Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Hữu Lũng: Đồi núi có cây mà không thành rừng

  • Cây bạch đàn đã thay thế gần như toàn bộ thảm thực vật của hệ sinh thái đồi núi đất ở Hữu Lũng. Dấu ấn của rừng nguyên sinh trữ lượng lớn với nhiều loại gỗ quý như lim xanh, kháo, lát hoa, lát khét, sến, đinh, táu, de, sồi… giờ đây chỉ còn lại một vài chỏm lim mấy chục năm tuổi được gia đình giữ lại cùng với thổ kỳ và đình làng - nơi thờ cúng thần đất, thần rừng. Theo lời kể của già làng, trước đây bà con thôn bản vẫn sống cùng rừng, nhờ rừng che chở cho đến khi rừng tự nhiên bị khai thác trắng (khai thác mạnh vào những năm 1976 đến 1986 - tác giả).

    Bạch đàn thay thế cây ăn quả bản địa và rừng tái sinh tự nhiên!

    Hơn 80% đất lâm nghiệp ở huyện Hữu Lũng- tỉnh Lạng Sơn được trồng phủ bạch đàn theo nhận định của những cán bộ lâm nghiệp và người dân địa phương. Bạch đàn trồng trên chót vót đỉnh đồi, trồng xuống tận nương bãi, xuống vườn, trồng bao quanh nhà. Người ta tận dụng mọi chỗ có thể để trồng dù là vài chục cây bạch đàn với toan tính sau vài năm thì vài chục cây này cũng thu được tiền triệu mà không bỏ bao nhiêu vốn cũng không mất công chăm sóc. Người dân địa phương sau 2-3 năm cây vải thiều mất giá cũng đua nhau phá vải, bỏ trồng sắn, chặt rừng tái sinh gần nhà, phá rừng phòng hộ, tranh lấn đất thuộc quản lý của lâm trường để lấy đất trồng bạch đàn.

    Cây bạch đàn đã thay thế gần như toàn bộ thảm thực vật của hệ sinh thái đồi núi đất ở Hữu Lũng. Dấu ấn của rừng nguyên sinh trữ lượng lớn với nhiều loại gỗ quý như lim xanh, kháo, lát hoa, lát khét, sến, đinh, táu, de, sồi… giờ đây chỉ còn lại một vài chỏm lim mấy chục năm tuổi được gia đình giữ lại cùng với thổ kỳ và đình làng- nơi thờ cúng thần đất, thần rừng. Theo lời kể của già làng, trước đây bà con thôn bản vẫn sống cùng rừng, nhờ rừng che chở cho đến khi rừng tự nhiên bị khai thác trắng (khai thác mạnh vào những năm 1976 đến 1986 - tác giả). Còn rừng người dân địa phương đi kiếm mật ong, lấy song mấy, lấy nhựa cây làm nến bán; kiếm rau, măng, thú rừng… làm thực phẩm; kiếm các loại cây thuốc trị bệnh…

    Việc từng bước thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng nguyên liệu (keo, bạch đàn, mỡ, thông…) và đến nay hầu như trên diện tích đồi núi đất chỉ độc canh cây bạch đàn đang đặt ra nhiều thách thức cho môi trường sinh thái và canh tác và đời sống của bà con dân tộc tày- nùng ở Hữu Lũng, trong đó thể hiện rõ nhất là suy giảm khả năng sản xuất của đất và suy giảm vai trò điều tiết nguồn nước của thảm thực vật rừng.

    Sở dĩ cây bạch đàn lên ngôi trên đất Hữu Lũng là bởi nơi đây nằm trong quy hoạch phát triển lâm nghiệp vùng nguyên liệu gỗ trụ mỏ Đông Bắc , tiện đường giao thông vận chuyển gỗ thành phẩm đi Trung Quốc và đi Quảng Ninh, lại được 3 lâm trường đóng trên địa bàn đẩy lên thành vùng hàng hoá tập trung. Mặt khác, đây là giống bạch đàn ươm mô, hom với chu kỳ ngắn, cho thu hoạch sau 5-7 năm thay thế giống bạch đàn ươm hạt chu kỳ hàng chục năm. Trồng bạch đàn mang lại một khoản thu từ 45- 55 triệu 1ha cho một chu kỳ 5-7 năm mà chỉ mất 2-3 triệu đầu tư (giống cây con, phân bón, công trồng) và hầu như không mất công chăm sóc.

