Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Truyền nghề thuốc nam

  • Chỉ vẻn vẹn có bốn chữ vậy thôi, song để thực hiện được lại là một công việc chẳng dễ dàng. Nếu những hiểu biết và kinh nghiệm trong sử dụng cây thuốc nam của các thầy thuốc truyền thống trong các cộng đồng dân tộc thiểu số không được bảo vệ và lưu truyền, có lẽ không chỉ với các thế hệ mai sau mà ngay cả bây giờ với thế hệ chúng ta cũng sẽ mất đi một di sản vô cùng quý giá, vô cùng hữu ích và thiêng liêng đối với cuộc sống của con người.

    Già A Ma Chiêm khi 84 tuổi

    Lâu lắm rồi, phải gần chục năm nay tôi chưa gặp lại anh Nguyễn Hải Lý, người con nuôi của Già A Ma Chiêm. Anh Lý từng là Y sỹ phục vụ trong quân đội. Hiện nay anh và gia đình đã ở lại định cư trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, nơi anh từng công tác. Ba tháng trước đây, khi đang trên đường đi công tác tôi nhận được cuộc gọi của anh từ Buôn Ma Thuật. Anh nói có kế hoạch ra Bắc đi tìm cây thuốc và chữa bệnh cho ai đó trên Hà Giang. Qua trao đổi nhanh trên điện thoại, anh thông báo là vừa lên thăm và điều trị cho Bố A Ma Chiêm trên Buôn Đôn và hẹn khi ra đến nơi sẽ kể cho tôi nghe nhiều chuyện và sẻ chia với nhau đôi điều. Anh và tôi đều gọi Già A Ma Chiêm là Bố tự nhiên từ lâu rồi. Anh cho biết tình hình sức khỏe của Già đã không còn tốt như mấy năm trước đây, vì năm nay Già cũng đã gần 90!

    Tôi chờ anh, nhưng rồi có việc đột xuất nên chuyến ra bắc của anh đã bị trì hoãn và mãi sau gần 3 tháng anh mới thực hiện được chuyến đi để rồi anh em được gặp nhau. Biết nhau lâu rồi, song hai anh em cũng mới chỉ gặp nhau lần này là thứ hai sau chuyến đầu tiên khi Già A Ma Chiêm cùng anh ra Bắc năm 2006 để thăm gia đình anh ở Hải Dương. Lần này gặp nhau anh chia sẻ nhiều thông tin về Già A Ma Chiêm để rồi bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm của Bố - Con từ ngày tôi gặp Già vào tháng 12 năm 2002 tại Hội thảo ở Hà Nội.

    Tháng 12 năm 2002, Hội thảo về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên miền núi lần thứ 2 do Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ và Phát triển Năng lực Phụ nữ Dân tộc thiểu số (TEW) tổ chức với sự tham gia của các đại biểu đến từ các nhóm dân tộc thiểu số trên nhiều vùng miền Việt Nam, trong đó Già A Ma Chiêm là một trong những đại biểu nòng cốt đến từ tỉnh Đắk Lắk.

    Tháng 12 năm 2002, Mùa Đông Hà Nội rét và khô, Già A Ma Chiên như nhỏ lại trong tấm chiếc áo ấm xù xì, song đôi mắt sáng, giọng nói thân thương của Già thì không thay đổi. Tính tình điềm đạm và bao dung già kể cho tôi nghe câu chuyện về sự truyền nghề thuốc nam đầy ngẫu nhiên và thú vị của Già trong giờ giải lao giữa hai phiên hội thảo.

    Hai bố con ngồi với nhau nhâm nhi chén nước trà ở cuối sảnh và Già kể: hồi đó, không hiểu tại sao bỗng nhiên sức khỏe của Bố sụt giảm nghiêm trọng và không đủ sức để vô rừng lấy thuốc để chữa cho mình, Bố đành nhờ vào Quân y viện. Già chia sẻ thêm, là vào cái thời điểm đó có muốn nhờ người đi vào rừng lấy thuốc thì cũng chẳng biết nhờ ai, vì con cháu già chẳng ai theo đuổi nghề thuốc nam của Già. Rất may, Quân y viện đã cứu già. Anh bộ đội người Bắc đã cứu già, cái anh dong dỏng cao có giọng nói lạ, thi thoảng nhầm lẫn chữ "l" chữ "n" có tên là Lý.

