Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Bảo tồn và phát triển cây thuốc nam truyền thống của dân tộc Dzao và dân tộc Tày Xã Đồng Thắng, Huyện Đình Lập

  • Phía cuối những cánh rừng tự nhiên còn sót lại ở xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày và Dao. Chưa đầy chục năm trước, đây còn là rừng đặc dụng - nghiêm cấm mọi hình thức khai thác nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học cho các loài động thực vật. Không nhiều người biết rằng, khu vực yên bình này là vùng rừng hiếm hoi của miền núi phía Bắc còn hội đủ các yếu tố tự nhiên cho sự sinh trưởng và phát triển của loài nấm lim xanh (nấm Linh chi) rất quý. Đây cũng là nơi có truyền thống nấu cao thực vật từ hơn 150 loại cây tầm gửi thu hái từ tự nhiên của đồng bào người dân tộc Tày, hay bài thuốc tắm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao giúp hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, phòng chống hậu sản. Để vào được Đồng Thắng, từ trung tâm thị trấn Đình Lập, chúng tôi phải mất 2 giờ đồng hồ đi xe máy chỉ để vượt qua 17 cây số đường rừng trong điều kiện thời tiết khô ráo. Mưa nhỏ thì những đoạn đường trơn trượt sẽ là thử thách cho bất kỳ tay lái nào, còn mưa lớn thì gần như cả xã Đồng Thắng bị cô lập vì những con suối cắt ngang đường.

    Đoàn khảo sát gồm 20 người từ những ông lang, bà mế 60 - 70 tuổi đến những nam nữ thanh niên sức trẻ dồi dào cùng nhau dầm mình trong cơn mưa đầu mùa để tìm hiểu hiện trạng cánh rừng cộng đồng thuốc nam của xã. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Quản lý và sử dụng tài nguyên tự nhiên dựa vào cộng đồng thông qua nhóm thầy thuốc nam truyền thống do Trung tâm CIRUM hỗ trợ. Trong năm ngày thực địa (từ 21 - 25/5), từng cơn mưa rừng như thách thức ý chí và sự tận tâm của các thầy thuốc nam, song cũng rất biết “chiều lòng” người. Mưa sớm rồi tạnh, để các thành viên lại có thể cơm nắm vào rừng, và sau đó mưa chiều muộn lại mang đến hơi thở trong lành của núi rừng.

    Gần 300 loài thuốc nam bản địa

    Khác hẳn với sự e dè ban đầu khi được hỏi về kinh nghiệm sử dụng cây thuốc, tham gia vào chuyến đi này, tất thảy mọi người đều cởi mở chia sẻ chi tiết màu sắc, hình dáng, mùi vị… từng loại cây mà mình tìm thấy. Nhờ đó, các thầy thuốc cao tuổi không những học tập kinh nghiệm của nhau mà còn giúp thế hệ trẻ có được nhiều bài học bổ ích thông qua sự sẻ chia, hướng dẫn tỉ mỉ.

    Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện có gần 300 loài cây thuốc nam bản địa trong hai khu rừng tự nhiên tại thôn Pắc Giàu và thôn Nà Ngòa đang thường xuyên được đồng bào sử dụng, mang lại hiệu quả tốt. Đặc biệt, có loài xuất hiện trong sách đỏ như cây Hoàng Đằng.

    “Điều đáng tiếc là nhiều cây thuốc nam quý ở các khu rừng này trước đây và hiện nay như dây huyết đằng, na rừng…vẫn đang bị khai thác cạn kiệt, ồ ạt cả gốc rễ để bán sang Trung Quốc với giá rẻ. Cấp cấp chính quyền và chính người dân bản địa vẫn chưa có sự giám sát, quản lý hiệu quả với những tư thương thu gom thuốc”, tâm sự của một thành viên.

    Bên cạnh đó, toàn bộ số cây thuốc tìm thấy đã được Trung tâm CIRUM chụp ảnh, ghi chép lại công dụng hay các bài thuốc để chuẩn bị cho việc in sách, giúp bảo tồn những giá trị mà cộng đồng người Tày, người Dao ở Đồng Thắng đã đúc kết. Một số cây thuốc quý thường xuyên sử dụng cũng được mang về trồng tại vườn thuốc nam của xã Đồng Thắng vừa đưa vào sử dụng, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

    Sôi nổi ngày hội giao lưu

    Cùng tham gia đoàn khảo sát còn có bà Vi Thị Thơm - Chủ tịch Hội đông y huyện Đình Lập, ông Nguyễn Văn Bảo (dân tộc Tày) và bà Bàn Thị Lìu (dân Tộc Dao) đến từ 2 xã Tân Thành và xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Với đội ngũ thầy thuốc nam xã Đồng Thắng (chủ yếu là các Mế), đây thực sự là một cơ hội giao lưu thú vị, bổ ích dù chưa bao giờ họ nhận mình là thầy thuốc nam.

    Hơn thế, thật tình cờ khi trong đoàn khảo sát có sự gặp gỡ của đồng bào dân tộc Dao đến từ 3 xã: Hữu Liên, Lâm Ca và Đồng Thắng. Đây là 3 đơn vị có rừng đặc dụng của tỉnh Lạng Sơn (mới đây rừng đặc dụng Lâm Ca và Đồng Thắng đã chuyển đổi thành rừng phòng hộ).

    Với biệt tài vừa hát vừa sáng tác lời trên làn điệu sẵn có của dân tộc mình, đọng lại trong mỗi thành viên sau chuyến đi này là làn điệu và những câu hát “đối” mượt mà, ý nghĩa của mế Bàn Thị Lìu đến từ xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Cả đoàn như bị “con ma rừng lấy mất hồn” khi nghe tâm sự mộc mạc của người dân tộc Dao với những bài thuốc tắm cổ truyền “…các thầy thuốc nam các dân tộc giao lưu với nhau, cùng khảo sát thuốc nam, cùng chia sẻ kinh nghiệm, các bài thuốc hay chữa bệnh….”.

    Lời ca tiếng hát, tiếng cười vang vọng giữa núi rừng. Dường như đây là lần đầu tiên các thầy thuốc nam xã Đồng Thắng tụ hội đông đủ thế này để làm một việc hết sức ý nghĩa. Đó là tìm cách giữ rừng, giữ cây thuốc và bảo tồn các bài thuốc nam truyền thống cho cộng đồng, cho con cháu sau này.

    CIRUM