    Phong trào trồng bạch đàn được khởi xướng lên bởi ba lâm trường đóng trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Các lâm trường nắm giữ hầu hết đất lâm nghiệp (đồi núi đất) và sử dụng trồng kinh doanh bạch đàn mô, hom đến nay đã sang chu kỳ thứ 3 (hơn 10 năm). Để tiện khai thác và vì lợi nhuận thì lâm trường cũng như người dân đều thích trồng bạch đàn hơn là trồng keo. Mọi người đều thấy rằng bạch đàn trồng xen keo thì cây keo có tác dụng cải tạo đất nhưng vì lợi nhuận và để dễ khai thác thì bạch đàn vẫn được trồng độc canh.

    Qua cán bộ lâm nghiệp huyện được biết: những chương trình như chương trình 327- phủ xanh đất trống đồi núi trọc (1992- 1998), chương trình 661- trồng mới 5triệu ha rừng (1998 đến nay) về Hữu Lũng, ngoài việc dẫn tới tàn phá nốt một số rừng tái sinh tự nhiên còn lại thì những loại cây bản địa (vải) cũng được chặt đi để trồng bạch đàn. Những chương trình này lâm trường vẫn gọi là trồng rừng nguyên liệu, trồng rừng sản xuất, thực tế là trồng độc canh cây bạch đàn ngắn ngày với mục đích kinh doanh. Bạch đàn được khai thác trắng trở thành đồi núi trọc sau khoảng từ 4 đến 6 năm, rồi bạch đàn mới lại được trồng hoặc để tái sinh mầm. Như vậy, vai trò của rừng là bảo vệ đất, bảo vệ nguồn gen, điều hoà nước không khí… thì bạch đàn lại đang phá huỷ đất và làm suy kiệt nguồn nước ở Hữu Lũng.

    Trồng rừng: “kinh tế trước, kỹ thuật sau”!

    Cây bạch đàn làm khô cằn đất và làm khô cạn nguồn nước, khó có cây gì sống được trên đất đã trồng bạch đàn khoảng 2-3 chu kỳ (khoảng 10- 15 năm)- bằng quan sát và kinh nghiệm thực tế những hộ gia đình chúng tôi hỏi chuyện đều có chung nhận xét này. Những tác động này lâm trường biết, chính quyền biết và người dân cũng biết. Đứng trước thực trạng này, liệu lâm trường ở Hữu Lũng có giải pháp gì? Đại diện phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện nói với chúng tôi về dự định bắt buộc tỷ lệ trồng keo trong các chương trình đầu tư trồng rừng của Huyện. Một cán bộ lâm trường khi được hỏi đã nửa đùa nửa thật nói với chúng tôi: “Trồng rừng theo chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật mà (nghĩa là hiệu quả kinh tế đặt lên hàng đầu, kỹ thuật là thứ yếu- tác giả). Đến bao giờ phải đổi thành chỉ tiêu kỹ thuật- kinh tế thì mới quan tâm tới vấn đề tác hại đến đất và nước được”. Với người dân, do khó khăn về kinh tế nên người dân chỉ nghĩ đến hiệu quả kinh tế trước mắt là trồng cây bạch đàn bất cứ nơi đâu có đất, kể cả phá rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ, chặt bỏ cả cây ăn quả mất giá như cây vải… trồng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch chung của địa phương, với hy vọng sau 5 – 7 năm có một khoản tiền để trang trải chi tiêu cần thiết.

    Nguyên sản bạch đàn nhập nội từ úc vào Việt Nam. Năm 1989, ban hành quy phạm kỹ thuật trồng rừng bạch đàn trắng trong đó đã đề cập tới quy phạm về điều kiện đất trồng như độ dốc phải dưới 20º. Năm 1991, có chỉ thị của hội đồng bộ trưởng về việc trồng bạch đàn trong đó yêu cầu việc ban hành các quy trình, quy phạm trồng rừng bạch đàn, thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học cần thiết về cây bạch đàn nhằm nâng cao hơn nữa năng suất rừng bạch đàn và hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu của bạch đàn đối với môi trường.