    Già kể tiếp, anh Lý chăm Bố nhiều lắm và cũng quý Bố nhiều lắm. Đúng là bộ đội Cụ Hồ. Khi đã phục hồi dần sức khỏe, một hôm Bố hỏi anh có muốn học thêm cái thuốc nam để chữa bệnh không. Anh thưa là sợ không ai truyền dạy. Già đưa tay nắm lấy tay anh, cả anh và Bố bỗng như cảm thấy đã có nhau từ lâu lắm. Một luồng năng lượng vô hình rất mạnh đã kết nối hai bố con một già một trẻ. Từ đó anh Lý đã là con của Bố. Già A Ma Chiêm đã cho anh Lý tất cả, truyền cho anh tất cả những gì Già có về thuốc nam, về những câu chuyện săn voi, kể cả những hình hài của các mỏm đá trên dòng sông Sê Rê Pốc, về những chuyến hồi hương thăm Chăm Bát Sắt bên Lào, và về cả những cánh rừng huyền thoại đầy ắp cây thuốc trong rừng trên biên giới Lào -Việt.

    Già cho tôi số điện thoại của anh Lý để anh em tiện liên lạc. Già coi tôi cũng như anh Lý của Già. Già nói về niềm vui của Già khi truyền nghề cho anh Lý bằng cái giọng đơn giản, ngắn gọn và cảm động: cho nó rồi, nay chết cũng được rồi. Mình chết mà vẫn mang theo của cải ông bà cho chung để mọi người hưởng là không ổn. Ông bà cho mình cái biết, cái hiểu là để cho lại con cháu. Con cháu mình đẻ ra nó không học, cho bộ đội nó học cũng tốt rồi. Cho được rồi, yên tâm rồi. Con Lý bộ đội nó giữ cũng như mình giữ, Buôn làng không mất các bài thuốc nữa rồi.

    Già đã tin ở anh, xem anh như một phần máu thịt của Già. Tôi chợt nhận ra là Già không chỉ coi anh là người thân mà cả gia đình anh ở Hải Dương cũng là một phần trong gia đình của già. Đó cũng chính là cái lý do mà sau đó năm 2006 già cùng anh lặn lội ra Bắc về Hải Dương thăm quê anh Lý. Năm đó, khi ra đến Hà Nội anh Lý gọi cho tôi và tôi đã tìm đến để ôm Già một cái thật chặt và được mời Già đến thăm gia đình tôi.

    Gặp lại anh Lý lần này tôi thấy anh thực sự là một đứa con hiếu thảo của Già, của Buôn. Anh học thêm ngày càng nhiều và đi ngày càng xa hơn, không chỉ các tỉnh Tây Nguyên mà đã lên đến với Hà Giang, Hòa Bình để tiếp cận và học hỏi tri thức thuốc nam của người dân miền núi, của người dân tộc. Gặp nhau vui lắm, anh kể cho tôi nghe những câu chuyện về Già để rồi trong cái mê cung của câu chuyện tôi chợt nhận ra có một cái gì đó rất gần gũi liên quan đến mảng lý thuyết mà chúng tôi vẫn vận dụng để tiếp cận các hoạt động nghiên cứu hỗ trợ đồng bào - "Lý thuyết về Sinh thái nhân văn".

    Anh kể, Bố A Ma Chiêm không chỉ truyền dạy những tri thức về cây thuốc, bài thuốc mà cho anh cả cảm hứng thiêng liêng về văn hóa của người dân Tây Nguyên gắn với những thứ thiêng như Voi, Ché túc, Luật tục và cả câu chuyện về Rừng A Junpa huyền diệu trên đất tỉnh Gia Lai. Đặc biệt là về Rừng A Junpa, già kể ở đó có những đồ vật, con vật và con người hóa thạch, những ngôi nhà nhìn thấy trong rừng nhưng không bước vô được nếu không có ai đó là người địa phương dẫn đường và làm lễ xin Thần rừng để vào thăm viếng. Rừng A Jumpa có loài cây thuốc quý rất kỳ lạ, nếu biết đi đến đúng hướng theo lời chỉ bảo của thầy thuốc địa phương thì cây thuốc sẽ cho mình lấy về, nếu đi sai hướng khi đến nơi cây thuốc đã tự cháy thành than. Anh Lý dự kiến sẽ đi đến đó không phải để kiểm chứng những điều huyền diệu Già kể mà để thấy mình được chạm vào thế giới tinh thần của Già, của đồng bào Tây Nguyên trong mối quan hệ đã đính ước keo sơn vô thủy vô chung giữa Con người và Thiên nhiên nơi đây.

