Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ và sử dụng đất rừng có hiệu quả sau khi được giao

  • Từ 26 đến 30 tháng 8 năm 2014 Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) phối kết hợp với Mạng lưới Đất rừng (Landnet) và Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD) tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và đất lâm nghiệp dựa vào cộng đồng ở Thôn Khe 5 (xã Sơn Kim1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và thôn Uyên Phong (xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho các đại diện là cộng đồng các xã Đồng Thắng, xã Bắc Lãng, xã Châu Sơn, các cán bộ chính quyền xã Đồng Thắng và lãnh đạo huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

    Chuyến tham quan là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 – 2015” do Trung tâm CIRUM tư vấn, hỗ trợ đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ của xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
    Đoàn tham quan chia sẻ kinh nghiệm tại thực địa

    Tại thôn Khe 5, các thành viên của đoàn thăm quan đã được ông Trần Quốc Việt – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim, Thành viên Ban đại diện MLĐR Hà Tĩnh chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng của xã Sơn Kim nói chung và thôn Khe 5 nói riêng.

    Theo ông Việt, sản xuất lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của xã Sơn Kim nói chung và thôn Khe 5 nói riêng. Hơn 20 năm về trước cuộc sống người dân Thôn Khe 5 rất khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt mà nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn diện tích đất lâm nghiệp đều thuộc quyền quản lý của các công ty, tổ chức bên ngoài. Các tổ chức này, trên thực tế  được giao quản lý, bảo vệ nhưng chủ yếu tập trung vào khai thác, công tác trồng và tái tạo rừng hầu như không có. Người dân địa phương sống cạnh rừng nhưng lại phải đi làm thuê cho họ. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương từ xã đến huyện, với sự quyết tâm của cộng đồng, người dân Sơn Kim đã kiên trì thực hiện tiến trình "vận động" và “đòi đất” từ các công ty để giao lại cho người dân phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường sống. Lãnh đạo xã Sơn Kim đã tổ chức 52 cuộc làm việc chính thức và không chính thức với công ty, tổ chức lâm nghiệp để vận động giao lại một phần đất lâm nghiệp và rừng cho người dân sản xuất. Những cứ liệu như hình ảnh, các đợt khảo sát đánh giá được sử dụng để làm việc với các tổ chức, công ty lâm nghiệp chứng minh cho thấy đất rừng giao cho công ty quản lý thiếu hiệu quả. Từ thực tiễn đó, thông qua các buổi làm việc tại xã, thôn như các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri lãnh đạo thôn, cộng đồng đã đưa ra vấn đề bức xúc về đất đai để thảo luận. Với sự quyết tâm và kiên trì, hiện nay người dân thôn Khe 5 đã được giao 5.000 ha đất lâm nghiệp.
    “Đòi đất”: thực tế người dân sống gần rừng bao đời nay, nhưng lại thiếu đất canh tác, đi làm thuê cho các tổ chức, công ty lâm nghệp ở bên ngoài trên chính mảnh đất của cha ông mình, cuộc sống luôn đối mặt với khó khăn, nghèo đòi. Nguyên nhân là các tổ chức, công ty lâm nghiệp vẫn đang được ưu ái bởi một số chính sách. Vì thế, người dân phải đòi lại đất để canh tác, đảm bảo cuộc sống của họ.


    Kết luận về vấn đề tìm kiếm quỹ đất để giao cho người dân, Ông Trần Quốc Việt khẳng định: tiến trình “đòi đất” từ các tổ chức đòi hỏi phải có tính kiên trì, quyết tâm cao và có sự ủng hộ của chính quyền địa phương và của cộng đồng thì mới đạt được kết quả.

    Cũng tại Thôn Khe 5, đoàn thăm quan được tiếp cận và chia sẻ với gia đình ông Trần Ngọc Lâm, bà Nguyễn Thị Đào một trong những gia đình tiêu biểu với mô hình quản lý, sử dụng rừng có hiệu quả. Mô hình của ông bà đang cho thu nhập cao và bền vững. Theo ông Lâm, sau khi được giao sổ đỏ, gia đình ông đã xúc tiến các hoạt động tái sinh, khôi phục lại rừng tự nhiên bằng các loài cây bản địa như Lim, Cồng, Trám…Tại những khoảng đất trống gia đình ông đã trồng xen cây Keo với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Hàng năm, gia đình ông tổ chức chăm sóc, phát dọn cây bụi, dây leo trên diện tích rừng tái sinh, phục hồi. Theo tính toán của ông Lâm, hiện rừng của gia đình có hàng chục cây Lim với đường kính từ 50 cm trở lên có thể khai thác. Có những gốc Lim đã được trả giá 200 triệu đồng. Ngoài gỗ quý, hàng năm gia đình ông còn cho thu nhập trên hàng chục triệu đồng từ khai thác các sản phẩm như Mật ong rừng, cây thuốc nam, dây chạc Quẹc, măng, nấm lim, nứa tép. Hiện gia đình có ngồi nhà xây 3 gian và khu nhà bếp khang trang, các trang thiết bị cần thiết trong gia đình được trang bị đầy đủ như ti vi, tủ lạnh bình nóng lạnh, xe máy…tất cả đều được mua từ việc bán các sản phẩm từ khu rừng của gia đình. Nhìn vào gia đình ông Lâm, bà Đào các thành viên thăm quan đều trầm trồ khen ngợi và cũng phần nào đọng lại trong mình những suy nghĩ, những định hướng cho việc sử dụng đất rừng của gia đình mình khi đã được giao sổ đỏ.

