan Đình Nhã (Viện Code) phản ánh, trong khi đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng), từ sau thời kỳ đổi mới Nhà nước đã cơ bản giao đồng loạt toàn bộ quyền sử dụng đất cho người dân theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP) và tạo bước đột phá quan trọng về đảm bảo an ninh lương thực và ổn định cuộc sống cho người dân. Trong khi đó, ở miền núi đất lâm nghiệp đến năm 2011 chủ yếu vẫn giao cho các tổ chức, chiếm 47,1% quỹ đất. Rừng do các lâm trường quản lý vẫn bị chặt phá, tình trạng xâm lấm đất đai ngày càng nhiều và kéo dài. Trong khi đó cuộc sống của cộng đồng miền núi đang đứng trước nguy cơ ngày càng khó khăn do thiếu quyền quản lý và sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế gia đình. 
     
    Nhìn chung, đời sống của người dân miền núi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lâm sản và dịch vụ môi trường từ rừng tự nhiên. Vì vậy, để công tác giảm nghèo bền vững hiệu quả cần chú trọng đến quyền tiếp cận quản lý và sử dựng tài nguyên rừng và đất rừng cho cộng đồng dân tộc miền núi. Trong đó, phương án giải quyết đất sản xuất cho các hộ thiếu đất cần bổ sung việc giao đất lâm nghiệp (đất nương rẫy, đất rừng) cho hộ gia đình và cộng đồng nhằm phát huy tập quán sinh kế và văn hóa truyền thống gắn với rừng và bảo vệ rừng. Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị: Đất đai là vấn đề trọng yếu phải được quy định trong Hiến pháp, Hiến pháp phải quy định rõ quyền của người dân, phải chấp nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng của dân về đất đai, đất rừng. Luật Đất đai cần quy định Nhà nước có chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc cư trú theo cộng đồng, nhất là dân tộc ở vùng biên giới, vùng di dân tái định cư.

    (Nguồn: Lê Bảo - http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=57330&menu=1390&style=1)

Bài viết khác