Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Công ty lâm nghiệp hoạt động kiểu “ngư ông đắc lợi”

  • Theo các chuyên gia nghiên cứu về đất rừng, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường quốc doanh, đến nay tình trạng tranh chấp, xâm chiếm đất đai vẫn diễn ra gay gắt, đặc biệt là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

    Con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cho thấy, diện tích đất xảy ra tranh chấp giữa công ty lâm trường và người dân tính đến tháng 12/2012 là gần 31.000 ha; trong đó có nhiều trường hợp ngày càng diễn biến phức tạp, khó giải quyết. Song, theo các chuyên gia thì con số này chỉ là phần nhỏ của “tảng băng chìm,” chưa phản ánh được tính phức tạp của các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, hay cách thức giải quyết tranh chấp tại các địa phương.


    Vietnam+ xin gửi tới độc giả chùm bài viết “Bất cập trong quản lý, sử dụng đất lâm trường quốc doanh” nhằm phản ánh toàn diện về vấn đề này.

    Bài 1: Công ty lâm nghiệp hoạt động kiểu “ngư ông đắc lợi”

    Theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, nhiều diện tích đất nông-lâm trường trên phạm vi cả nước đã và đang bị “xẻ thịt” nghiêm trọng. Tại Lạng Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc được giao quản lý gần 22.000 ha đất rừng, song nhiều năm qua nơi đây cũng là điểm nóng về tranh chấp, lấn chiếm.

    Điều đáng nói, mặc dù tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng diễn ra ở hầu hết các thôn, xã-nơi công ty lâm trường quản lý với quy mô ngày càng phức tạp, diện tích đất cũng thu hẹp dần. Song nhờ sở hữu “con át chủ bài” (quy định người dân nộp sản lượng) nên công ty lâm trường vẫn “sống khỏe,” kể cả trên những phần diện tích đất bị dân lấn chiếm. 

    Nghịch lý thừa-thiếu

    Với mục đích tháo gỡ mâu thuẫn về tranh chấp đất nông-lâm trường đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và xóa đói giảm nghèo cho người dân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc dự kiến phải trả về cho địa phương gần 13.000 ha; trong đó dự kiến trả cho tỉnh Lạng Sơn  hơn 11.000 ha, tỉnh Bắc Giang hơn 1.500 ha. 

    Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của Viện Tư vấn phát triển (CODE) thì diện tích dự kiến công ty này phải trả lại tại các tỉnh đến nay vẫn chưa được thu hồi, hoặc đã thu hồi nhưng không giao lại được cho người dân, vì phần đất này đang bị các hộ dân lấn chiếm.

    Cụ thể, chỉ tính riêng địa bàn thôn Cốt Cối, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) với khoảng 400 ha đất do Công ty Đông Bắc quản lý thì diện tích bị các hộ dân lấn chiếm là 272 ha (chiếm 68%), diện tích đất đang tranh chấp khoảng 70ha.

    Về thực tế này, ông Lăng Văn Chiến, Phó Chủ tịch xã Tân Thành cho biết xuất phát từ việc công ty lâm trường "ôm" quá nhiều đất, một số nơi sản xuất cho hiệu quả thấp, trong khi người dân xã Tân Thành lại thiếu đất sản xuất (trung bình khoảng 1-2 sào/hộ). Thêm nữa, diện tích đất nương rẫy cũng ngày ít đi (trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 0,3 đến 0,4 ha) nên đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai.

    [Quản lý kém, vi phạm đất nông-lâm trường tràn lan]

    Theo ông Chiến, khởi điểm của tình trạng tranh chấp đất đai tại địa phương xảy ra từ năm 2000, đặc biệt nhất là năm 2005. Vấn đề này từ đó đến nay vẫn không ngừng xảy ra, khiến bản thân vị Phó Chủ tịch này mỗi ngày phải dành 70% thời gian cho việc hòa giải mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa các hộ dân và công ty.

    “Đáng buồn là Ủy ban Nhân dân xã lại không có cái quyền xử lý. Về mặt pháp lý, công ty lâm trường không trực thuộc chính quyền địa phương mà do Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý. Hơn nữa, chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm hòa giải, do đó việc chỉ đạo giải quyết tranh chấp rất hạn chế và không khả thi,” ông Chiến nêu khó khăn.

    Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Tân Việt, Giám đốc Công ty Đông Bắc cho biết, đơn vị này đang được giao gần 22.000 ha đất rừng. Tuy nhiên, việc giao đất trước đây thực hiện chưa được bài bản, chưa chính xác, hều hết số diện tích chỉ giao được trên bản đồ, sách mà không được giao trên thực địa, không cắm mốc giải thửa.

    “Tình trạng lấn chiếm đất, chặt phá rừng thực tế đã xảy ra từ nhiều năm trước đây nhưng chính quyền địa phương lại chưa vào cuộc quyết liệt, nên đến nay vẫn chưa được giải quyết,” ông Việt phân bua.


