Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Cộng đồng dân cư thôn bản cần được hưởng các quyền đầy đủ như các chủ rừng khác

  • “Cộng đồng dân cư thôn bản cần được hưởng các quyền đầy đủ như các chủ rừng khác”. Đây là một thông điệp nổi bật được nhiều lần nhắc đến tại Hội thảo khu vực phía Bắc “Góp ý dự thảo sửa đổi luật Bảo vệ và Phát triển rừng và dự thảo các Nghị định liên quan” tổ chức tại tỉnh Lào Cai, ngày 7/4/2017. Tổng cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cùng với Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hoá Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) là các cơ quan đồng tổ chức Hội thảo này.


    Bà Hồ Thị Con, người dân tộc Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ mong muốn của dân tộc mình về việc được tiếp cận về rừng và đất rừng như những chủ rừng khác.
     
    Để đảm bảo các đại biểu được thảo luận sâu, mọi người đều có thể chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, cũng như bức xúc thông qua các ý kiến phát biểu, Hội thảo đã chia ra ba nhóm thảo luận, gồm nhóm đại diện cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhóm các doanh nghiệp lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, và nhóm các nhà quản lý. Với 45 ý kiến phát biểu chính thức tại Hội thảo, 6 bài tham luận, Hội thảo đã tập trung những chủ đề sau: làm rõ hơn các quyền của cộng đồng dân cư thôn bản, nhất là quyền sở hữu đất, rừng; tháo gỡ các vướng mắc về chồng lấn ranh giới đất rừng giữa các tổ chức quản lý rừng với các địa phương; cơ chế phối hợp và phân bổ công bằng nguồn vốn bảo vệ rừng và nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.

    Đại diện các cộng đồng dân tộc thiểu số từ các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc đã kiến nghị quy định cụ thể trong luật: Đảm bảo cộng đồng dân cư tại chỗ được quyền bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, được đi vào rừng, được thực hành hoạt động văn hóa tâm linh tín ngưỡng, được thu hái lâm sản cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày, được lấy gỗ gia dụng, được chăn thả gia súc. Cộng đồng dân cư được biết và tham gia góp ý vào cơ chế, chính sách quản lý bảo vệ rừng của địa phương.

    Đối với sở hữu rừng, Hội thảo kiến nghị công nhận sở hữu dòng họ đối với rừng cùng với quyền sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, và cộng đồng. Cộng đồng, dòng họ được sở hữu rừng văn hóa tín ngưỡng, đã quản lý từ trước năm 1993 (vì trước đó Nhà nước đã công nhận sở hữu cộng đồng tại Nghị định 17 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1992). Các đại biểu kiến nghị: cộng đồng, dòng họ, hộ gia đình, cá nhân được sở hữu đất, rừng có nguồn gốc là rừng tự nhiên do tự đầu tư, khoanh nuôi, phục hồi trên diện tích không còn rừng; được sở hữu rừng trồng do tự đầu tư trồng bổ sung cây lâm nghiệp, làm giàu rừng trên diện tích chưa có rừng.


    Toàn cảnh của cuộc hội thảo
     
    Các đại biểu đề nghị bổ sung rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư là một loại hình trong phân loại rừng phòng hộ. Quy định việc phân định ranh giới rừng, vẽ bản đồ phải kèm theo tên địa phương khi đặt tên các lô, khoảnh, tiểu khu, để bảo đảm người dân, cán bộ địa phương đều dễ dàng nhận biết vị trí rừng chính xác. Đảm bảo hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng có văn hóa truyền thống gắn với rừng được giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, tổ chức sản xuất lâm nghiệp và thực hành văn hóa tín ngưỡng gắn với rừng.

    Các đại biểu đề nghị quy định khai thác rừng theo hướng thuận lợi hơn cho chủ rừng: hộ gia đình và cộng đồng dân cư được khai thác lâm sản chính trong rừng bảo vệ nguồn nước, rừng sản xuất là rừng tự nhiên để phục vụ mục đích gia dụng và cộng đồng theo quy ước của cộng đồng, được UBND cấp xã và Kiểm lâm địa bàn xác nhận.

    Các thành viên Ban soạn thảo Dự luật đã lắng nghe các ý kiến đóng góp và hứa trong phạm vi thẩm quyền của mình, sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện luật trong giai đoạn giải trình, thảo luận và thông qua luật tại Quốc hội trong thời gian tới đây. 

Bài viết khác