    Trong chỉ thị này còn nói: “Từ nay trở đi, việc trồng rừng bạch đàn tập trung nhất thiết phải thực hiện phương thức thâm canh, hỗn giao thích hợp với các loài cây họ đậu hoặc các loài cây bản địa khác; tuyệt đối không trồng bạch đàn để phòng hộ đầu nguồn, không trồng bạch đàn ở nơi núi cao, đất quá dốc”.

    Rừng trồng độc canh bạch đàn không thể gọi là rừng!

    Trong luật bảo vệ và phát triển rừng (2004) có nêu rõ:”Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng”. Đối với việc trồng độc canh cây bạch đàn ở Hữu Lũng, người dân tại nhiều thôn xóm trong huyện chúng tôi đến hỏi chuyện đều có chung một nhận xét về sự thay đổi tài nguyên đất và nước. Đối với đất thì sau chu kỳ đầu tiên trồng bạch đàn, sau đó trồng sắn không được. Đối với nguồn nước, trước đây các khe nước không bao giờ cạn, nhưng hiện nay năm nào cũng cạn và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Lý giải cho việc này là do rừng bị mất, trồng cây bạch đàn đã làm cho đất khô cằn, lá bạch đàn rụng xuống làm cho các cây thảm thực vật không thể phát triển được. Già làng xóm Hố Rỗng- Minh Sơn nói với chúng tôi: “Cơ quan lâm nghiệp cuốc hết đi để trồng cây, và cứ như thế thì đất xói mòn hết, như tôi bảo đáng ra là những cây tự nhiên mọc lên thì mình để kệ nó và mình trồng thêm như cây trám, cây dẻ, cây kháo, cây Ba kích. Rừng bây giờ chỉ toàn có cây Bạch đàn, keo. Ruộng nước bây giờ thì cạn không có nước để mà cấy, mà nguyên nhân là do phá hết rừng. Trước đây khi các cháu còn nhỏ, chúng tôi còn làm cối giã gạo dựa vào sức nước, bây giờ làm gì còn cái đấy nữa là vì hết rừng”.

    Xét về vai trò, rừng là thảm thực vật của những cây thân gỗ trên bề mặt trái đất, giữ vai trò to lớn đối với con người như: cung cấp nguồn gỗ, củi, chống xói mòn, điều hòa khí hậu, tạo ra oxy, điều hòa nước, nơi cư trú động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm… Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, rừng còn có vai trò to lớn trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa tín ngưỡng gắn liền với rừng núi. Già làng người dân tộc Tày ở thôn Voi Xô (Hoà Thắng, Hữu Lũng) cho biết: Từ khi rừng tự nhiên bị chặt đi, bạch đàn được trồng vào thì lũ lụt, hạn hán diễn ra bất thường hơn, mùa lũ nước dâng cao và xảy ra nhiều hơn, mùa khô sông suối cạn kiệt không đủ nước cho sản xuất và đời sống. Sau khi trồng bạch đàn được 1 – 2 chu kỳ, đất đai khô cằn thiếu nước, trồng cây ngắn ngày phát triển chậm, đối với cây sắn của bà con chỉ cần sau 1 chu kỳ trồng bạch đàn đã rất khó phát triển… Ngay cả trồng bạch đàn, chu kỳ sau năng suất thấp hơn trông thấy…. Trước đây thổ kỳ dựng ở những tán cây to và rất thiêng liêng thì giờ cây to hết, nhiều nhà đành để thổ kỳ trơ trọi trong đám cây bạch đàn, sự linh thiêng vì thế cũng bớt đi.

