Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Chuyện của đại diện cộng đồng tái định cư thuỷ điện Sơn La

  • Trước kia chúng tôi ở xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai. Cách đây 11 năm, chúng tôi nghe cán bộ tuyên truyền: đến chỗ mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ. Thế là chung tôi bỏ lại cây cối hoa màu, hiến cho nhà nước để xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La. Nhưng bây giờ chúng tôi thấy đền bù chưa xứng đáng, vì chúng tôi không được thống kê bồi thường đất trên cốt 218m (cốt ngập hồ thuỷ điện). Mà thực tế cha ông chúng tôi làm ăn, sinh sống trên đất đó từ lâu rồi.
    Chuyển nhà do thuỷ điện to rồi, về đây lại gặp thuỷ điện nhỏ Tô Buông ở xã Tú Nang, huyện Yên Châu. Chúng tôi được giao đất nương một bên suối, nhà ở bên kia suối. Thuỷ điện Tô Buông làm đập, xả nước mạnh nên phá mất đường qua suối đi nương của dân.
    Bản chúng tôi có Ban quản lý với 8 khối đoàn thể làm việc với công ty thuỷ điện Tô Buông mấy lần, đề nghị xây cầu tràn để dân đi nương, xây xong lại hỏng hai lần rồi. Lần thứ ba công ty đến họp và hẹn: ngày 15/10/2019 về làm lại cầu cho dân. Đại diện cộng đồng nói: kéo dài kế hoạch muộn như thế thì không được, vì chúng tôi chuẩn bị vụ thu ngô rồi, phải có đường đi lại, vận chuyển. Có người nắm được quyền của dân được làm gì, nên đã quay phim chụp ảnh cuộc họp này. Có cả đại diện công ty, cán bộ xã và công an huyện, nhưng chúng tôi hiểu: theo luật thì công an đến đây là để bảo vệ dân.


    Vì bên Thuỷ điện khăng khăng nói không kịp làm cầu trước ngày 15/10, nên chúng tôi phải gây sức ép, yêu cầu công ty tạm ngừng phát điện từ ngày họp (10/10) cho đến khi nào xong đường cho chúng tôi đi thì phát điện lại. Dân ra điều kiện: chiều nay chuẩn bị vật liệu, và phải làm đường trong vòng 3 ngày. Đại diện công ty nhất trí bắt đầu sửa đường từ ngày 11/10, nhưng thực tế đến tận ngày 19/10 mới thi công. Đến cuối tháng 12/2019 mới tạm thời thi công xong con đường.
    Trước đây chưa hiểu nhau thì chúng tôi chưa thân với mấy anh công an huyện tăng cường ở xã. Nhưng sau này có khá hơn, chúng tôi có thể nói đùa với nhau. Vì có một số người dân làm kiến nghị gửi lên cấp trên đề nghị xem xét lại bồi thường, nên có mấy anh công an mang bia đến nhà gặp chúng tôi để hỏi chuyện. Có người nói nửa đùa nửa thật: “mang bia đến hối lộ dân à? thế là các anh vi phạm rồi. Các anh vi phạm nghiệp vụ rồi, vì không có thẻ, không có mũ, không mặc đồng phục”. Các anh ấy tự mở, tự rót bia mời thì chủ nhà uống. Rồi các anh ấy lập biên bản, ghi nhận chúng tôi đã đến đâu, gặp ai để được tư vấn luật. Nhưng vì biên bản có một số lỗi, mà chỉ có một bản gốc thôi, nên chủ nhà không ký, mà nói: “Chữ ký của tôi quý giá, tôi không dùng chữ ký phô tô, mà nếu chỉ có 1 bản, tôi đòi giữ bản gốc, thì làm sao các anh có bản nữa mang về? Tốt nhất sao lại mỗi bên 1 bản thì tôi mới ký”. Sau đó các anh ấy chạy ra ngoài xã đánh máy, sửa lại lỗi, giao cho mỗi người một bản, thì chủ nhà đồng ý ký.
    Chúng tôi thấm thía bài học là: Khi dân hiểu được luật thì có thể vận động bảo vệ được quyền lợi theo pháp luật. Nếu dân dồn hết việc cho trưởng bản làm thì khó thành công. Nhưng khi có ý kiến của dân, thì công ty phải lưu ý đáp ứng lợi ích chính đáng. Nay có công nghệ trợ giúp, chúng ta cần có văn bản, làm theo trình tự đúng pháp luật, theo tư vấn của luật sư. Ngoài ra, những phần ứng dụng trên điện thoại như WhatsApp hay Signal cũng rất tốt để giúp người dân thấy tự tin trao đổi kinh nghiệm thường xuyên và an toàn với nhau. Đó là kinh nghiệm xương máu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con.

Bài viết khác