    Ai biết được, có thể sẽ có những điều kỳ diệu sẽ xuất hiện, song điều kỳ diệu nhất có lẽ đã là những điều mà Già đã truyền dạy cho anh và để anh giữ lại và nhân lên bội phần. Chưa ai truyền dạy nghề thuốc nam giống như Già. Trời đất đã ban tặng cho anh Lý và chúng ta những điều kỳ diệu ngay cả trong cuộc sống đời thường. Anh hay tôi, chúng ta và tất cả những ai đang được hưởng ân huệ đó phải trân trọng, bảo tồn và có trách nhiệm lưu truyền mãi mãi.

    Tôi cũng muốn nói thêm đôi điều về hoạt động Truyền nghề thuốc nam trong khả năng và hiểu biết của mình. Từ xa xưa cho đến nay truyền nghề thuốc nam thường chỉ thực hiện trong nội bộ các gia đình, dòng họ. Có nhiều lý do, hoặc người biết cây thuốc, bài thuốc muốn giữ bí quyết hành nghề để sinh kế, hoặc nghề làm thuốc nam đã trở thành vũ khí phòng thân để những người thầy thuốc nam tự bảo vệ mình và con cháu của họ trước những biến cố của cuộc đời. Tuy nhiên, tôi nghĩ về một lý do mang tính bao trùm nhất đã hạn chế sự truyền nghề rộng rãi cho mọi đối tượng có liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng thờ Thần thuốc nam của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong các vùng rừng đầu nguồn. Người dân cũng như các thầy thuốc trong các vùng này thường tin rằng Trời Đất, Thần linh đã trao cho họ những hiểu biết, kinh nghiệm và luôn mách bảo họ về trọng trách, cách thức vận dụng để cứu người từ những báu vật của Thiên nhiên, cây cỏ. Họ sợ sự bất cẩn trong truyền dạy hoặc sự thiếu nỗ lực, thiếu đạo đức của người học sẽ bị Thần Rừng, Thần sông, Thần núi, Thần thuốc nam quở trách, thậm chí cả trừng phạt. Chính vì vậy, cái phương thức truyền nghề chủ yếu là truyền nghề trong nội bộ gia đình, trong dòng họ đã như một giải pháp để các thầy thuốc tự gánh chịu nếu có rủi ro xảy ra.

    Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi khi cũng có những ngoại lệ khi Trời đất bỗng dưng đưa đến cho các thầy thuốc, những con người có đầy thiện tâm để tiếp nhận những tinh hoa của họ, của dân tộc họ, của dòng họ. Những con người này thường có sự cam kết rất cao về việc gắn bó trọn đời mình với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các tri thức trong sử dụng cây thuốc để cứu người.

    Già A Ma Chiêm, một tráng sỹ săn voi, một thầy thuốc nam nổi tiếng của Buôn Đôn đã có được niềm vui đó. Chắc Tạo hóa cũng đã chiều Già vì tấm lòng độ lượng và thương người của Già. Hy vọng nhiều thầy thuốc nam khác cũng sẽ có được những cơ hội và may mắn như Già. Và anh Lý, người con nuôi quê hương xứ Bắc nay đã thực sự là một thành viên trong gia đình của Già, anh đã có may mắn đến với Già và tiếp nhận một phần trong kho tàng tri thức sử dụng cỏ cây để chữa bệnh cho con người từ Già. Chúng tôi tin anh sẽ sử dụng và phát huy được những vốn quý này như Già tin tưởng "Cho được rồi, yên tâm rồi. Con Lý bộ đội nó giữ cũng như mình giữ, Buôn làng không mất các bài thuốc nữa rồi". Sẽ mãi là như thế phải không anh.

    Là người con của Đất nước triệu voi, theo chân người chú ruột sang Việt Nam săn voi từ năm 1950 để rồi mảnh đất này đã nứi chân Già ở lại để gắn bó với núi rừng hùng vĩ và con người Tây Nguyên. Tây Nguyên đã nuôi Già cho Già thêm con thêm cháu, để rồi Già mãi mãi gắn bó với Buôn Đôn với Tây Nguyên với những con người biết trân trọng, học hỏi và phát huy những những gì mà con người và thiên nhiên ở đây ban tặng. Trong tiếng gió nghe có tiếng đàn voi đi, có mùi hương cây cỏ, tiếng dòng sông Sê Rê Pốk tuôn chảy và có cả tiếng ai đó đang thì thầm kể về những huyền thoại của Rừng Tây Nguyên và Người Tây Nguyên. Những người như Già A Ma Chiêm luôn là những cây cổ thụ trong rừng Tây Nguyên xèo tán che cho cộng đồng và con cháu. Xin gửi lời chúc tới Già và gia đình khang an, hạnh phúc. Hy vọng sẽ sớm gặp lại Già trong mùa xuân năm tới.

    Nguyễn Văn Sự