Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Các hộ dân thiếu đất sản xuất – người dân thiếu ăn

  • Cuộc sống thực tế sau tái định cư tại làng Ka Bay
     
    Ka Bay là một làng tái định cư của dân tộc Ja Rai thuộc dự án thuỷ điện Plei Krong,  xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Trải qua gần 10 năm tái định cư, cuộc sống của bà con vẫn gặp nhiều thách thức. Cấu trúc và sinh kế truyền thống hàng ngày bị mai một. Bà con thiếu đất sản xuất và chăn nuôi, cũng không có đủ nước cho sinh hoạt và tưới tiêu. Một phần lớn thu nhập của đồng bào từ đi làm thuê để kiếm sống hàng ngày.
     
    Theo tiêu chuẩn của chương trình tái định cư, quỹ đất giao cho các gia đình tái định cư chỉ đủ cho mỗi hộ được cấp 1-1.2 ha dành cho canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết đất được giao là đất bạc màu, không trồng được lúa, chỉ trồng mỳ (sắn) công nghiệp nhưng năng suất thấp và chất lượng kém, kéo theo giá cả thấp . Thực tế cho thấy, chất lượng đất ở đây vốn đã kém màu mỡ và việc tiếp tục trồng mỳ sẽ khiến đất ngày càng bị xói món và bạc màu. 
    Thu nhập chính của người dân trong làng hiện nay là từ mỳ (sắn). Giá mỳ rất thấp, chỉ 1.000 đồng/kg tươi và 2,000-2,500 đồng/kg khô. 1 ha bà con thu được khoảng 20 tấn mỳ tươi (đối với đất chưa bạc màu) tương đương 10 tấn mỳ khô nếu được mùa. Số hộ dân có đất không bạc màu không nhiều, chỉ 50%.
     

    Trẻ em sớm biết tự chế biến sắn để làm bánh để ăn. Ảnh CIRUM
     
    Anh A Đíu, thành viên MLĐR và cũng là trưởng thôn kể: “Ban đầu bà con có 126 hộ gia đình, nay đã lên tới 205 hộ, trong đó có 11 hộ ở ngoài vào ở. Số hộ tăng lên là do các  con cháu sau khi lập gia đình ra ở riêng. Như vậy, các hộ này (71 hộ) là không có đất canh tác, chủ yếu sống dựa vào đất của bố mẹ và đi làm thuê kiếm sống hàng ngày. Bà con chủ yếu là làm mướn cho các tư nhân với các loại công việc làm đất, trồng sắn, nhổ sắn, hay vận chuyển.”
     
    Công việc làm thuê là loại hình lao động nặng, chưa kể việc chi trả cũng còn rất nhiều bất công: mỗi ngày phụ nữ được trả 80,000 đồng và nam giới được trả 110,000 đồng, đây là mức  giá chung được áp dụng tại xã. Sự khác nhau này được bà con hiểu là do nam giới khoẻ hơn nên được trả nhiều hơn. Anh A’Đíu kể tiếp:  “Đầu tiên chúng cháu rất bức xúc vì đất đai khác xưa. Đồi núi Sác Ly nhiều bom đạn nên người dân rất sợ.  Thời xưa đồi Sác Ly là nơi của Nguỵ đóng, bây giờ vẫn còn bom đạn. Khi đốt nương  bà con phải đứng xa và đã có hai người bị thương phải đi cấp cứu rồi. Đất ở đây lại bạc màu, ô nhiễm nặng, nên khi chúng cháu lên đây đến bây giờ xuất hiện những bệnh khác lạ với ngày xưa. Nhiều người bị bệnh lạ, không đủ tiền đi bệnh viện, đau lâu dài. Hiện nay làng còn 100 hộ đói ăn (50%).”
     
    Qui hoạch nhà ở không có vườn dẫn đến cấu trúc sinh hoạt và sinh kế truyền thống hàng ngày bị triệt tiêu
     
    Nhà ở của các hộ dân tái định cư đều do Công ty Thuỷ điện Pleikrong thiết kế và xây dựng. Mỗi nhà chỉ có diện tích là 400 m2. Làng được qui hoạch như đô thị, nhà sát nhà và được thiết kế theo một mẫu giống nhau Các nhà đều có số nhà được viết ra giấy và in ra, dán trước cửa ra vào. Anh A’Thút, người Rơ Ngao, thành viên của MLĐR, Chủ tịch Mặt trận xã Hơ Moong cười và nói: “Nhà nào cũng giống như nhau, chúng tôi không phân biệt được nên chúng tôi thường vào nhà nhầm, gõ cửa vào nhà rồi bị vợ người ta la cho”.
     
    Sinh kế truyền thống của người dân tộc Rơ Ngao có nuôi bò, lợn, gà quanh nhà nhưng hiện nay không còn như trước. Đất vườn không có, nên việc làm chuồng trại gần nhà là không thể.  Ngày xưa, chăn nuôi là một nguồn thu nhập chính phục vụ sinh sống hàng ngày nhưng giờ đây cũng không còn. Chỉ có một số gia đình chăn nuôi lợn nhưng phải thả rông, làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh nhà và làng xóm. Có 30/205 hộ nuôi bò nhưng ở xa, phải có người canh, vì sợ trộm bắt và phải đi chăn xa.
     

    Người dân làng Ka Bay vẫn rất gắn bó với nhà truyền thống mặc dù đã có nhà tái định cư. Ảnh CIRUM
     
    Một nhu cầu cơ bản hàng ngày của bà con là sử dụng nhà cầu (công trình phụ) cũng bị đảo lộn. Bà con Ka Bay quen sử dụng nhà cầu theo cách riêng của họ, đơn giản, thuận lợi và mỗi gia đình đều có nhà cầu riêng được làm theo cách truyền thống cả về vị trí và hướng gió, đảm bảo vệ sinh, nhưng hiện nay không còn nữa. Dự án Thuỷ điện xây nhà cầu chung cho cả làng, không hợp với thói quen của bà con, nên bà con không sử dụng, chỉ có một số sử dụng nhưng mất vệ sinh trầm trọng.
     
    Cuộc sống của bà con tái định cư nói chung và làng Ka Bay nói riêng là một câu hỏi mở để các nhà qui hoạch và xây dựng suy nghẫm lại về phương pháp tiếp cận thiết kế và xây dựng dự án.
     
    Tháng 8/2015, CIRUM

Bài viết khác