Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Rừng phòng hộ Khuân Binh cần sự chung tay của cộng đồng

  • Hoàng Anh - Hoàng Long

    Đài Hữu Lũng
    http://www.langson.gov.vn/huulung/node/2156

     

    Đập Hồ Khuân Binh xã Hòa Sơn huyện Hữu Lũng được xây dựng vào khoảng những năm 1960, với thiết kế phục vụ nước tưới cho 120 ha đất nông nghiệp của xã Hòa Sơn, công trình đã phát huy tốt tác dụng từ khi hoàn thành. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng nước của Hồ Khuân Pinh đang bị suy giảm, nguyên nhân do  ý thức của các chủ rừng chưa cao trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Khuân Binh.
     

    Với diện tích lưu vực là 5,3km2, lượng nước dự trữ trung bình gần 1.000.000m3, Hồ Khuân Binh luôn đảm bảo cung cấp nước tưới thường xuyên cho trên 120ha lúa và hoa màu của 4 thôn trong xã Hòa Sơn, gồm: Đồng Liên, Chiến Thắng, Hòa Bình và Đồng Tiến. Cũng từ việc chủ động được nguồn nước trong tưới tiêu đã tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi tăng vòng quay của đất từ 1 vụ lúa bấp bênh lên 2 vụ ăn chắc, năng suất và sản lượng cũng được nâng lên, năm 2015 sản lượng lương thực bình quân của xã đạt 4,47 tấn/ha, điều này đã tạo sự ổn định về an ninh lương thực, góp phần đáng kể vào công tác xoá đói giảm nghèo của địa phương. Mặc dù, lợi ích từ Hồ Khuân Binh mang lại rất rõ ràng, song công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ hồ Khuân Binh chưa được quan tâm đúng mức, theo số liệu khảo sát năm 2011, trong tổng diện tích 551,5 ha rừng phòng hộ thì mới có trên 287 ha đất rừng trồng, trên 54 ha đất rừng tự nhiên và hơn 209ha người dân đang sử dụng để trồng cây ngắn ngày.

    Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ hồ Khuân Pinh, từ năm 2011 đến năm 2013, với sự hỗ trợ về tư vấn khảo sát, thiết kế của Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á, (gọi tắt là trung tâm CIRUM) UBND huyện Hữu Lũng đã thực hiện việc giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho 248 cá nhân, hộ gia đình với tổng diện tích là 453,6ha và 89,4 ha cho cộng đồng thôn Trại Dạ quản lý. Sau khi giao đất rừng huyện cũng đã chủ động đưa chương trình trồng rừng phòng hộ 661 vào triển khai, theo đó các hộ dân được hỗ trợ 15 triệu/ha trong 3 năm để trồng cây lâm nghiệp bản địa kết hợp với cây phụ trợ là cây keo. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung tâm CIRUM thực hiện tư vấn, hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực liên quan đến quản lý bảo vệ rừng phòng hộ. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai đến nay mới có 76,9 ha trồng cây keo và các cây bản địa, còn lại nhiều diện tích trồng vẫn là cây bạch đàn. Trước thực tế đó, cấp ủy chính quyền xã Hòa Sơn cũng đã tích cực tuyên truyền về quyền lợi ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng phòng hộ, thậm chí đã lập biên bản các hộ vi phạm để nhắc nhở, xử lý, song tình trạng trồng cây bạch đàn trong khu vực rừng phòng hộ vẫn chưa chấm dứt.

     

    Trước thực tế diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn xã Hoà Sơn ngày càng bị thu hẹp, UBND huyện cũng như cấp uỷ chính quyền xã Hoà Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến những quy định, lợi ích lâu dài của rừng phòng hộ, hệ quả người dân gánh chịu khi đánh mất rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ, vận động người dân bài trừ cây bạch đàn trên phần đất các hộ gia đình quản lý và thay thế dần bằng các loài cây bản địa như: lim, lát, muồng và trồng xen với cây keo, tập huấn chính sách liên quan phát triển đất rừng phòng hộ. Đi đôi với đó tổ chức kiểm tra lập biên bản các hộ vi phạm để có căn cứ xử lý. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp phải một số khó khăn, đó là: đa số người dân vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình trồng cây bạch đàn vào diện tích rừng phòng hộ được giao và một số diện tích đất rừng phòng hộ có biểu hiện chuyển nhượng trái phép cho công ty tư nhân trồng cây là 29 ha. Diện tích do công ty trồng rừng đang trong quá trình bàn giao và đây là tài sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà Nhà nước giao cho thôn Trại Dạ và sau khi thực hiện các thủ tục bàn giao Cộng đồng người dân Trại Dại sẽ cần phải phát huy trách nhiệm quản lý hợp lý theo quy định của pháp luật về rừng phòng hộ.

    Có thể khẳng định, Hồ Khuân Binh có vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã Hòa Sơn, chính vì vậy việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và đập chứa nước Hồ Khuân Pinh không chỉ cần sự vào cuộc đồng bộ tích cực của các cấp, các ngành, mà rất cần ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trên địa bàn xã, để không chỉ tạo ra lợi ích lâu dài của Hồ Khuân Pinh mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, tạo khu vực rừng đa dạng sinh học, đem lại lợi ích trực tiếp cho xã Hòa Sơn nói riêng và huyện Hữu Lũng nói chung, vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay./.

     

                                                                                                        

Bài viết khác