Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Cộng đồng dân tộc Thái ở xã Đồng Văn khẳng định chủ quyền đất rừng của bản

  • Giao đất gắn với giao rừng  cho cộng đồng thôn bản vùng sâu, vùng xa là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong nhiều năm qua Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành chuyên môn các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, tư vấn và hỗ trợ chương trình Giao đất gắn với giao rừng (GĐGR). Tính đến tháng 2/2017, tổng diện tích 9.871,11 ha đã được CIRUM tư vấn, hỗ trợ cấp cho các cộng đồng và hộ gia đình thuộc nhiều dân tộc khác nhau: Tày, Nùng, H’mong, Thái, và Ja Rai.

                Ngày 29/12/2016 UBND huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 1246/QĐ-UBND về việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho Cộng đồng dân cư ba bản: Na Chảo, bản Tục và bản Pang, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, với tổng diện tích 285,4ha, thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Quyết định này không chỉ là tin vui đối với người dân của các bản, mà cả với chính quyền xã Đồng Văn, bởi đó là một trong những kết quả của mô hình Giao đất, gắn với giao rừng đầu tiên được thực hiện trên địa bàn.

                Nhằm cụ thể hóa và hoàn thiện trình tự, thủ tục giao đất gắn với giao rừng cho cộng đồng, đáp ứng yêu cầu của nhà nước và tôn trọng luật tục của cộng đồng, trong thời gian từ ngày 15/2 đến 17/2/2017, các thành viên trong tổ GĐGR cấp huyện, tổ GĐGR cấp xã, đại diện lãnh đạo xã Tiền Phong, xã Đồng Văn, Khu bảo Tồn thiên Nhiên Pù Hoạt, các chủ rừng liền kề và 160 người dân của ba bản Na Chảo, bản Tục và bản Pang (trong đó khoảng 45% là nữ giới) đã tiến hành cùng đi thực địa để bàn giao đất gắn với rừng theo ranh giới truyền thống và lồng ghép sử dụng một số cột mốc kiên cố ở những địa hình phức tạp. Các ranh giới truyền thống dễ nhận biết, dễ nhớ như con suối, hòn đá, cây to gắn với cuộc sống của người dân bản hàng trăm năm qua được coi là những mốc sống quan trọng. Ngoài ra, 80 cột mốc ranh giới bằng bê tông cũng được chôn bổ sung ngoài thực địa để thuận lợi hơn cho việc quản lý bảo vệ rừng của từng thôn bản. Đây là bước cuối cùng trong GĐGR, làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng lâu dài cho cộng đồng thôn bản.

                Với tâm lý háo hức mong muốn được khẳng định hợp pháp chủ quyền đất, rừng của bản và biết được ranh giới giữa đất của bản với hộ gia đình, giữa các bản với nhau và giữa bản với xã khác, người dân các bản tham gia rất đông, không phân biệt nam hay nữ, thanh niên hay người già. Bà Hà Thị Việt, 70 tuổi, bản Na Chảo xã Đồng Văn cho biết: "Rừng của bản thì tôi đi nhiều rồi nhưng không biết ranh giới đất rừng cụ thể được giao ở đâu. Hôm nay đi thì tôi biết rồi, rất cụ thể, rõ ràng, tôn trọng ranh giới truyền thống nên chúng tôi dễ biết, dễ hiểu, lại được chôn cả cột mốc ranh giới nên người dân nào trong bản đi cùng cũng biết. Từ nay việc tuần tra bảo vệ rừng sẽ thuận lợi dễ dàng hơn, người ngoài bản nhìn thấy cột mốc, các ký hiệu bằng sơn trên cây, tảng đá sẽ biết là đi vào rừng của bản thì sẽ không chặt phá cây rừng nữa". Ông Lữ Viết Tiệp - cán bộ địa chính xã Tiền Phong (đại diện cho chủ đất giáp ranh với phần đất dự kiến giao cho cộng đồng các bản) chia sẻ thêm "Hôm nay tôi rất ngạc nghiên vì sự đoàn kết của cộng đồng các bản xã Đồng Văn, có bản người dân đi gần hết như bản Na Chảo 79/98 người (mỗi hộ 1 người tham gia), bản Pang 60/90 người tham gia. Họ không ngại xa, ngại khổ mà ai cũng vui vì họ muốn biết đất của bản mình, rừng của mình đến đâu. Nếu sau khi trao sổ đỏ người dân tham gia bảo vệ rừng đông đảo như hôm nay thì chắc chắn rừng sẽ được bảo vệ, cây rừng sẽ to và nguồn nước cũng sẽ nhiều". 

    Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động bàn giao đất và cắm mốc ngoài thực địa.

    Ảnh 1: Cộng đồng thôn bản Na Chảo chuẩn bị cột mốc ranh giới đi chôn ngoài thực địa.


    Ảnh 2: Bà Hà Thị Việt 70 tuổi, bản Na Chảo, xã Đồng Văn sơn cột mốc ranh giới.


    Ảnh 3: Chị em phụ nữ bản Tục tham gia vận chuyển cột mốc ranh giới


    Ảnh 4: Người dân bản Tục tham gia bàn giao đất và chôn cột mốc ranh giới ngoài thực địa


    Anh 5: Đánh dấu chủ quyền sử dụng đất rừng cộng đồng thôn bản Tục

Bài viết khác