    Người dân xã Tân Thành cho rằng mức khoán sản lượng 26m3 cây gỗ đứng/ha là quá cao

    Mất đất vẫn được… “thu tô”

    Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Tân Thành, toàn xã hiện có hơn 7.000 hộ dân với 80% hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất lâm nghiệp, trong đó hơn 200 hộ dân đang có mâu thuẫn gay gắt với công ty lâm trường.

    Ghi nhận từ địa phương này cho thấy, về cơ chế giao khoán rừng, hiện Công ty Đông Bắc đang có 2 đội sản xuất, mỗi đội quản lý trồng rừng khoảng 3,7 nghìn hécta, công ty đã thực hiện khoán hộ hơn 2,7 nghìn hécta (chiếm 72%). Tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc bất bình giữa người dân và công ty lâm trường là cơ chế cho đối tượng nhận khoán và định mức khoán (quy mô/hộ, định mức khoán sản lượng).

    Đáng nói hơn, về việc giao khoán trồng và bảo vệ rừng theo chương trình 327 và 661 trước đây (195 ha) người dân tại chỗ cũng không được nhận khoán. Đối với định mức khoán sản phẩm, các hộ dân và chính quyền xã cũng cho rằng mức khoán sản lượng (26m3 cây gỗ đứng/ha, tương đương theo hợp đồng dân hưởng 30%, công ty hưởng 70%) là quá cao, nên thu nhập của người dân về trồng rừng thấp (trung bình chỉ khoảng 2-2,5 triệu đồng/ha/năm).

    Cùng với đó, mâu thuẫn về suy thoái môi trường từ kinh doanh trồng rừng cũng diễn ra phức tạp. Thông thường chỉ 2-3 chu kỳ trồng bạch đàn đất đai sẽ bị bạc màu và khô cằn không trồng được cây khác, kể cả cây sẵn cũng không phát triển được. Do đó, nhiều hộ dân cho rằng việc duy trì tỷ lệ như trong hợp đồng giao khoán là không hợp lý và đã vùng lên lấn chiếm đất lâm trường.

    [Mâu thuẫn đất rừng: Dân bức xúc vì “địa chủ” kiểu mới]

    Trái với “cơn khát” đất sản xuất của người dân, Công ty Đông Bắc lại “ôm” trong tay quá nhiều đất. Theo anh Phạm Đăng Khoa, Đội trưởng đội sản xuất lâm nghiệp (Công ty Đông Bắc), hiện nay đội có 3 người nhưng quản lý tới 700 ha đất sản xuất, chưa kể diện tích bị người dân lấn chiếm.

    “Cũng vì thiếu người nên toàn bộ diện tích đội quản lý đã được giao khoán cho người dân trong và ngoài xã Tân Thành. Trong đó một phần lớn diện tích đang bị các hộ dân lấn chiếm. Tuy nhiên, tới kỳ thu hoạch các hộ nhận giao khoán và hộ lấn chiếm đất của lâm trường sẽ nộp sản lượng,” anh Khoa nói.

    Đặt câu hỏi làm sao công ty có thể thu được sản từ các hộ dân lấn chiếm? anh Khoa bật mí: “Thông thường các hộ dân muốn vận chuyển lâm sản (gỗ) đi tiêu thụ thì phải có bộ thủ tục cấp phép khai thác gồm: Đơn xin khai thác, biên bản xác minh hiện trường cùng với biên bản thỏa thuận giữa công ty và người dân.”

    Trong khi đó, ông Đoàn Quốc Anh, Bí thư chi bộ thôn Cốt Cối, xã Tân Thành cho biết, quy định các hộ nhận khoán, hay không nhận khoán mà chỉ tìm cách sở hữu, tới lúc thu hoạch, vận chuyển vẫn phải nộp sản cho công ty mới được xuất gỗ đi tiêu thụ, ra khỏi địa bàn là không hợp lý.

    “Rõ ràng, với lợi thế sở hữu ‘con át chủ bài’ trong tay, Công ty Đông Bắc dù bị người dân ‘cướp’ đất, có tiếng quản lý kém hiệu quả nhưng vẫn được ‘thu tô.’ Trong khi đó, người dân thiếu đất vẫn là đối tượng bị thiệt thòi,” ông Anh bức xúc nói./.

    Trong khi người dân đang lâm vào tình trạng thiếu đất canh tác trầm trọng, bởi áp lực gia tăng dân số, dẫn tới tình trạng di dân tự do thì không ít công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý hàng nghìn hécta đất lại “ngại” đầu tư, phát triển cây rừng với lý do thiếu… vốn. Và, để duy trì công ty, cũng như đảm bảo thu nhập cho đội ngũ công nhân, họ đã quyết định "thay máu" bằng cách kinh doanh thêm nghề tay trái. Mời độc giả đón đọc bài 2- Sử dụng đất rừng: “Chân ngoài dài hơn chân trong”

    Nguồn: Vietnam+

Bài viết khác