    Rõ ràng, việc trồng độc canh cây bạch đàn cộng với sự mất đi của rừng tự nhiên có tác động mạnh đến hệ sinh thái và sinh kế của người dân, đặc biệt là cộng đồng người Tày- Nùng- Dao vốn sống gần rừng và chiếm đa số ở Hữu Lũng. Trước hết, người dân Mất đi phần thu nhập quan trọng từ rừng tự nhiên. Mặc dù trước đây rừng tự nhiên do lâm trường quản lý nhưng dân vẫn được khai thác lâm sản (măng, song mây, thú rừng, ong..), củi, gỗ làm nhà… nhưng đến nay nguồn lâm sản này hầu như không còn. Chăn nuôi trâu bò dưới tán rừng là một trong những thế mạnh của nhân dân trong vùng giờ cũng giảm đi. Trước đây mỗi nhà tối thiếu cũng có khoảng 10 con, nhưng hiện nay không còn nguồn thức ăn cho gia súc nên mỗi hộ chỉ nuôi 1- 2 con (vì phần lớn là rừng bạch đàn cỏ không phát triển được). Nghề y dược cổ truyền (thuốc nam) không còn cơ hội phát triển do mất rừng- mất nghề khai thác chế biến dược liệu. Vào mùa khô nước tưới cho cây trồng không đủ, nhiều ruộng chỉ làm được một vụ vì không có nước tưới và ngay cả nước sinh hoạt cũng khan hiếm… Rõ ràng, thu nhập trước mắt mà cây bạch đàn mang lại tưởng là cao, nhưng nếu so với những lợi ích mà rừng tự nhiên, rừng đa dạng sinh học mang lại (ví dụ nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp, nguồn tài nguyên phi gỗ, thuốc nam…) thì phải thấy rằng về lâu dài bạch đàn mang lại những thiệt hại về kinh tế, văn hoá, xã hội với người dân Hữu Lũng.

    Cuộc tranh luận định nghĩa về rừng và một dự án trồng rừng lớn nhất Việt Nam

    Khoảng 300.000 ha đồi núi trọc tại Việt Nam sẽ được phủ xanh nhờ một dự án trồng rừng được đánh giá là có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Đây là tuyên bố bởi dự án do Steve Chang, người được mệnh danh là Bill Gates châu á, khởi xướng và đã nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ Việt Nam. Trước mắt dự án này nhắm tới trồng chủ yếu là bạch đàn, keo, thông tại năm địa phương , trong đó có Lạng Sơn. Người đại diện thực hiện dự án này cho biết ý tưởng khi lập dự án này là Việt Nam có nhiều đất rừng để trống không dùng đến, nhiều nguồn tự nhiên không được tận dụng và thiếu nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực này. Dự án muốn trở thành hình mẫu của một doanh nghiệp làm xanh môi trường. Tuy nhiên, như những ý kiến của người dân được nêu ra trong bài viết này, việc trồng độc canh cây lâm nghiệp, đặc biệt là cây bạch đàn không sẽ mang lại những tác hại lớn đối với môi trường sinh thái và sinh kế của người dân bản địa. Với việc trồng bạch đàn ở Hữu Lũng, người dân không thiếu vốn trồng bạch đàn mà thiếu vốn để gây dựng lại rừng đa dạng sinh học, rừng tái sinh tự nhiên, thiếu đất canh tác.

    Liên quan tới việc trồng độc canh, mới đây các chuyên gia lâm nghiệp trên 29 quốc gia trên thế giới đã có cuộc gặp gỡ và trình bày với các quan chức lâm nghiệp thuộc Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) phản đối mạnh mẽ định nghĩa của FAO xem tất cả các loại đồn điền là “rừng”. “không chỉ các đồn điền cây độc canh không phải là rừng mà những đồn điền đó còn dẫn đến hay đã dẫn đến phá hủy rừng bản địa của chúng ta và phá hủy những hệ sinh thái quý giá cân bằng khác mà chúng thay thế”. Theo tuyên bố của các chuyên gia lâm nghiệp gửi đến FAO, tác động của các đồn điền cây độc canh bao gồm tổn thất đa dạng sinh học, thay đổi chu trình nước, sản xuất lương thực giảm, thoái hóa đất, làm mất các nền văn hóa truyền thống và bản địa, xung đột với các công ty lâm nghiệp, nguồn việc làm giảm, trục xuất cư dân nông thôn và giảm phong cảnh tự nhiên ở những khu vực du lịch.
    Rõ ràng việc xem xét lại khái niệm về rừng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bản địa, đến môi trường sinh thái chung. Hầu như ai cũng thấy rằng nhiều cây sẽ không thành rừng nếu không có tính đa dạng sinh học, không có vai trò cải thiện môi trường (đất, nước…). Xuất phát từ sự nhìn nhận này, những mô hình canh tác đa dạng sinh học và cải tạo đất sau cây bạch đàn là ý tưởng hay cần được triển khai và nhân rộng tại Hữu Lũng.

    CIRUM