Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Hội đông y xã Đồng Thắng: Hướng đi mới cho cây thuốc nam

  • Ngày 17 tháng 4, UBND xã Đồng Thắng phối hợp với Trung tâm CIRUM tổ chức Tọa đàm “Sử dụng và quản lý tốt nguồn cây thuốc nam trong tự nhiên”. Tham gia tọa đàm có đại diện Hội đông y huyện Đình Lập, lãnh đạo các ban ngành xã, trạm y tế xã, các trưởng thôn, các ông lang bà mế của xã Đồng Thắng và đại diện Hội đông y xã Bắc Lãng.
     
    Thay mặt lãnh đạo xã, ông Vi Văn Thọ, dân tộc Tày - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý dự án xã giới thiệu lý do, mục tiêu của tọa đàm. Tại buổi tọa đàm các đại biểu được xem phim tư liệu về quá trình hình thành và xây dựng Hội thuốc nam ở xã Bắc Lãng - một mô hình được đánh giá là kết quả thành công bước đầu về quản lý và bảo vệ rừng dựa vào Hội Thuốc nam truyền thống .
     
    Đồng Thắng trước đây nổi tiếng là vùng có nhiều cây thuốc nam, với nhiều loại cây thuốc quý như: bầu tiên, trầu một lá, hòang đằng, sâu hay, nấm lim…Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các tư thương bên ngoài, đặc biệt là  người Trung Quốc đã tìm mọi cách để thu mua ồ ạt, khai thác cả thân và rễ. Một số cây thuốc quý như Ba kích, Sâm đất, cây bổ máu, Bầu tiên (cuống đỏ), Thau mắc lượt, Trầu một lá, Na rừng, Sâu hay, Chè rừng (70% đã mất), Hoàng đằng (lạc lương) ngày càng khan hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

    Tọa đàm chia 2 nhóm thảo luận. Một nhóm gồm các lãnh đạo xã và trưởng các thôn bản; nhóm còn lại là các thầy thuốc nam của Hội đông y, y tế thôn bản. Nội dung Tọa đàm tập trung thảo luận những giải pháp phù hợp trong quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững cây thuốc nam, cũng như phát huy những tri thức bản địa trong việc sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh. Kết quả thảo luận nhóm đã xác định được chiến lược và kế hoạch hành động để tăng hiệu quả sử dụng cây thuốc nam trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng và quản lý tốt nguồn cây thuốc trong tự nhiên tại Đồng Thắng.
     
    Tọa đàm đã khẳng định: để khai thác nguồn cây thuốc nam bền vững cần có thỏa thuận với xã, thôn. Về quản lý, rừng thuốc nam cần đượcgiao cho cộng đồng/thôn, thôn giao cho một nhóm người/hộ  nhiệt tình, và phải có quy chế cụ thể do cộng đồng thảo luận và quyết định. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động thông qua họp thôn, lồng ghép vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ cây thuốc nam vào các hội nghị có nhiều ban ngành tham gia như hội người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, nông dân,các tổ chức đoàn thể là cần thiết để nâng cao nhận thức và cùng thống nhất thực hiện. Một trong những hoạt động chiến lược đầu tiên như khảo sát cây thuốc ở rừng của thôn, quy hoạch rừng thuốc nam, và thảo luận quy chế quản lý và bảo vệ cần được tiến hành sớm.
     
    Tại buổi Tọa đàm, ông Lã Văn Lợi - Chủ tịch Hội đông y xã Bắc Lãng chia sẻ những kinh nghiệm trong họat động của Hội đông y, quá trình xây dựng các khu rừng bảo tồn cây thuốc nam, cũng như việc khai thác sử dụng bền vững nguồn cây thuốc nam tại Bắc Lãng.

    Kết thúc Tọa đàm, ông Vi Văn Thọ, Trưởng Ban quản lý dự án xã thay mặt các thầy thuốc nam tổng kết kết quả  thảo luận, gồm: Thành lập tổ, nhóm 3-4 người biết cây thuốc giao cho họ quản lý, bảo vệ, sử dụng một khu rừng thuốc nam cộng đồng. Các Trưởng thôn về họp thôn để thống nhất nhận rừng thuốc nam cộng đồng. Các thôn sẽ tự  chọn người biết cây thuốc tham gia nhóm (có cả người già và trẻ) để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, khảo sát nhằm nắm được trữ lượng cây thuốc nam trong rừng.

    CIRUM