Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Cộng đồng người dân xã Đồng Thắng từng bước khẳng định quyền làm chủ đất rừng

  • Đã không còn cảnh cha chung không ai khóc. Rừng đã có chủ! Cộng đồng người dân các thôn trên địa bàn xã Đồng Thắng đã được giao quyền quản lý tài nguyên rừng và từng bước thực hành quyền của mình trên phạm vi diện tích được giao. Những tấm biển quy định về những điều cấm đã được người dân dựng lên tại các điểm đầu thôn như một lời cảnh báo cho người ngoài và lời nhắc nhở thường xuyên cho mỗi người dân trong cộng đồng. Một sự tuyên bố chủ quyền đã hiển hiện.

    Hệ thống bảng biển rừng cộng đồng ở các thôn bản, góp phần tăng cường quyền quản lý rừng của cộng đồng (Ảnh: Trung tâm CIRUM)

    Xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn là một trong những xã có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, khoảng hơn 2.000 ha với nhiều loài cây lâm nghiệp quý (Lim xanh, Táu, Dẻ, Trám...) và nguồn cây thuốc nam dồi dào, đa dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do áp lực sinh kế, và bên cạnh đó là tình trạng khai thác ồ ạt của người dân trong và ngoài địa phương, đã làm cho tài nguyên rừng bị suy giảm, nguồn nước sản xuất và sinh hoạt bị cạn kiệt..., tạo nên những sức ép cả về xã hội lẫn kinh tế đối với cuộc sống của người dân trong vùng. Tình trạng này đang ngày càng tăng lên.  

    Không phải chỉ riêng ở Đồng Thắng, mà cũng giống như ở nhiều địa phương khác trong tỉnh và trên cả nước, có thể thấy một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực tế này là do người dân nơi đây chưa có trong tay quyền quản lý tài nguyên của chính mình, đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

    Trước thực trạng đó, năm 2010 - 2012, với sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm CIRUM, chính quyền và phòng ban chức năng của huyện Đình Lập, và xã Đồng Thắng phối hợp thực hiện việc điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng tại 6 thôn bản tại xã Đồng Thắng. Hàng chục cuộc họp cấp huyện, xã, thôn đã được tổ chức để thảo luận, thống nhất phương án giao đất, giải quyết vướng mắc. Tiếp đến là hàng tháng trời đo đạc, khoanh vẽ ngoài thực địa với sự tham gia của cán bộ kĩ thuật và cộng đồng người dân địa phương.... Trải qua nhiều khó khăn vất vả đó, đến cuối năm 2012, 100% các vướng mắc về đất đai đã được giải quyết trọn vẹn, hợp lòng dân. Toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng các thôn bản của xã đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng lâu dài theo Thông tư liên tịch 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT về Hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp. Kết quả này không chỉ đã đem lại cơ hội cho người dân nơi đây về một cuộc sống ấm no, ổn định; đem lại sự và an toàn và bền vững cho nguồn tài nguyên rừng và cho toàn bộ đời sống xã hội trên địa bàn, mà còn có thể coi là một thành công lớn của công tác GĐGR dựa vào cộng đồng vì sau việc làm này Đình Lập đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Thông tư 07. Đồng thời bước đầu giúp người dân địa phương khẳng định quyền của mình trong việc bảo vệ rừng bền vững.

    Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng - khẳng định quyền làm chủ đất rừng (Ảnh: Trung tâm CIRUM)

    Để người dân có đầy đủ khả năng quản lý bền vững tài nguyên đất, rừng sau khi được giao, ngay sau khi kết thúc hoạt động GĐGR, Trung tâm CIRUM tiếp tục tư vấn và hỗ trợ địa phương thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên đất, rừng đồng thời góp phần cải thiện sinh kế, môi trường và xã hội của địa phương. Với mục tiêu đó, tháng 4/2013, Ban quản lý dự án xã Đồng Thắng, cộng đồng các thôn đã thảo luận, thống nhất xây dựng Quy chế quản lý rừng cộng đồng nhằm đưa ra các biện pháp quản lý tài nguyên đất rừng ở các thôn. 06 cuộc họp tại  6 thôn bản vừa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng lâu dài theo thông tư 07 đã được thực hiện với sự tham gia của đầy đủ các thành phần, như già làng, phụ nữ, thanh niên... Tại các cuộc họp này, tất cả những ý kiến của người dân đưa ra liên quan đến việc quản lý rừng sau khi được giao, ngăn chặn phá hại rừng từ bên ngoài đã được tổng hợp và xây dựng thành quy chế của các thôn bản. Những quy chế này sau đó đã được UBND xã phê duyệt để đưa vào thực hiện.

