Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Bàng hoàng chứng kiến con đường vận xuất gỗ rừng tự nhiên do lâm tặc mở

  • Bản Nà Táng, xã Bính Xã, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn thuộc khu vực vùng biên cách cửa khẩu Bản Chắt 6 km (Cửa khẩu Việt - Trung), cách trung tâm huyện 20km. Toàn xã có 2 dân tộc Tày, Nùng, có 45 hộ và hơn 200 khẩu, diện tích rừng tự nhiên hơn 1.000ha. Năm 2013, một nhóm lâm tặc đã vào mở 6km đường từ ngoài vào đến khu rừng phòng hộ đầu nguồn nước để khai thác gỗ trái phép. Trước nguy cơ đó, cả bản đã đoàn kết quyết tâm giành lại chủ quyền bảo vệ rừng.

    Bản Nà Táng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn

    Theo bút tích của một phóng viên đăng tải trên báo Lạng Sơn vào hồi đầu năm 2014, ngày 14/6/2014, giữa tiết trời mùa hè nóng nực, Đoàn Mạng lưới Đất rừng (MLĐR) Hữu Lũng và Trung tâm CIRUM được sự chấp thuận của Văn phòng UBND huyện Đình Lập cho phép vào khảo sát và tìm hiểu việc đấu tranh ngăn chặn kịp thời có hiệu quả với lâm tặc để bảo vệ cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi do cha ông truyền lại bảo vệ từ đời này sang đời khác để đích thực mắt thấy, tai nghe.

    Vượt qua 20km đường từ trung tâm huyện đi qua trung tâm xã Bính Xá, thẳng đường vào đồn biên phòng Bản Chắt, xe chúng tôi đã đến trung tâm bản Nà Táng. Tiếp chúng tôi là một thanh niên 32 tuổi nhanh nhẹn, tháo vát, anh chính là Lộc Văn Lực, trưởng bản Nà Táng. Sau một vài phút làm thủ tục xã giao, anh vui vẻ nhận lời đề nghị của chúng tôi, dẫn Đoàn đến hiện trường khu rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn do cộng đồng quản lý bị lâm tặc ngoài địa phương ngang nhiên mở đường khai thác trái phép vào giữa năm 2013.

    Theo lời kể của anh, bản đã sống ở đây hàng trăm năm và cha ông đã bảo vệ một khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng tự nhiên nguyên sinh hàng trăm ha (gồm các loài Dẻ, Trám, Lát, có những cây gỗ Dẻ 5 người ôm không xuể). Khu rừng này được cả bản coi đây là nguồn sống của bản vì cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn 30 ha ruộng. Đây cũng là nguồn kế sinh nhai truyền thống của người dân. Rừng tồn tại và phát triển là do bốn dòng họ trong bản có quy ước ăn thề không tự động chặt phá rừng, ai có nhu cầu sửa chữa nhà cửa chính đáng phải báo cáo với Trưởng Bản, đưa ra hội nghị nhân dân tán thành nhu cầu chính đáng mới được vào rừng khai thác và họ truyền từ đời này sang đời khác.
    Rừng đầu nguồn nước bản Nà Táng