    Ông Nguyên Đình Phùng, một thành viên của đoàn thăm quan khi nghe chia sẻ về hiệu quả từ rừng đa dạng của gia đình ông Lâm, bà Đào, đã trầm trồ: “Rừng ở đây đẹp thật, rất nhiều loài cây, có những cây Lim rất to, nhiều cây thuốc nam nữa. Họ đã giữ rừng tốt thật, ngày trước ngoài Lạng Sơn mình cũng nhiều rừng và nhiều Lim lắm, nhưng không giữ được, giờ tìm được cây lim như thế này cũng thật khó. Về phải bảo con cháu giữ lại rừng, giữ lại cây Lim, họ làm được thì mình cũng làm được”.

    Kết thúc buổi làm việc tại thôn Khe 5, đoàn thăm quan tiếp tục đến thăm mô hình rừng cộng đồng thôn Uyên Phong (xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Tại đây, đoàn đã được lãnh đạo xã, thôn, cộng đồng giới thiệu và chia sẻ về khu rừng cộng đồng thôn Uyên Phong - một khu rừng được quản lý, bảo vệ bằng luật tục truyền thống của người dân nơi đây.

    Ông Trần Quôc Việt – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1, Thành viên Ban đại diện MLĐR chia sẻ cùng đoàn thăm quan

    Khu rừng cộng đồng Uyên Phong có diện tích 52 ha được hình thành từ lâu đời, thời gian vừa qua đã được Trung tâm CIRD hỗ trợ tư vấn giao quyền quản lý mang tính pháp lý cho cộng đồng (sổ đỏ). Tại khu rừng cộng đồng có các miếu thờ bà Sơn, bà Thủy, theo người dân nơi đây, thì bà Sơn và bà Thủy là 2 vị thần cai quản, bảo vệ nguồn nước cho sản xuất lúa và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hàng năm vào dịp Tết và thời điểm chuẩn bị xuống đồng, người dân thường sắm lễ vật, thắp hương tại các miếu Bà để cầu mưa thuận gió hòa, cây cối sinh trưởng phát triển tốt và cuộc sống sự bình yên của người dân.

    Không ai biết miếu bà Sơn, bà Thủy có từ thời nào, song đó là sự kết tinh của nhận thức về vai trò to lớn của Đất, Nước qua quá trình tiếp cận quản lý, sử dụng và tạo dựng sinh kế lâu dài của cộng đồng người dân thôn Uyên Phong. Sự linh thiêng của bà Sơn, bà Thủy gắn với khu rừng đã đi vào tiềm thức của người dân nơi đây, chính vì vậy khu rừng đã được quản lý bao đời nay mà không một ai giám vi phạm.

    Tặng cây lưu niệm giữa đoàn thăm quan Đình Lập và thôn Khe 5

    Sau khi được hỗ trợ giao đất gia rừng, cộng đồng thôn Uyên Phong đã thành lập BQL và xây dựng quy chế quản lý. Các thành viên BQL được cộng đồng bầu công khai và được phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện tuần tra cũng như quản lý quỹ bảo vệ rừng. Việc áp dụng quy chế vào thực tế được kết hợp giữa luật tục với luật pháp rất chặt chẽ. Nếu phát hiện những vi phạm chặt phá những cây có đường kính trên 10 cm sẽ xử theo luật pháp; với những vụ vi phạm khi khai thác các cây có đường kính từ 10 cm trở xuống sẻ xử theo quy chế của cộng đồng.

    “Cách đây 2 năm, có 2 người ở thôn  khác vào rừng cộng đồng của thôn Uyên Phong đốt Ong đã gây cháy hơn 2 ha rừng, cộng đồng ở đây đã bắt và phạt vạ 1 con lợn để cúng bà Sơn, bà Thủy và bị pháp luật phạt tù 2 năm, từ đó đến nay không một ai giám xâm phậm khu rừng dù là lấy một cành củi” – Ông Phan Văn Thành, trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng Uyên Phong chia sẻ.
    Kết thúc chuyến thăm quan 2 mô hình tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, ông Hoàng Thanh Đạm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập thay mặt đoàn tham quan đánh giá cao những bài học kinh nghiệm của các địa phương trong công tác giao đất giao rừng cho người dân và cộng đồng quản lý, sử dụng bằng việc ủng hộ của chính quyền địa phương, kiên trì, quyết tâm của cộng đồng thì sẽ có những thành quả xứng đáng. Hoạt động quản lý rừng dựa vào cộng đồng và luật tục cho thấy thực sự đã đưa lại hiệu quả không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, đặc biệt lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc. Ông cho rằng đây là những bài học cho mỗi thành viên của đoàn để nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn của địa phương mình.
               
    Bá Thẩm (CIRUM)

Bài viết khác