    Việc ra đời của quy chế quản lý rừng cộng đồng tại Đồng Thắng giúp người dân có trong tay một công cụ cơ bản, cần thiết để thực hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc quản lý bảo vệ rừng. Sau khi xây dựng được quy chế quản lý rừng cộng đồng, thì việc thực hành quy chế và lồng ghép những nội dung trong quy chế với những kiến thức pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trong thực tiễn là vấn đề rất quan trọng. Để thực hiện được việc đó, tháng 8/2013, Ban quản lý dự án xã Đồng Thắng, Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập cùng với sự tư vấn hỗ trợ của Trung tâm CIRUM tiếp tục tiến hành khóa tập huấn "Quản lý rừng bền vững rừng dựa vào cộng đồng". 25 thành viên tham gia khóa tập huấn gồm lãnh đạo các ban ngành của xã, các trưởng thôn và nòng cốt của các thôn trong xã. Khóa tập huận cung cấp các thông tin chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác quản lý rừng đồng thời lồng ghép những nội dung của quy chế của cộng đồng đã được xã phê duyệt thực hiện. Với những nội dung này, giúp người dân nắm vững các kiến thức liên quan đến quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc khai thác, sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên được giao, góp phần ổn định sinh kế và phát triển kinh tế của địa phương.

    Thảo luận các nội dung của quy chế quản lý rừng cộng đồng (Ảnh: Trung tâm CIRUM)

    Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý bền vững rừng sau khi được giao tại xã Đồng Thắng, đặc biệt là ngăn chặn việc người bên ngoài vào khai thác trái phép rừng của cộng đồng, theo nội dung của quy chế quản lý rừng cộng đồng, một hệ thống bảng biển về rừng cộng đồng với những điều nghiêm cấm được dựng lên tại các thôn bản. Hệ thống bảng biển này đã được Ban quản lý dự án xã cùng cộng đồng thôn thảo luận và thống nhất xây dựng, bảng biển được làm bằng xi măng và đặt tại các điểm đầu vào của thôn như là một giải pháp nhằm ngăn chặn người ngoài vào phá rừng, đồng thời là lời nhắc nhở thường xuyên cho tất cả mọi người về việc cần thực hiện nghiêm chỉnh quy chế quản lý và bảo vệ rừng. Nội dung ghi trên bảng biển được trích trong quy chế quản lý rừng cộng đồng các thôn bản. Trong quá trình dựng bảng biển, người dân nhiệt tình tham gia, họ hào hứng vì từ đây đã có "một cái gì đó" để cho người ngoài biết được rằng, rừng này đã có chủ. Chia sẻ điều này, ông Tằng A Diểng - dân tộc Dzao ở thôn Khe Lạn nói rằng "Trước đây khi thấy người các thôn khác vào đây rất nhiều vừa lấy gỗ, vừa lấy cây thuốc nam bảo họ thì họ bảo rằng, đây là rừng chung, có phải rừng của ông hay của thôn ông đâu mà ông giữ, bất lực với điều đó! Nay bảng biển được dựng lên, tôi nghĩ rằng bảng biển này coi như là lời nhắc nhở và cảnh báo họ rằng rừng nay là của cộng đồng chúng tôi, họ không được quyền vào khai thác nữa''.

    Tập huấn công tác quản lý rừng cộng đồng (Ảnh: Trung tâm CIRUM)

    Cũng với tâm trạng háo hức đó, ông Dương A Nhì khi đi rừng về thấy người trong thôn đang dựng bảng biển cũng xắn tay áo tham gia. Sau khi dựng xong họ còn tập trung chụp ảnh kỉ niệm bên bảng biển với niềm vui khôn tả. Ngoài thôn Khe Lạn, trong mấy ngày qua người dân ở các thôn khác trong xã như Nà Xoong, Nà Ngòa, Pắc Coóc (Thôn Pắc Dầu và thôn Nà Quan đã dựng bảng biển từ tháng trước) cũng háo hức đi dựng biển. Ở thôn Nà Xoong, mới 7 giờ sáng trưởng thôn đã gọi mọi người tập trung để đi dựng bảng biển. Trong quá trình dựng bảng biển những người đi đường dừng lại đọc nội dung trên tấm bảng, đọc xong họ đều thốt lên "Ôi, từ nay không được tự tiện vào rừng lấy gỗ nữa các bác nhé; cũng không được đi đốt ong nữa đâu, đốt ong cũng gây cháy rừng đây"...

    Chỉ vậy thôi, nhưng đã gieo vào trong lòng mỗi người dân các thôn bản trong xã Đồng Thắng nói riêng và cộng đồng bên ngoài nói chung, rằng từ đây các khu rừng ở Đồng Thắng đã có chủ và được quản lý bảo vệ bởi chính cộng đồng.

    CIRUM

Bài viết khác