    Anh Lực nói: “Còn rừng đầu nguồn là còn nước, còn sự sống của người và gia súc, gia cầm, mất rừng là mất hết”. Đi khoảng 2km vùng lõi của rừng tự nhiên thì hết đường xe cơ giới, anh Lực cho chúng tôi biết từ tháng 6 – tháng 8 năm 2013, một nhóm khoảng 20 người vào lập lán mở đường từ đường chính vào sâu trong khu rừng hơn 6 km, rộng khoảng 4m bằng máy ủi. Tôi có nói đùa anh Lực từ nãy vào rừng tôi cứ tưởng đây là đường chiến lược tuần tra biên giới do quân đội thi công, ai ngờ lại là do lâm tặc thi công. Tôi có hỏi anh Lực lâm tặc thi công bằng cơ giới một thời gian dài, chính quyền và nhân dân có biết không và biết thì có biện pháp gì đối phó ngăn chặn? Anh Lực cho biết chính quyền xã, thôn biết nhưng bất lực. Nhân dân phẫn nộ kéo về trụ sở UBND xã kiến nghị chính quyền có biện pháp ngăn chặn, xã trả lời biện pháp chung chung. Trưởng Bản đành phải nghĩ giải pháp. Anh tổ chức họp bản, gồm đầy đủ cả vợ, chồng, đặc biệt là các già làng (80 tuổi), ghi biên bản và lấy chữ ký của cả vợ, chồng và già làng, trong đó đề nghị xã can thiệp dừng ngay khai thác gỗ ở rừng đầu nguồn và gửi lên UBND xã nhưng xã vẫn chưa có giải pháp. Thấy vậy, anh Lực lại tổ chức họp bản lần thứ hai, ghi biên bản và gửi lần 2 lên UBND xã. Trong quá trình này, anh Lực đã nhờ một người bạn trong xã gửi một tin nhắn lên “facebook” với nội dung “Cứu lấy cánh rừng phòng hộ của chúng tôi tại bản Nà Táng”.  Được biết tin này, một số cán bộ xã gặp anh Lực và nói rằng: “cứ bình tĩnh, chúng tôi sẽ giải quyết”. Thực tế thì xã vẫn “lúng túng”. Tiếp theo đó, anh Lực liên hệ với một nhà báo tỉnh Lạng Sơn, mời nhà báo về nhà  để  chung tay giúp sức đưa sự việc ra công luận, để cơ quan chức năng cùng vào cuộc.

    Con đường do lâm tặc mở vào rừng đầu nguồn khai thác gỗ
     
    Sau đó, Xã đã làm tờ trình gửi huyện, đồng thời Xã đề nghị Bản cử đại diện cộng đồng lên gặp Huyện. Anh Lực đã bàn bạc với cộng đồng lựa chọn 6 người có hiểu biết một chút về pháp luật, biết viết thông, nói thạo, viết một bản kiến nghị có sự tự nguyện đóng góp tiền chi phi xăng xe đi lại cho nhóm dại diện nhân dân trong bản lên gặp Bí thư, Chủ tịch huyện kêu cứu khẩn cấp nạn lâm tặc phá rừng đầu nguồn, cướp sự sống của 45 hộ dân tộc Tày, Nùng bản Nà Táng. Hai ngày sau, anh Lực biết Huyện đã có công văn chỉ đạo Xã vào can thiệp. Sau đó có rất nhiều cán bộ kiểm lâm, công an vào điều tra. Hiện nay số gỗ lâm tặc khai thác (30-40m3) đã được thu giữ tại UBND xã và các cán bộ chức năng đang điều tra vụ việc.

    Anh Lực kể tiếp, mặc dầu đã có Huyện can thiệp, nhưng anh thấy chưa ổn vì vẫn thấy máy móc của lâm tặc vẫn để trong rừng. Anh thiết nghĩ: “Nếu họ không chịu mang đi, tôi sẽ liên hệ với đài truyền hình và nhà báo vào tiếp”. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, họ đã tự rút máy đi hết.

    Câu chuyện kêu cứu những cánh rừng Nà Táng còn dài, song anh Lực chỉ tiếp: “đằng kia là những rừng gỗ Dẻ vàng mép, cây 3 người giang tay ôm mới kín vẫn còn san sát do nhân dân đấu tranh kịp thời, đúng hướng. Lâm tặc bị ngăn chặn, chưa kịp mở đường vào tới đó, chứ không những cây hàng trăm năm tuổi cũng còn đâu nữa để các anh, các chị vào ngắm nhìn hôm nay”.

    Chia tay anh Lực trưởng bản Nà Táng, tôi thầm nghĩ lòng dũng cảm, biết tập hợp sức mạnh của nhân dân bằng sự đoàn kết nội bộ ắt chính nghĩa sẽ thắng gian tà. Nhân dân Nà Táng cùng những cánh rừng Dẻ mà thiên nhiên ban tặng mãi mãi trường tồn và phát triển.

    Lê Kiên Cường, MLĐR Hữu Lũng

Bài viết khác